Theo anh Lương Duy Hoài, CEO Công ty cổ phần đầu tư thương mại và chuyển phát nhanh F1 (Giao hàng nhanh), giao nhận hàng là sân chơi nghiệt ngã, doanh nghiệp buộc phải lớn mới có thể tồn tại.
- Giữa rất nhiều ngành, nghề “hot”, tại sao anh lại chọn công việc giao nhận khá vất vả? Anh có thể chia sẻ cơ duyên khiến mình gắn với công việc này?
- Trước khi gắn với Giao hàng nhanh, tôi làm cho một công ty di động. Công việc của tôi là xử lý các phần thuộc mảng cung ứng của doanh nghiệp (DN), như vận chuyển, mua hàng, tồn kho, lưu kho, phân phối cho hơn 200 siêu thị, đại lý… Và tôi biết rằng, thị trường sẽ bùng nổ nhanh sắp tới, lúc đó các DN sẽ có nhu cầu lớn về dịch vụ giao nhận như tôi đang làm.
Câu hỏi: Tại sao mình cứ phải làm 1 công việc cho một DN mà không dùng công việc này phục vụ cho nhu cầu của nhiều DN luôn thôi thúc tôi. Sau thời gian “thai nghén”, tôi cùng 6 người bạn nữa quyết định bắt đầu với dịch vụ này.
CEO Lương Duy Hoài: Đừng quá bận tâm đến đối thủ của mình làm gì, mà hãy tập trung vào điều khách hàng của bạn muốn. |
- Anh có thể chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp của mình?
- Thời điểm đó là giữa năm 2012 nhưng thị trường mới hoàn toàn, chúng tôi thì suy nghĩ đơn giản: DN làm thương mại, xương sống là chuỗi cung ứng, nếu mình cung cấp được dịch vụ tốt thì khách hàng ngày càng đông lên, mình tạo ra được việc làm cho nhiều lao động. Thế nhưng, khi bắt đầu thì cả nhóm mới thấy không thể nghĩ đơn giản và làm đơn giản.
Những ngày đầu, nhóm 7 người vừa làm quản lý vừa làm nhân viên. Đơn hàng đầu tiên đích thân tôi mang đi giao. Mà nói cho oai chứ thực ra từ sáng đến chiều chờ nhận và giao mấy xấp giấy A4 cùng mấy cây viết bi cho một khách bán văn phòng phẩm. Song, điều đó cũng khiến chúng tôi “sướng” vì ngày khai trương có khách. Tổng cộng ngày đầu tiên chúng tôi có được hơn 10 đơn hàng. Và rồi sau 2 năm rưỡi, chúng tôi hiện có 800 nhân viên, quản lý.
- So với các công ty lớn đã định hình, thị phần của Giao hàng nhanh chiếm bao nhiêu? Phân khúc khách hàng nào được anh quan tâm đặc biệt?
- Trong hai năm rưỡi qua, chúng tôi chỉ phục vụ khách hàng thương mại điện tử (TMĐT). Đây là lĩnh vực mà nhiều đơn vị cho là nhỏ, chúng tôi tham gia ngay từ đầu và đã định vị được vị trí. Mỗi ngày chúng tôi nhận, giao cả chục ngàn đơn hàng cho các DN bán hàng online.
Tính riêng trong năm 2014, lượng đơn hàng chúng tôi đạt được là 2 triệu, con số của năm 2015 sẽ là 10 triệu. Trên hệ thống của chúng tôi đã có trên 10.000 tài khoản khách hàng, họ là những người bán hàng online từ nhỏ đến lớn, có người bán chừng chục đơn hàng/tháng, có người hàng chục ngàn đơn hàng… Thị phần giao nhận thuộc mảng TMĐT chúng tôi đang chiếm khoảng 10%, và mục tiêu năm 2015 này sẽ là 23-25%. Nếu nói riêng về mảng khối kiện, di chuyển, Giao hàng nhanh đang nằm trong top 5 ở Việt Nam.
Và chúng tôi vẫn tiếp tục đặt cược vào ván bài của TMĐT, bởi tôi tin tưởng thị trường này sắp bùng nổ.
Từ 7 thành viên ban đầu vừa làm quản lý vừa là nhân viên, DN của những người chủ 8x này hiện có 800 lao động. |
- Với lĩnh vực còn khá mới nhưng đang phát triển nhanh, nhiều đơn vị chen chân, chiến lược kinh doanh của Giao hàng nhanh sẽ như thế nào để khẳng định thương hiệu?
- Quan điểm ngày xưa về làm logictis là lợi thế nằm ở số lượng nhân viên, theo tôi đã cũ. Chúng tôi coi con người có chất lượng, công nghệ và công cụ hỗ trợ mới là lợi thế. Cuối năm rồi chúng tôi đã triển khai Smatphone cho nhân viên khu vực TP HCM để hỗ trợ công việc. Mọi hoạt động của nhân viên sẽ được quản lý bằng hệ thống công nghệ, đây cũng là phương tiện để chúng tôi quản lý nhân viên, giúp năng suất lao động tăng thêm.
