Tập đoàn Louis Holdings đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến cấu trúc nhân sự thượng tầng sau khi nhà sáng lập Đỗ Thành Nhân vướng các vấn đề pháp lý liên quan đến thị trường chứng khoán.
Lần đầu nói về câu chuyện này tại đại hội cổ đông Dược Lâm Đồng (Ladophar - Mã: LDP), CEO Ladophar Nguyễn Mai Long khẳng định đây là câu chuyện cá nhân không liên quan đến các hoạt động kinh doanh.
"Ông Nhân có bị liên đới bởi một số hoạt động đầu tư chứng khoán, chúng tôi khẳng định các hoạt động này là vấn đề cá nhân chứ không liên quan đến tập đoàn và công ty thành viên. Việc này cũng diễn ra trong năm 2021, trước khi chúng tôi tham gia vào hoạt động điều hành và tiếp quản cổ phần LDP", CEO Ladophar nói.
Ông Nguyễn Mai Long nói về vấn đề nhân sự thượng tầng Louis Hoidings. Ảnh: Louis Holdings. |
Người đứng đầu doanh nghiệp dược khẳng định các câu chuyện của Ladophar vẫn rất bình thường và sẽ tiếp tục phát triển. Công ty sẽ quyết tâm hơn để xóa đi các nghi ngờ và những điểm chưa rõ ràng trong suy nghĩ của một số đối tác, nhà đầu tư và cán bộ công nhân viên.
Nói thêm về hiệu ứng đến chứng khoán, ông Long thừa nhận điều này có tác động khiến mã cổ phiếu LDP khi đã giảm mạnh trong các tuần gần đây.
"Hoạt động kinh doanh là không có gì thay đổi, hiệu ứng tâm lý thị trường là bình thường, cổ đông nên sáng suốt lựa chọn để tránh tình trạng đi theo cảm nhận, quyết định hời hợt dẫn đến thiệt hại trong các quyết định đầu tư", lãnh đạo doanh nghiệp khuyến nghị.
Thực tế cho thấy hoạt động của Ladophar sau khi được tiếp quản bởi Louis Holdings đã trở nên khởi sắc nhiều, công ty cũng lên kế hoạch mở rộng nhanh trong và ngoài nước.
Trong quý IV/2021, Ladophar ghi nhận mức lãi ròng cao kỷ lục hơn 55 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 6 quý liên tiếp thua lỗ trước đó. Nhờ vậy công ty cũng xóa lỗ lũy kế để giúp cổ phiếu LDP được đưa ra khỏi diện bị cảnh báo kể từ ngày 22/3.
Sang năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu cao gấp 3,7 lần năm liền trước lên mức 600 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ còn 21,2 tỷ đồng.
Theo cơ cấu, doanh thu thương mại chiếm 316 tỷ đồng và doanh thu hàng sản xuất là 284 tỷ đồng. lần lượt tăng mạnh 262% và 281% so với năm 2021.
SỐ LIỆU KINH DOANH CỦA LADOPHAR | ||||||
Nhãn | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | KH Năm 2022 | |
Doanh thu | Tỷ đồng | 432 | 380 | 253 | 162 | 600 |
Lãi sau thuế | -20 | 8 | -26 | 37.9 | 21.2 |
Tổng giám đốc Nguyễn Mai Long giải thích kế hoạch mở rộng quy mô doanh số này đến từ một số hoạt động như thành lập công ty liên quan như nước giải khát thảo dược, nuôi trồng dược liệu, nghiên cứu, phân phối sản phẩm…nhằm tạo hệ sinh thái cân bằng đầy đủ cho các hoạt động thương mại.
Đối với chỉ tiêu lợi nhuận suy giảm, vị CEO cho biết một số kênh huy động vốn có biến động nên hoạt động đầu tư cũng bị chậm lại.
"Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng phải có nền tảng, chúng ta đang chuẩn bị cho các hoạt động mới như sắp tung ra 30 sản phẩm rất mới, thay đổi nhận diện thương hiệu, cách thức tiếp cận khách hàng, đang thành lập cơ sở cho hệ sinh thái...", ông nói.
Ngoài ra công ty còn phải đẩy mạnh cho hoạt động marketing và phủ rộng thị trường từ Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng đến tăng cường xuất hiện khắp cả nước. Ban giám đốc đang thành lập các cơ sở kinh doanh ở các miền.
Ở thị trường quốc tế, bên cạnh thị trường đang khai thác thành công là Hàn Quốc, Ladophar dự kiến tiếp cận các thị trường mới tại châu Âu và châu Mỹ để đưa sản phẩm chủ lực ra thế giới.
Ban lãnh đạo nhận thấy sản phẩm chính của công ty là từ cây actiso nên đang xem xét mở rộng vùng trồng. Ladophar dự kiến đầu tư 750 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu với các đối tác trong nước. Đối với nước ngoài công ty sẽ đầu tư vùng trồng ở Mỹ hay Italy để có nguyên liệu sản xuất tại chỗ.