CEO Guốc Việt: Tôi sẽ xây tòa nhà hình guốc thì sao?
Là cử nhân Vật lý, thành thạo 4 ngoại ngữ, sống bằng nghề "gõ đầu trẻ", vì bị mất giọng nói mà Phạm Như Hoa bén duyên với guốc và thành công khi là chủ thương hiệu Guốc Việt như ngày hôm nay.
Nghị lực, năng động, sáng tạo, đổi mới, chuyên tâm và kiên định với mục tiêu đã chọn, đồng thời cũng cay nghiệt và hơi “điên” nói lên phần nào tính cách, cuộc đời người phụ nữ nhiều sóng gió này. Chị là Phạm Như Hoa (Hoa Guốc), Giám đốc Công ty TNHH Hoa Anh Đạt, đơn vị sản xuất guốc mộc với thương hiệu Guốc Việt.
Gặp Hoa Guốc trong một trưa hè oi ả tại Khu đô thị Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tôi mở lời: “Dường như đôi guốc kỷ lục của chị có sức lan tỏa lớn…”, chị cắt lời: “Đó chỉ là cái cớ để chúng ta trò chuyện. Tôi không thích nói mãi về đôi guốc kỷ lục. Kỷ lục ngày xưa bé tẹo. Có thể tôi sẽ xây tòa nhà hình guốc thì sao? Ai biết được!”
Phạm Như Hoa (Hoa Guốc): "Kỷ lục ngày xưa bé tẹo. Có thể tôi sẽ xây tòa nhà hình guốc thì sao? Ai biết được". |
Quả thật, sau vài giờ trò chuyện với người đàn bà có tấm thân gầy guộc này, tôi nhận thấy bên trong con người ấy ẩn chứa một nguồn năng lượng cực lớn và sẵn sàng lan tỏa khi được kích hoạt. Sau nhiều nỗ lực tranh đấu với sự trớ trêu của số phận, Hoa Guốc của ngày hôm nay luôn biết cách hâm nóng và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Ít ai nghĩ rằng chị vừa bước sang tuổi tứ tuần.
Từng là cử nhân vật lý, thành thạo 4 ngoại ngữ, sống chủ yếu bằng nghề đi dạy, cuộc sống êm ấm của chị Hoa đã xoay chuyển 180 độ. Năm 29 tuổi, một ca phẫu thuật thanh quản đã cướp đi giọng nói của chị. Sau tai nạn ấy, kể ra chị đã “mất” và cũng “được” rất nhiều. Chị khoe: “Tôi chính thức tự do từ tháng 6 rồi”. “Không ai hiểu tôi làm gì, nhưng tôi đang cô độc trong một xã hội bùng nổ. Tôi đang đi một mình, chồng không còn đi bên cạnh nữa”.
Đôi mắt người phụ nữ đơn thân có cách nói chuyện chao chat thoáng chút buồn. Nhưng khi kể về guốc, chị hào hứng nói: “Tôi là Hoa Guốc, mãi mãi là Hoa Guốc. Nếu có một hãng hàng không mang tên tôi, thì nó phải gắn với cái tên Hoa Guốc bay lên bầu trời. Hoặc một ngày nào bay cùng Hà Dũng, thì phải là Hoa Guốc và Hà Dũng cùng bay. Không thể khác được”.
Ăn mày tình thương
Tôi đến với guốc vì hoàn cảnh xô đẩy, chứ không phải vì một tình yêu nào cả. Thời trẻ tôi nhiều bạn trai theo đuổi; tôi nổi tiếng nhất nhì trường đại học; tôi xinh, biết hát, nhảy đẹp và giỏi nhiều ngoại ngữ… Tôi nghĩ những nguyên liệu đó quá đủ để mình bước vào đời. Tôi cho rằng chỉ cần lấy một ông chồng giàu, thành công, có doanh nghiệp, bố mẹ cho mình ít vốn đầu tư mở công ty.
Đôi guốc kỷ lục của Hoa Guốc. |
Nhưng khi mất tiếng, tôi mất rất nhiều. Bị câm, tôi “mất dạy”, mất hát. Câm vẫn hoàn toàn có thể nhảy được nhưng tôi không làm điều đó. Tôi buồn tủi, chán chường, không lo chăm sóc số “vốn” còn lại. Cho nên, mất mỗi tiếng thôi, tôi cảm giác trời đất suy sụp, chỉ biết ngồi khóc, than thở, quăng quật đồ đạc,... Đó là sai lầm. Không những thế, tôi còn giết nốt vốn còn lại của mình: nhan sắc.
Khi hỏng một thứ thôi, thứ mà nhờ tiến bộ của y học có thể cứu được. Còn sống còn hi vọng, nhưng ngày đó tôi không nghĩ được như vậy. Bây giờ, khi đã vượt qua tất cả, tôi mới khuyên các bạn trẻ: “Còn một tia hi vọng cũng phải cố. Ngày đó tôi còn đến chục tia, tôi không những không khơi dậy mà còn dập tắt cả. Tôi rầu rĩ, khổ sở, buồn chán để ăn mày tình thương của người khác.
Và khi ăn mày tình thương, tôi được tình thương thật. Tôi được bố mẹ và anh trai động viên, cho tiền tiêu. Nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy cuộc sống của mình không đủ. Bởi con người đâu phải sống để tồn tại. Có thể nhiều người sẽ an phận với một gia đình tưởng chừng hạnh phúc: vợ nội trợ, chồng đi làm. Nhưng tôi vẫn còn giấc mơ.
