Khi xã hội ngày càng hiện đại và toàn cầu hóa thì việc xây dựng một nền tảng giáo dục tốt cho con là một trong những ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ. Giáo dục không còn gói gọn trong phạm vi nền tảng kiến thức, mà ngày càng chú trọng hơn đến kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo. Trong đó, xu hướng chủ đạo để giúp trẻ tự tin và tự lập khi trưởng thành là kỹ năng quản lý tài chính.
Theo bà Kim Cương, việc dạy con hình thành thói quen quản lý và xây dựng tài chính độc lập nên bắt đầu từ thứ căn bản nhất việc chi tiêu. Các bậc phụ huynh nên cùng con phân tích và tính toán chi phí tiêu vặt hàng tháng, tập cho con tự quản lý số tiền đó. Cách này giúp trẻ ý thức chi tiêu có kế hoạch, từ đó như đặt nền tảng giúp trẻ tự chủ và có trách nhiệm trong việc quản lý tài chính cá nhân sau này.
Tiếp theo, ngoài việc quản lý việc chi tiêu, hãy giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc tự kiếm ra tiền và tạo cho con thói quen tự lập bằng cách khuyến khích làm những công việc nhỏ để được trả lương. Khi trả lương cho con, cha mẹ tận dụng cơ hội này để đưa ra lời khen về kết quả làm việc của con, nói với con về lợi ích của việc tiết kiệm và cách tiết kiệm số tiền kiếm được.
Bà Trần Thị Kim Cương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam). |
“Thay vì mua mọi thứ cho con, đặc biệt đồ chơi hoặc đồ dùng đắt tiền, hãy để con tự mua đồ bằng tiền của mình. Đồng thời dạy cho con đặt mục tiêu tiết kiệm được một khoản tiền nhất định để mua một món đồ cụ thể khi có nhu cầu. Điều này giúp con biết suy nghĩ, đưa ra quyết định tài chính hợp lý và độc lập”, bà Kim Cương chia sẻ.
Cha mẹ cũng có thể mở một tài khoản tiết kiệm, đầu tư cho con hoặc tham gia một hợp đồng bảo hiểm và khuyến khích trẻ gửi vào đó số tiền nhất định hàng tháng. Các khoản tiền thưởng như tiền lì xì Tết, tiền mừng tuổi sinh nhật nên được đưa vào tài khoản đó và cùng con theo dõi tài khoản này tăng trưởng theo thời gian, giúp con nhận thức được lợi ích của việc tiết kiệm đầu tư và có thêm niềm vui, động lực.
Cũng theo bà Kim Cương, cha mẹ nên trở thành những tấm gương tốt trong việc quản lý tài chính để trẻ noi theo. Khi đi mua sắm, hãy cho các con đi theo và dành thời gian giải thích cho trẻ cách tích điểm thưởng vào thẻ thành viên, dùng mã giảm giá, lý do phải mua món hàng này với giá này và chỉ nên mua những món đồ cần thiết. Điều này giúp trẻ biết đưa ra các quyết định mua sắm thông minh về sau.
Vào cuối tuần hay những lúc gia đình quây quần, cha mẹ cũng nên thảo luận với con về các khái niệm tài chính đơn giản như đầu tư là gì, tại sao phải đầu tư, làm thế nào để các khoản đầu tư được sinh lời, các khoản đầu tư này giúp ích cho những mục tiêu dài hạn của con như thế nào khi con lớn lên.
Cha mẹ nên dành thời gian thảo luận với con về vấn đề tài chính. |
Tham khảo ý kiến của con về một số quyết định quan trọng như mua nhà, xe hoặc các kế hoạch du lịch… cũng là cách giúp trẻ học cách cân nhắc trước khi ra quyết định, cảm nhận được bố mẹ luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến từ mình.
Khi trẻ đã lớn ở độ tuổi trung học, phụ huynh nên trao quyền sử dụng thẻ ghi nợ và giám sát để trẻ học cách kiểm soát chi tiêu nghiêm túc hơn. Với trẻ đã được quản lý tiền từ một vài năm trước, đây là thời điểm phụ huynh thấy được sự thận trọng của trẻ trong quản lý tài chính.
“Cuối cùng, khi nói về việc dạy trẻ cách quản lý tiền bạc, tôi thấu hiểu nỗi băn khoăn của phụ huynh rằng liệu các con có thể hiểu và áp dụng những kiến thức này khi còn quá nhỏ hay không. Thực tế, thói quen quản lý tài chính hiệu quả cần nhiều thời gian để hình thành, nên việc dạy con làm quen với viêc quản lý chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, các kế hoạch tài chính hiện có trên thị trường chưa bao giờ là sớm. Tôi hi vọng những chia sẻ này giúp ích cho các phụ huynh trong việc giúp các con mình trở nên tự tin, tự lập về tài chính và tạo dựng một nền tảng tài chính vững vàng cho con khi trưởng thành”, bà Kim Cương cho biết.
Bình luận