Aone Deutschland AG thuộc Tập đoàn Tilia (Đức), hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, công nghệ xử lý nước thải, chất thải, năng lượng và quản lý tài nguyên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần 2 năm, CEO Tập đoàn Aone Deutschland AGmới trở lại Việt Nam. Nhân dịp này, ông chia sẻ kinh nghiệm phát triển các dự án môi trường.
Việt Nam đang phát triển rất nhanh
- Tại sao ông chọn Việt Nam để đầu tư?
- Châu Á là thị trường rất lớn mà Việt Nam nằm trong đó. Đất nước các bạn đang phát triển nhanh. Do đó, tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cấp thoát nước và môi trường, còn lớn.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cấp thoát nước và môi trường.
Ông Alex Redeker, CEO Tập đoàn Aone Deutschland AG
Một lý do đặc biệt khác là trụ sở của Tập đoàn Aone Deutschland AG nằm ở Leipzig, thành phố phía đông nước Đức. Từ lâu, nhiều người Việt Nam đến sinh sống và làm việc tại đây. Bởi vậy, mối quan hệ giữa Leipzig nói riêng và nước Đức nói chung với Việt Nam rất tốt.
Chúng tôi nhận thấy có sự kết nối về văn hóa và thương mại. Đợt dịch Covid-19 năm 2020 tại Đức, Việt Nam trao tặng hàng trăm nghìn khẩu trang y tế. Khi Việt Nam trải qua đợt bùng phát dịch năm 2021, Đức cũng hỗ trợ hàng tấn trang thiết bị y tế, hàng triệu liều vaccine…
- Cơ hội nhiều nhưng khi đầu tư vào Việt Nam hẳn sẽ có những khó khăn nhất định. Aone gặp những thử thách gì?
- Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất là sự ổn định của chính sách, khi vẫn có một số quy định, chính sách thay đổi, sửa đổi, bổ sung… Với nhà đầu tư lần đầu vào Việt Nam, điều này khá khó khăn.
Ngay cả với Aone, một vài dự án gặp khó khăn. Gần đây, Chính phủ rất coi trọng cải cách để khắc phục vấn đề trên. Nhìn chung, Aone luôn đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam và thường xuyên chia sẻ điều này với các doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm đến thị trường này.
Ông Alex Redeker nhìn thấy sự kết nối về văn hóa và thương mại giữa Việt Nam với Đức. |
Môi trường ngày càng được quan tâm
- Theo ông, Việt Nam đã quan tâm, đầu tư đủ cho lĩnh vực môi trường nói chung và cấp nước, xử lý nước thải nói riêng chưa?
- Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề cấp nước. Các thành phố có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, trong khi nguồn nước theo truyền thống dựa chủ yếu vào hệ thống ngầm nên không còn phù hợp.
Chính phủ Việt Nam rất đúng đắn khi tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực cấp nước, đầu tư nhà máy cấp nước mặt quy mô lớn.
Ông Alex Redeker, CEO Tập đoàn Aone Deutsland AG
Chính phủ Việt Nam rất đúng đắn khi tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực cấp nước, đầu tư các nhà máy cấp nước mặt quy mô lớn.
Về kỹ thuật, nước mặt (nguồn nước tồn tại trên bề mặt) có thể cung cấp cho nhiều người cùng lúc thông qua các trạm và nguồn nước dồi dào. Hầu hết thành phố của Việt Nam gần sông - nguồn cung cấp nước mặt dồi dào. Đó cũng là cách nhiều thành phố ở châu Âu đang áp dụng.
Khi nhìn tổng mức đầu tư của những dự án cung cấp nước mặt quy mô lớn, chi phí ban đầu rất cao. Thế nhưng nếu chỉ xây dựng trung tâm cấp nước nhỏ, phân tán thì tổng chi phí đội lên nhiều, thậm chí lớn hơn tổng mức đầu tư. Ngoài ra nếu khai thác quá mức nước ngầm, môi trường sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn. Do đó, việc phát triển dự án nước mặt quy mô lớn có thể giải quyết bài toán kinh phí vận hành lâu dài lẫn vấn đề môi trường.
Tuy nhiên, mạng lưới cấp nước ở Việt Nam đã cũ, cần đầu tư để giữ nguyên chất lượng nước từ nhà máy đến người dùng thời gian tới. Việc đầu tư vào mạng lưới mới có thể là công hoặc tư, cân nhắc theo tính hiệu quả.
Một thách thức nữa là nước thải. Nước uống có thể thành nước thải sau khoảng 10 phút, thậm chí nhanh hơn. Nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tạo thành vấn đề lớn và khó giải quyết.
Ở Đức, người sử dụng nước sạch phải trả luôn tiền xử lý trên hóa đơn. Ví dụ, bạn trả 2 euro để mua 1 m3 nước sạch và 2,5 euro phí xử lý nước thải. Tổng cộng, bạn cần chi 4,5 euro khi mua 1 m3 nước sạch.
Việt Nam có thể áp dụng cách này để cải thiện chất lượng nước, tạo ý thức tốt hơn cùng tư duy trả tiền để bảo vệ bản thân và nguồn nước.
