Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cảm thấy mệt mỏi vì làm việc tại nhà (Work From Home – WFH) theo đúng nghĩa đen. Đặc biệt, ông cho rằng các cuộc gọi video đòi hỏi sự cố gắng tập trung cao độ hơn, khiến mọi người căng thẳng.
“Đã có người cảm thấy như vậy. Làm việc tại nhà đôi lúc giống đang ngủ ở văn phòng", CEO Microsoft nêu ý kiến khi trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal.
CEO Microsoft cho rằng làm việc tại nhà gây ra sự mệt mỏi, uể oải. Ảnh: ZDNet |
Ông cho rằng tham gia các cuộc họp trực tuyến hoặc trao đổi qua video là công việc thường xuyên khi WFH, nhưng đó lại là nguyên nhân tạo ra sự mệt mỏi. “30 phút sau cuộc họp video đầu tiên vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy uể oải vì phải tập trung nhìn màn hình”.
Giống như hầu hết công ty khác trên toàn thế giới, Microsoft đang thực hiện WFH do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Facebook cũng cho phép nhân viên làm việc từ xa. Gần đây, CEO Google, Sundar Pichai cho biết nhân viên của hãng sẽ làm việc tại nhà đến mùa Hè, tức là vào khoảng tháng 5-6/2021.
Theo Indian Today, không biết vô tình hay cố ý, phát biểu của Nadella được đưa ra vào ngày Microsoft cho phép một số nhân viên làm việc tại nhà vĩnh viễn.
“Đại dịch đặt ra câu hỏi về những điều nhân viên có thể mong đợi trong tương lai, vì vậy chúng tôi đã đưa ra hướng dẫn cách sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt”, Kathleen Hogan - Giám đốc nhân sự Microsoft - viết trên blog của công ty. “Trong tương lai, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp sự linh hoạt nhiều nhất có thể để hỗ trợ làm việc theo phong cách cá nhân, đồng thời cân bằng nhu cầu kinh doanh và đảm bảo văn hóa công sở của Microsoft”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, tùy thuộc vào vai trò, trách nhiệm, tính chất và yêu cầu của công việc, Microsoft sẽ cho phép một số nhân viên làm việc tại nhà, kể cả khi dịch bệnh Covid-19 được giải quyết.
Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, có lẽ CEO Satya Nadella sẽ chọn đi đến văn phòng. Những lời nhận xét ở trên cho thấy ông thực sự háo hức quay lại bàn làm việc của mình tại trụ sở Microsoft.