Tại buổi bootcamp Startup Việt 2019 diễn ra ngày 28/9 tại TP.HCM với mục tiêu nâng cao năng lực cho start up muốn "xuất ngoại", ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO Grab Financial Group Việt Nam, đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm vươn ra thế giới của công ty công nghệ, cũng như những khó khăn và thách thức mà Grab gặp phải thuở mới chập chững vào thị trường Việt Nam.
Ông Tuấn Anh khẳng định “xuất ngoại là con đường bắt buộc với startup”. |
Mở đầu bài chia sẻ, ông Tuấn Anh khẳng định “xuất ngoại là con đường bắt buộc”. Vị CEO cho biết không thể bắt đầu khởi nghiệp với tư tưởng mình chỉ cần chinh phục duy nhất một thị trường mục tiêu này là đủ.
“Nếu bạn kinh doanh mà chỉ nghĩ đến một thị trường nhất định, sớm muộn thị trường cũng sẽ chật chội. Nhà khởi nghiệp giỏi không bao giờ ngừng phát triển. Bạn muốn tăng doanh thu, kiếm thêm nhiều lợi nhuận, bạn phải tìm đến những thị trường mới”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Vị CEO phân tích thêm, khi startup của bạn tồn tại đến 5, 10 năm, các nhân viên trung thành của bạn cũng sẽ có nhu cầu được tăng lương, tăng chức. Nhưng nếu lợi nhuận, thị trường không tăng, bạn lấy gì cho người ta?
“Xã hội đang phát triển không ngừng, nếu bạn dừng lại tức là bạn thụt lùi. Bởi vậy, đừng nghĩ rằng đi ra quốc tế là việc thích thì làm, không thích thì thôi”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh cũng nhắc nhở các nhà khởi nghiệp rằng những nhà đầu tư luôn tìm một công ty có tiềm năng và tham vọng để rót tiền. Họ muốn thị trường lớn và phát triển không ngừng, bởi vậy nếu bạn nói với nhà đầu tư rằng bạn không có ý muốn “go global”, coi như bạn mất điểm.
“Đừng nghĩ rằng đi ra quốc tế là việc thích thì làm, không thích thì thôi”. |
Nói về những khó khăn khi “xuất ngoại”, vị CEO khuyên các bạn trẻ hãy tự đặt câu hỏi “nên chọn đất nước nào?” trước tiên. Bạn có thể cân nhắc một đất nước có dân số đông với thị trường phong phú, hay một đất nước thân thuộc, gần gũi với Việt Nam để không mất nhiều thời gian hòa nhập. “Sau một thời gian, bạn sẽ hiểu được khi mình ra khỏi Việt Nam sẽ gặp phải những vấn đề như thế nào, phải bay đi bay về ra sao, tranh luận với đối tác nước ngoài về những điều gì...”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
“Đừng chọn một đất nước chỉ vì họ đông dân, như Indonesia là một quốc gia tiềm năng, nhưng để thành công cần số vốn rất lớn. Cũng không nên quá thận trọng, dễ bị đối thủ giành thị phần trước”, CEO tiếp tục. Đôi khi việc đi đâu còn do nhà đầu tư tác động. Bạn cần tỉnh táo đánh giá mức độ khả thi để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, khi startup vươn ra nước ngoài, khó khăn lớn nhất chính là tìm kiếm đồng nghiệp, đối tác tốt. Do sự khác biệt về văn hóa, tập quán, nên xung đột là khó tránh khỏi. Muốn làm việc ăn ý, nhịp nhàng, bạn cần có quá trình tôn trọng và tìm hiểu lẫn nhau.
Ngoài ra, CEO Grab cho rằng startup có nhiệm vụ cốt lõi là giải quyết một vấn đề nhức nhối nào đó của cuộc sống. Ông lấy chính Grab để ví dụ cho quan điểm này: “Ban đầu, chúng tôi muốn giải quyết vấn đề di chuyển - nhu cầu rất cơ bản của con người. Sau đó, chúng tôi nhận ra ăn uống cũng rất quan trọng, vậy là GrabFood ra đời. Rồi chúng tôi tính đến việc phải làm sao để người dùng thanh toán thật nhanh, tiện lợi, an toàn, đó là mục đích hợp tác với Moca để làm ví Moca trên ứng dụng Grab”.
CEO Grab cho rằng startup có nhiệm vụ cốt lõi là giải quyết một vấn đề nhức nhối nào đó của cuộc sống. |
Trước đây, người dân hay gặp vấn đề với xe taxi và xe ôm truyền thống, bởi họ không biết trước số tiền phải trả, rồi lo bị tài xế lái đi lòng vòng để thêm chi phí. Với Grab, nỗi lo đó được giải quyết. “Nhờ có ứng dụng, bạn sẽ biết ai đang chở mình, biết xe, biết lộ trình, biết chi phí. Ngay cả cánh tài xế cũng được giải tỏa nhiều áp lực. Với Grab, họ có thể đón khách ở bất cứ đâu, cuốc này nối tiếp cuốc sau”, ông Tuấn Anh phân tích.
Tổng kết lại, vị CEO khuyên các nhà khởi nghiệp trẻ hãy bán một sản phẩm mà người tiêu dùng có thể sử dụng liên tục, khiến cho mọi thứ trở nên tốt hơn, rẻ hơn và an toàn hơn.