CEO Tập đoàn Aone Deutschland nhận định về vấn đề nước thải và rác thải tại Việt Nam. |
Còn về rác thải, chúng tôi nhìn nhận đây là nguồn tài nguyên, không thể chôn lấp. Ở Đức, chúng tôi có mô hình kim tự tháp ngược, phần trên cùng sẽ tái sử dụng, phần tiếp theo tái chế, phần nhỏ nhất không thể xử lý được mới chôn lấp. Như vậy, gần 100% lượng rác thải quay trở lại phục vụ cộng đồng.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách để xử lý triệt để rác thải, đồng thời thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
- Nhiều người Việt mong muốn có những dự án môi trường hiện đại như vậy. Tuy nhiên, không nhiều người có thể chi trả mức phí cao. Theo ông, vấn đề này cần giải quyết như thế nào?
- Chính phủ có thể quyết định phương án dùng ngân sách để đầu tư hiệu quả. Chúng ta nên quan tâm mức đầu tư ban đầu và chi phí vận hành sau này. Nếu dự án có chi phí ban đầu cao hơn 10%, nhưng phí vận hành thấp hơn 20% sẽ giúp giảm gánh nặng về sau.
Còn phí xử lý nước và rác thải, Chính phủ có thể hỗ trợ người dân ở mức nhất định, sau đó giảm dần để họ dễ chấp nhận, điều chỉnh thói quen. Về chi phí nước sạch ở Việt Nam, giá mua 1 m3 chỉ khoảng 9.000-10.000 đồng, rất thấp trong tương quan tổng chi phí hàng tháng của mỗi gia đình. Mức giá đó không khuyến khích được nhà đầu tư mặn mà phát triển hạ tầng nước sạch.
Việt Nam đang phát triển và đã xác định mục tiêu trở thành đất nước phát triển vào năm 2045. Để hiện thực hóa điều đó, hệ thống hạ tầng dân sinh thiết yếu đóng vai trò quan trọng. Muốn vậy, chúng ta cần xây dựng hệ thống giá nước tiệm cận các quốc gia phát triển trong khu vực (khoảng 1 USD/m3) nhằm thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng xử lý, cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn hiện đại, thậm chí uống được tại vòi.
Hiệu quả từ công nghệ Đức
- Gần đây, ông có nhiều buổi làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, đồng thời bày tỏ quan tâm đến nhiều lĩnh vực đầu tư. Các dự án của Aone Deutschland AG được đánh giá và quan tâm thế nào?
- Aone là thành viên của Tập đoàn Tilia đến từ Đức, có những đối tác chiến lược như Tập đoàn Strabag (Áo) chuyên về hạ tầng với doanh số 60 tỷ euro/năm. Có mặt tại Việt Nam từ 2015, chúng tôi thực hiện nhiều dự án điển hình đưa công nghệ hiện đại, phương thức quản lý vận hành tối ưu như Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Tôi tự hào khi mang được kiến thức, công nghệ, cách làm, cách quản trị, giá trị Đức sang Việt Nam, được đón nhận và mang lại hiệu quả cho người Việt Nam.
Ông Alex Redeker, CEO Tập đoàn Aone Deutschland
Trong các buổi làm việc, đa số lãnh đạo bất ngờ và ấn tượng khi chúng tôi triển khai thành công nhiều dự án lớn, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Không ít lãnh đạo mong muốn các công trình đó trở thành quy chuẩn về kỹ thuật, quản lý, vận hành, tính hiệu quả… giúp các lĩnh vực này phát triển.
Như trong cuộc gặp tại Áo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9/2021, tôi đã trao đổi về việc phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng nước, nước thải và chất thải hiện đại cũng như giải pháp năng lượng tái tạo dựa trên giải pháp công nghệ cao. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để phát triển Việt Nam theo hướng bền vững hơn trong tương lai.
Chúng tôi đang làm dự án xử lý nước thải nuôi tôm hợp tác với Đại học Cần Thơ. Việc hợp tác nghiên cứu để ứng dụng vào cuộc sống và thương mại hóa như thế rất phổ biến ở Đức. Chúng tôi mong muốn ngày càng nhiều dự án thành công ở Việt Nam, giúp ích cho sự phát triển của đất nước.
Ứng dụng giải pháp công nghệ cao được xem là giải pháp cải thiện hạ tầng nước. |
- Cảm xúc của ông thế nào khi các dự án Aone góp phần vào quan hệ Việt Nam với EU nói chung và với Đức nói riêng ngày càng tốt đẹp?
- Việt Nam và Đức đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tôi cho rằng mối quan hệ đó còn bền chặt hơn nữa, khi ngày càng nhiều người Việt đến Đức làm ăn và sinh sống.
Khi thành phố Leipzig đề xuất hợp tác toàn diện với TP.HCM, hội đồng bang Sachsen đồng thuận 100%. Điều này cho thấy mọi người rất yêu mến Việt Nam.
Ông Alex Redeker tự hào khi mang giá trị Đức đến Việt Nam. |
Đất nước chúng tôi có một tổ chức ngôi nhà chung Việt - Đức, tập hợp nhiều công ty, doanh nghiệp gắn kết giữa 2 quốc gia. Tôi là thành viên của ngôi nhà chung này. Tôi tự hào khi mang kiến thức, công nghệ, cách làm, giá trị Đức sang Việt Nam và được đón nhận, mang lại hiệu quả cho người Việt Nam.
Bình luận