Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Be Group: ‘Việt Nam cần có những hệ sinh thái mở của riêng mình’

CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương cho rằng để chuyển đổi số thành công, cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, Việt Nam cần có hệ sinh thái mở của riêng mình.

Trước gần 1.000 đại biểu dự Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ hai tổ chức sáng 23/12, CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương ví các doanh nghiệp Việt Nam như những “mầm cây” trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Bà cho rằng khi những “mầm cây” biến thành “đại thụ”, “vườn ươm” có thể biến thành “rừng” sẽ góp phần tạo ra một Việt Nam hùng cường.

Để làm được điều đó, bản thân cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chung tay, hợp tác, cũng rất cần có sự hỗ trợ, chia sẻ của Chính phủ. CEO Nguyễn Hoàng Phương nhấn mạnh Việt Nam đang có nhiều cơ hội từ quá trình chuyển đổi số, xây dựng các doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh, giải quyết những bài toán cho người Việt, góp phần vào sự phát triển đất nước.

Việt Nam phải “mở” trong tâm thế làm chủ được thị trường nội địa

Mở đầu bài phát biểu dài khoảng 10 phút, CEO Be Group cho rằng một thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự biến động không ngừng với sự bùng nổ của smartphone và công nghệ số. Các ứng dụng hàng đầu như Google, Facebook, Amazon, WhatApp… có số lượng người dùng vượt mốc 2 tỷ, cao hơn hẳn dân số của quốc gia đông dân nhất trên thế giới.

Ngoài ra, các dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix, Hulu, HBO và cả YouTube đã làm thay đổi ngành truyền hình trong thập niên vừa qua. Những công ty tạo ra dịch vụ chia sẻ như Uber, Lyft và Airbnb đã "phá ngang" nhiều ngành truyền thống.

“Công nghệ và smartphone đã thay đổi cách vận hành của thế giới, thói quen của loài người và dần xóa nhòa biên giới về vật lý”, bà nói.

Dien dan Quoc gia ve Phat trien doanh nghiep cong nghe so Viet Nam lan thu hai anh 1

CEO Be Group nhấn mạnh Việt Nam đang có nhiều cơ hội từ quá trình chuyển đổi số, xây dựng các doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh.

Theo bà Phương, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, để khẳng định vị thế của mình trong thập kỷ tiếp theo, rõ ràng Việt Nam phải “mở” trong tâm thế làm chủ được thị trường nội địa. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tự đứng lên làm chủ những mảng kinh doanh quan trọng thì không thể làm chủ ngay trên trên sân nhà.

Trong bối cảnh đó, Be Group nhận thức được con đường của mình phải là đầu tàu trong hệ sinh thái mở của Việt Nam. Trong 2 năm qua, dù còn nhỏ bé, nhưng Be Group đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái mở để cùng các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Be ra mắt ứng dụng gọi xe từ tháng 12/2018 và hiện nắm giữ 30% thị phần, đứng thứ hai thị trường. Ứng dụng đã được tải về hơn 10 triệu thiết bị di động, tạo việc làm cho 100.000 tài xế trên toàn quốc. Đặc biệt, Be Group trở thành công ty gọi xe đầu tiên đạt điểm hoà vốn kinh doanh chỉ sau 2 năm hoạt động, và đang trên đà phát triển thành một đại diện tiêu biểu của xu hướng mobility trong bối cảnh mới.

Các mô hình kinh doanh nền tảng đang tạo ra nhiều lúng túng

CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy rất vui mừng khi Chính phủ đã có những chủ trương sáng suốt về mô hình kinh tế nền tảng. Đặc biệt, Thủ tướng đã truyền đi thông điệp về “Make in Việt Nam”: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam.

“Đây là thông điệp truyền cảm hứng rất nhiều cho đội ngũ Be, một ứng dụng hoàn toàn thuần Việt”, bà chia sẻ.

Dien dan Quoc gia ve Phat trien doanh nghiep cong nghe so Viet Nam lan thu hai anh 2

CEO Be Group chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Phương cũng nhấn mạnh bên cạnh các thành tựu, công ty có những khó khăn nhất định, đặc biệt là thách thức khi mô hình đang theo đuổi còn khá mới mẻ ở Việt Nam. “Rõ ràng, các mô hình kinh doanh nền tảng đang tạo ra nhiều lúng túng cho các bên liên quan, cũng như còn một số kẽ hở”, bà nói.

Bà Phương chỉ ra mô hình thử nghiệm sandbox trong lĩnh vực gọi xe công nghệ thời gian quá lâu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Ngoài ra, việc một số hãng xe ngoại thâu tóm đối thủ khác để độc quyền thị trường vi phạm luật cạnh tranh.

Bên cạnh đó, quy định về thuế chưa cụ thể trong thời gian đầu dẫn đến một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở làm thất thu ngân sách Nhà nước. Hành lang pháp lý chưa chặt chẽ và hoàn thiện để doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm dù doanh thu tăng cao.

Đặc biệt, bà Phương nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn an ninh dữ liệu người dùng, dữ liệu quốc gia cũng còn nhiều vấn đề khi các thông tin về người dùng, giao thông, cơ sở hạ tầng của Việt Nam được lưu trữ và báo cáo ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhanh chóng tạo ra những “đại thụ”

Từ đó, CEO Be Group cho rằng Việt Nam cần có những hệ sinh thái mở của riêng mình. Để làm được điều đó, bà đề xuất Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể làm chủ thị trường nội địa, bằng nội lực của mình từng bước hội nhập khu vực.

Trong bối cảnh các siêu ứng dụng, các nền tảng mở nước ngoài không ngừng gây ảnh hưởng lên người dùng trong nước, Chính phủ có biện pháp manh mẽ hơn nữa, để các doanh nghiệp trong nước tham gia quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ nội địa đạt chuẩn tham gia vào những dự án của Chính phủ.

Dien dan Quoc gia ve Phat trien doanh nghiep cong nghe so Viet Nam lan thu hai anh 3

Be Group nhận giải nhì tại giải thưởng công nghệ số Make in Viet Nam.

Bà Phương nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước đang gặp hạn chế lớn về vốn, đặc biệt khi đi kêu gọi đầu tư nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách nới rộng hơn, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp startup.

Đặc biệt, Be Group đề xuất Chính phủ có phương án cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp và luật hóa điều kiện, việc kiểm soát dữ liệu người dùng và thông tin giao thông, hạ tầng vì đó là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ.

CEO Be Group mong muốnsự liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng tạo ra những “đại thụ” đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài, không để mất thị trường nội địa, không để người Việt là người làm thuê, không để bị thâu tóm dữ liệu, về lâu dài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

“Tôi tin tưởng kinh tế nền tảng chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế thực. Và chỉ có những nền tảng ‘make in Việt Nam’ mới có thể kết hợp chặt chẽ với Chính phủ để đảm bảo sự công bằng, an toàn và quyền lợi cho các bên: Người dùng, nền tảng, lợi ích quốc gia”, bà Phương chia sẻ.

Cũng tại sự kiện, Be Group đã vượt qua hàng trăm ứng viên để giành giải nhì tại giải thưởng công nghệ số Make in Viet Nam - hạng mục “Nền tảng số xuất sắc”. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số do người Việt sáng tạo đóng góp giá trị cho sự phát triển công nghệ số quốc gia.

Tây Hồ - Việt Linh

Giang Di Linh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm