CEO Amazon vớt động cơ Apollo 11 dưới đáy biển
Jeff Bezos, giám đốc điều hành trang bán hàng trực tuyến Amazon vừa tài trợ cho kế hoạch trục vớt các động cơ tên lửa đẩy của phi thuyền Apollo 11 dưới lòng Đại Tây Dương.
Sở dĩ, các động cơ tên lửa đẩy của Apollo 11 được chú ý nhất thế giới bởi nó là phi thuyền đầu tiên đưa con người đặt chân tới mặt trăng. Sứ mệnh của Apollo 11 gắn liền với thành tựu “để đời” của Mỹ cũng như sự nổi tiếng của phi hành gia Neil Armstrong với câu nói: “Một bước đi nhỏ của con người nhưng là một bước nhảy vọt của toàn nhân loại”.
CEO Amazon lên kế hoạch trục vớt động cơ Apollo 11 dưới đáy biển. |
Trong năm ngoái, nhóm nghiên cứu mang tên Bozos đã sử dụng máy dò sonar để xác định vị trí các tên lửa đẩy, nằm sâu hơn 4,5 km dưới lòng biển Đại Tây Dương, tại khu vực cách mũi Canaveral, Florida 570 km. Vào thời điểm các tên lửa đẩy được phát hiện, ông trùm trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến khẳng định những giá trị to lớn mà hiện vật này sở hữu.
Không dừng lại ở việc phát hiện tên lửa đẩy, nhóm Bozos cũng đã hoàn thành 3 tuần làm việc căng thẳng trên biển để đưa các động cơ này lên khỏi mặt nước. Những gì còn sót lại của sứ mệnh chinh phục mặt trăng sẽ được đưa trở lại mũi Canaveral, nơi con tàu Apollo 11 huyền thoại cùng với 3 phi hành gia lão luyện cất cánh vào không gian.
Cho biết trong một thông báo được đăng tải trực tuyến, CEO Amazon Jeff Bezos nói: “Chúng tôi đã nhìn thấy một kỳ quan dưới nước, một khu vườn điêu khắc đáng kinh ngạc của động cơ đẩy F-1, với những đường xoắn ốc kỳ diệu ẩn chứa sức mạnh của lửa và lực đẩy khổng lồ”.
Tuy tìm thấy được kỳ quan công nghệ những năm 60, nhưng chính Jeff Bezos cũng thừa nhận, thời gian dài nằm sâu dưới đáy biển khiến các động cơ này bị ăn mòn nghiêm trọng, khiến việc phục hồi nó gặp nhiều trở ngại, dù dự án này đang được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hỗ trợ.
Là một phần của tên lửa đẩy Saturn V siêu mạnh, các động cơ F-1 được sử dụng khá phổ biến trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Mỗi tên lửa có một cụm động cơ, tạo ra lực đẩy khổng lồ đưa phi thuyền vào quỹ đạo. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, mỗi động cơ trọng lượng hơn 8 tấn sẽ rơi tự do xuống biển và yên nghỉ dưới đáy đại dương bởi NASA không có kế hoạch thu hồi chúng.
Hồng Duy
Theo Infonet