Lâu lâu nhận được điện thoại của người bạn cũ kể chuyện, thấy ngày xưa mình bằng 5 bằng 10 họ, giờ ngồi đây. Thêm nữa, khi các con đi học, bạn bè hỏi: “Bố mẹ cậu làm gì?”, cháu trả lời: “Mẹ tớ tàn tật ở nhà làm nội trợ”. Những thứ đó không có gì xấu, nhưng tự nhiên nó làm con người tôi lại rơi vào một trạng thái khác. Tôi cảm thấy mình sống mà không còn mơ ước nữa. Lúc đó tôi mới hiểu được sống với đam mê, sống với ước mơ giá trị cỡ nào. Cuộc sống không gắn với cái gì cả, sống không bằng chết, nhạt nhẽo lắm. Tôi cứ ngày ngày chờ người thân đi làm về, chờ đến kỳ lĩnh lương, chờ một ngày họ nổi hứng đưa mình đi xem phim.
Gặp những thứ na ná tình yêu
Đến lúc nhận ra cuộc sống như địa ngục, tôi bắt đầu lang thang đi tìm tiếng nói bên trong mình, con người của mình. Trong quá trình tìm kiếm, đôi lúc tôi tìm sai. Tôi gặp một người khuyên tôi làm xây dựng và họ nói sẽ giúp đỡ. Tôi cũng tưởng: “À, đường sống của mình đây rồi”. Và tôi lao vào làm vật liệu xây dựng. Tôi hùng hục đi làm và những tưởng yêu nó. Mẹ tôi còn xúc động làm bài thơ “Xây nhà không ở” tặng con gái.
Nhưng đó chưa phải là cái mình thực sự thích. Tôi tiếp tục đi tìm và gặp gốm. Tôi cũng tưởng mình yêu gốm. Với những phát kiến sáng tạo như làm sơn mài trên gốm, tôi trở thành một trong những người đi đầu ở VN về lĩnh vực này. Tôi cũng được giới thiết kế đánh giá cao, kể cả khi về Bát Tràng rất nhiều người biết đến mình. Rồi thậm chí dát vàng, dát bạc trên gốm tôi cũng từng kinh qua.
Con gái Hoa Guốc làm mẫu nhí cho thương hiệu Guốc Việt của mẹ. |
'Giấc mơ guốc ám tôi'
Nhưng rồi những thứ đó chỉ na ná giống tình yêu. Chỉ đến khi gặp guốc tôi mới mê như điếu đổ. Tôi thấy mình như được sống dậy. Từ khi gặp cơ duyên về làm guốc cho đến ngày hôm nay (10 năm), tôi thực sự thấy mình có duyên và có phận với guốc. Tôi cho rằng chỉ có làm guốc mình mới trở thành người số 1 và không ai soán ngôi được. Tôi còn nghĩ một ngày khi ra thế giới, tôi trở thành người số 1 về đam mê guốc và làm guốc.
Trong đầu tôi luôn lẩn quẩn những giấc mơ đó. Tôi mơ một ngày nào đó được đứng trên sàn catwalk ở những kinh đô thời trang như Milan, Paris,… Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi kinh khủng. Nhất là khi nhà thiết kế Minh Hạnh được nước Pháp phong tặng hiệp sỹ về thiết kế cho phong cách áo dài và hoa văn dân tộc, tôi có cảm giác mình sắp nhận một cái gì đó giống thế.
Vì lẽ đó, có thể tôi không còn cảm giác hào hứng đi nhận những giải thưởng nhỏ trong nước nữa. Tất nhiên, nếu được vinh dự nhận các giải thưởng trong nước tôi vẫn hết sức trân quý và phấn đấu. Nhưng tôi muốn nói rằng những điều đó không còn làm tôi cảm thấy khao khát mạnh mẽ nữa. Khao khát của tôi bây giờ là giành được sự tôn vinh của thế giới. Giấc mơ trong tôi đến giờ phút này đã lớn hơn rất nhiều rồi.
Có lúc muốn xóa sổ cái tên Hoa Guốc
Có thời gian tôi định "giã từ vũ khí" vì guốc không mang lại cơm ăn, áo mặc cho tôi. Thậm chí có những lúc guốc còn làm tôi vỡ nợ. Tất nhiên tôi vỡ nợ đâu phải vì guốc, mà tôi vỡ nợ từ việc có được tiền từ guốc và đi làm việc khác. Nhưng trong lúc đó guốc không giúp tôi sống được.
Thành thật mà nói có những năm tháng tôi định giã từ guốc. Thậm chí, tôi muốn xóa sổ tên Hoa Guốc. Khi lên mạng, thấy tờ báo nào khai thác đôi guốc kỷ lục, tình yêu văn hóa dân tộc tôi ghét cay ghét đắng. Có thời kỳ sưu tầm báo giấy cả một tập ở góc nhà, thế mà tôi đã bán hết. Tôi bán đồng nát báo giấy viết về mình được hơn 40.000 đồng.
Sự kiện bị mất cắp đôi guốc kỷ lục ngay tại nhà khiến tôi nghĩ rằng mình đã hết duyên với guốc. Thậm chí khi ra đường, tôi không tự xưng mình là Phạm Như Hoa nữa, mà tôi nhận mình là Hoa Phạm, một nickname khác để bắt đầu một câu chuyện khác. Nhưng rồi tất cả quay trở lại, khiến tôi không thể né tránh. Nó ám nghiệp vào mình rồi. Tất cả những gì về guốc lại thôi thúc và tôi trở lại.
Theo CafeF/TTVN