Được biết đến nhiều hơn sau buổi livestream thu về hơn 10 triệu đô, Luo Yonghao trước đó đã là nhân vật quen mặt với các mạng xã hội Trung Quốc.
Khi còn là giáo viên tiếng Anh, Luo đã nổi tiếng trên mạng với cách dạy thú vị. Sau đó, vào năm 2011, đoạn video clip ghi lại cảnh ông đập nát tủ lạnh Siemens trước trụ sở công ty này được lan truyền trên mạng. Lý do cho việc này là vì Siemens đã từ chối bảo hành sản phẩm lỗi.
Câu chuyện này nổi tiếng đến mức cây búa trở thành biểu tượng của Smartisan - công ty smartphone Luo sáng lập vào 2012.
Tính cách của chủ nhân công ty này dường như in dấu trên từng cột mốc cho đến khi ông nhảy vào thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp.
CEO nổi tiếng với phát ngôn táo bạo
Suốt thời gian điều hành Smartisan, Luo nổi tiếng với việc chỉ trích cả Xiaomi và Apple khi cho rằng các hãng này đã đánh mất linh hồn của hãng. Đồng thời, ông cũng tuyên bố sẽ đánh bại Apple.
Vào năm 2018, Luo đạt kỷ lục Guiness khi Smartisan có buổi ra mắt sản phẩm có nhiều người tham dự nhất. Đó có thể cũng là buổi ra mắt sản phẩm công nghệ duy nhất mà người tham dự phải mua vé. Smartisan khi đó thu về hơn 750.000 USD tiền vé.
Buổi ra mắt R1 giá vé được được bán từ 14-142 USD. Ảnh: Smartisan |
Tại buổi ra mắt điện thoại R1 với bộ nhớ trong 1TB, Luo tuyên bố Apple sẽ sao chép họ. Thời điểm đó, Táo khuyết vẫn chưa có điện thoại 1TB. Cùng lúc đó, Smartisan ra mắt màn hình TNT Station, được cho là tương tự Microsoft's Surface Studio.
Tuy nhiên, dự án này cuối cùng lại là đoạn kết của Smartisan. Dự định bán thêm 3,3 triệu sản phẩm đã không thể đạt được khi thị trường smartphone Trung Quốc dần chững lại. Smartisan đã phải bán các sáng chế của mình cho ByteDance, công ty mẹ của TikTok và Douyin.
Từ một CEO nổi tiếng trong ngành, Luo cuối cùng nằm trong danh sách đen của Chính phủ Trung Quốc khi không thể chi trả các khoản nợ.
Live streamer kiếm hơn 10 triệu USD
Luo khi đó thừa nhận công ty có vấn đề về tài chính, và ông sẽ làm việc để trả nợ. Tuy gặp nhiều khó khăn, đến đầu tháng 4 năm nay, nền tảng bán hàng livestream dường như đã mở ra một cánh cửa mới.
Trước đó, trong một bài đăng trên Weibo cá nhân, ông cho biết sẽ tham gia bán hàng trên nền tảng livestream để kiếm tiền. "Mặc dù không thích hợp bán son, nhưng tôi nghĩ tôi có thể bán được các sản phẩm khác", Luo cho biết.
Vào buổi ra mắt đầu tiên, Luo đã thu về 15,5 triệu USD với 48 triệu người xem. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, ông đã bán từ điện thoại Xiaomi đến dao cạo Gillette và các vật dụng khác.
Khi đó, các đối thủ trong ngành công nghệ gồm Lu Weibing, Chủ tịch Xiaomi tại Trung Quốc và Tổng Giám đốc thương hiệu Redmi, và Wang Xiaochuan, người sáng lập và CEO của Sogou, cũng đã tham gia. Họ đã trao bao lì xì ảo trị giá hơn 700.000 tệ cho những người xem ngày hôm đó.
Luo thử vừa đi bộ trên máy vừa dùng máy tính ở lần livestream thứ 2. Ảnh: Abacus |
Tuy nhiên, sự thành công này có vẻ sẽ không kéo dài lâu. Vào lần thứ 2 livestream, Luo chỉ thu được 35 triệu tệ (gần 5 triệu USD) từ hơn 11 triệu người xem.
Luo dường như chỉ nổi tiếng vì là một CEO kiếm chục triệu USD vì bán hàng livestream. Tuy ấn tượng ở lần ra mắt đầu, thực tế con số Luo kiếm được vẫn thua xa 145 triệu USD mà live streamer Li Jiaqi kiếm được vào ngày Lễ độc thân (11/11) năm ngoái.
Thị trường livestream cần nhiều sự chuyên nghiệp hơn để thành công. Luo cũng thừa nhận, hiện tại ông kiếm tiền qua việc bán hàng livestream là để trả nợ, chứ đó không phải là mục tiêu của ông.