Điều quan trọng tiếp nữa là chúng tôi đã và sẽ đầu tư mạnh về các tỉnh. Hiện chúng tôi đã phủ tới thành phố, thị xã của tất cả các tỉnh thành trong nước. Trừ TP HCM và HN, lượng hàng chúng tôi giao về tỉnh đã chiếm khoảng 60% sức mua của các địa phương này.
Trong năm 2015, chúng tôi sẽ mở rộng xuống khoảng 400 huyện. Chúng tôi có niềm tin tuyệt đối TMĐT nằm ở các tỉnh chứ không phải TP HCM hay HN. Khách mua ở khắp cả nước mà các nhà bán lẻ không thể mở cửa hàng đến, nhưng DN giao nhận thì có nhân viên đưa hàng tới tận nhà người mua.
- Việc tuyển chọn, quản lý nhân viên sẽ như thế nào khi lương họ chỉ vài triệu/tháng nhưng số tiền họ thu, hàng hóa vận chuyển từ vài triệu đến cả chục triệu đồng?
- Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định rõ ràng, muốn quản lý con người phải nhờ vào công nghệ chứ không thể dùng con người quản lý con người. Tất cả quy trình đều phải kiểm soát hết trên hệ thống. Chúng tôi cũng thực hiện việc thu tiền thế chân của nhân viên giao hàng. Nhưng những điều này cũng chỉ là một phần, cái quan trọng là mình có niềm tin vào người lao động và tạo cho họ niềm tin.
Còn những trường hợp rủi ro thì đành phải chấp nhận, vì thực tế có những cái mình cũng không thể kiểm soát được. Đến thời điểm này chúng tôi đã giao đến 2 triệu đơn hàng, không thể nào nói hoàn toàn không có những tình huống không mong đợi xảy ra.
- Anh nhận định như thế nào về thị trường TMĐT Việt Nam. Và dịch vụ giao nhận sẽ thay đổi ra sao trong thời gian tới?
- TMĐT trong gần đây có thể gói gọn trong 3 chữ chuyên nghiệp hóa, nghĩa là các đơn vị kinh doanh bắt đầu làm bài bản, đúng chuẩn hơn. Còn giai đoạn tiếp theo, ở góc nhìn của tôi là vào năm 2016, TMĐT sẽ bùng nổ. Tôi khẳng định điều này là có nhiều yếu tố. Thứ nhất là năm nay có rất nhiều nhà bán lẻ lớn trong nước tham gia thị trường, các nhà bán lẻ của khu vực, của thế giới cũng đang đổ mạnh tiền vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Lý do thứ hai là đang có các mô hình giúp người bán hàng nhỏ lẻ tạo web dễ dàng, nhanh chóng hơn, giúp họ bán hàng chuyên nghiệp, người tham gia bán online cũng đông hơn. Khi TMĐT bùng nổ thì các đơn vị giao nhận cũng phải ngày càng lớn, chuyên nghiệp. DN giao nhận phải là đại diện niềm tin giữa khách mua và người bán, giúp họ gặp nhau, tin tưởng nhau.
- Như vậy việc cạnh tranh giữa các DN giao nhận sẽ càng quyết liệt?
- Hiện lĩnh vực này chỉ có 2 nhóm tham gia. Nhóm thứ nhất là người bán tự vận chuyển; hai là các đơn vị lớn. Với nhóm tự làm thì quy mô rất nhỏ, họ chỉ phục vụ trong phạm vi hẹp, đơn hàng ít, và nhóm này thực tế không có cạnh tranh mà người bán họ bỏ công làm lời.
Với các đơn vị lớn, dù ai cũng nhận thấy thị trường rất rộng nhưng để tham gia là không đơn giản. Vì cuộc chơi này khá là khốc liệt. Nó là cuộc chơi về mặt quy mô, DN buộc phải lớn nhanh mới có thể tồn tại. Chính vì vậy mà điều dễ thấy là trong mấy năm qua, thị trường chưa xuất hiện thêm DN mới. Và trong vài năm tới chắc chắn cũng chỉ từng đó nhà làm dịch vụ, nên sẽ không phủ hết nhu cầu. Các nhà cung cấp phải làm sao để đáp ứng nhu cầu thị trường chứ chưa thể gọi là cạnh tranh với nhau.
Chúng tôi có hai may mắn, là ra đời đúng thời điểm thị trường cần, chiến lược xuyên suốt là tập trung vào điều khách hàng muốn. Góc nhìn của chúng tôi cũng chỉ tập trung vào khách hàng, không tập trung vào đối thủ, làm sao để khách hàng hài lòng mới là tiêu chí của chúng tôi.
- Xin cảm ơn anh.
CEO Lương Duy Hoài sinh năm 1988, là một trong những gương mặt nổi bật trong danh sách “30 Under 30” - danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, do Forbes Việt Nam công bố vào cuối năm 2014. Trong danh sách này có những gương mặt đã được biết đến như Nguyễn Hà Đông, Huỳnh Trấn Thành, Lê Quang Liêm... Lương Duy Hoài được đánh giá cao nhờ thành tựu ban đầu trong lĩnh vực riêng, là thương mại điện tử.
Các gương mặt lọt vào danh sách “30 Under 30” của Forbes Việt Nam thuộc thế hệ sinh từ năm 1985 trở đi, là những ngôi sao đang lên trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh, khởi nghiệp, truyền thông đến văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thể thao…