Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Be đề xuất ứng dụng công nghệ ‘gỡ khó’ giao thông Việt Nam

Tỷ lệ sở hữu phương tiện giao thông cá nhân của Việt Nam đang ở mức 88%, riêng Hà Nội và TP HCM là 94%, tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng đô thị, gây kẹt xe, lãng phí.

Tại Hội thảo Quốc gia về Phát triển Chính phủ điện tử vừa được tổ chức tại TP HCM hôm 17/9, nhiều lãnh đạo, chuyên gia và doanh nghiệp đã ngồi lại tìm giải pháp cho lĩnh vực logistics của đô thị Việt Nam. Be Group – đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe be - đưa ra sáng kiến xây dựng mô hình vận chuyển đô thị thông minh của Việt Nam.

Bài toán khó của giao thông Việt Nam

Hạ tầng giao thông Việt Nam đang đối phó với lưu lượng hàng hóa quá tải. Trong đó, khoảng 75% hàng hóa nội địa vận chuyển bằng đường bộ. Bên cạnh đó, số liệu điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ dân số thành thị ở Việt Nam liên tục tăng và vượt 34% năm 2019.

Với mật độ dân số và tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân cao, hạ tầng giao thông đường bộ cần có tỷ lệ tương ứng. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đô thị Việt Nam có số lượng đường mới và hạ tầng phát triển liên quan ở mức 0,39%/năm; với 8,65% quỹ đất được giao cho việc giao thông, so với 20-25% của các nước trong khu vực.

Ung dung goi xe Be anh 1

Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc CTCP beGroup cho rằng đầu tư vào công nghệ đắt đỏ nhưng mang đến giải pháp lâu dài. Ảnh: Thuận Thắng.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO công ty cổ phần Be Group nhận định hai nguyên nhân gây ùn tắc là tỷ lệ sở hữu phương tiện giao thông cá nhân cao, trong khi phương tiện công cộng hạn chế và cơ sở dữ liệu dịch chuyển của người dân chưa được cập nhật và sử dụng hiệu quả trong thời gian thực. Đây không chỉ là vấn đề nan giải của riêng Việt Nam, mà còn tồn tại ở đô thị các nước đang phát triển trên thế giới.

Giải quyết bài toán giao thông bằng công nghệ

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định việc nâng cấp hệ thống hạ tầng, đường sá và tiến đến số hóa giao thông là điều tất yếu trong sự phát triển chung của mục tiêu Chính phủ điện tử. Ông Steve Furst, Giám đốc Tư vấn chiến lược tập đoàn FPT, nhận định chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của ngành vận tải ở Việt Nam nói riêng và thúc đẩy lợi ích cho toàn xã hội nói chung.

Bà Nguyễn Hoàng Phương đề xuất giải pháp nhằm xây dựng mô hình vận chuyển đô thị thông minh của Việt Nam. Bà Phương cho biết Be Group tạo ra một thiết bị mang tên DriverBuddy - bạn đường của tài xế.

Đây là thiết bị thông minh nhằm ghi nhận nhiều dữ liệu theo thời gian thực, và cung cấp các thông tin hữu ích về giao thông cho tài xế. Đặc biệt, thiết bị này tương tự Google Map với chức năng dẫn đường và tìm kiếm địa điểm, được xây dựng bởi người Việt và dành cho đô thị, người dùng Việt. Đại diện Be Group chia sẻ, thiết bị được thiết kế và phát triển để phù hợp với với địa hình và cấu trúc quy hoạch của Việt Nam, từ đó, tối ưu hóa lợi ích cho người dùng.

Dựa trên DriverBuddy, các cơ quan nhà nước cũng có thể thiết lập các trạm thu phí ảo dành cho giờ cao điểm, tại những khu vực địa lý tùy chỉnh.

Ung dung goi xe Be anh 2

Mô hình thu phí tự động dựa trên thiết bị DriverBuddy do ứng dụng be đề xuất.

Bên cạnh đó, hãng gọi xe công nghệ thuần Việt này cũng tập trung cho dự án tích hợp di chuyển thông minh trên ứng dụng beMobility.

Theo đó beMobility sẽ tích hợp tất cả nhu cầu di chuyển của người dùng với các phương tiện công cộng khác nhau vào trong cùng một bước đặt dịch vụ trên cùng một ứng dụng, giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu trải nghiệm người dùng.

Ví dụ, người dùng muốn đi từ Thủ Đức (TP HCM) ra đến Hoàn Kiếm (Hà Nội) có thể tìm thấy trên ứng dụng gọi xe be một lộ trình bao gồm mọi loại phương tiện công cộng (từ xe máy, taxi, xe buýt, metro và cả máy bay…) để thực hiện hành trình. Tất cả việc tìm kiếm, mua vé, thanh toán cho toàn bộ lộ trình này, với nhiều phương tiện khác nhau được thực hiện trong cùng một lần thao tác, trên cùng một ứng dụng. Người dùng sẽ được đón tận nhà, trả tận nơi bằng tất cả phương tiện công cộng có sẵn mà không phải sử dụng xe cá nhân hoặc đi bộ một đoạn đường dài.

Doanh nghiệp này cho rằng, nếu giải quyết được bài toán về sự tiện lợi, người dân sẽ tích cực sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn, từ đó, giảm tỷ lệ sở hữu xe cá nhân và áp lực lên hạ tầng giao thông công cộng.

Điểm hữu ích của ý tưởng này đó là hệ thống có thể tập hợp dữ liệu lớn Big Data, sử dụng công nghệ như AI để phân tích, dự đoán các điểm ùn tắc, lên các phương án điều hướng giao thông nhằm giảm tải lưu lượng lớn xe cộ di chuyển trong cùng thời điểm, đồng thời phân tích tính hiệu quả của các tuyến đường dành cho các phương tiện công cộng, từ đó, tăng hiệu quả kinh tế cho các tuyến đường này. Hiểu được hành vi và nhu cầu của người dân cũng giúp các cơ quan quản lý quy hoạch và phát triển hạ tầng cơ sở một cách dễ dàng và chính xác hơn, tránh lãng phí nguồn lực.

Theo Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, mỗi giờ kẹt xe Việt Nam thiệt hại lên tới 2,64 tỷ đồng, mỗi năm chúng ta lãng phí hơn 1,2 triệu giờ công lao động. Bà Nguyễn Hoàng Phương nhận định: “Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đầu tư vào công nghệ không rẻ. Tuy vậy, cần phải nhìn nhận đây là khoản đầu tư cho tương lai và sinh lời trong dài hạn. Điều này đòi hỏi sự hợp lực giữa chính quyền đoàn thể, doanh nghiệp và cả người dùng”.

Bùi Ngọc - Giang Phan Ninh

Bạn có thể quan tâm