Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm mặt những con tàu đưa người ra ngoài không gian (phần cuối)

Càng về sau, đội tàu vũ trụ phục vụ tham vọng chinh phục không gian của con người càng hiện đại và đa dạng. Chúng chở được nhiều hơn các phi hành gia cùng lượng lớn hàng hóa lên các trạm vũ trụ.

Điểm mặt những con tàu đưa người ra ngoài không gian (phần cuối)

Càng về sau, đội tàu vũ trụ phục vụ tham vọng chinh phục không gian của con người càng hiện đại và đa dạng. Chúng chở được nhiều hơn các phi hành gia cùng lượng lớn hàng hóa lên các trạm vũ trụ.

Tàu vũ trụ Liên hợp (Soyuz) của Nga

Soyuz là loại tàu chuyên dụng của Nga chịu trách nhiệm đưa các phi hành gia lên các trạm không gian. Trải qua nhiều lần cải tiến, Soyuz trở thành loại tàu đáng tin cậy nhất thế giới, với hàng trăm chuyến đi và về. Soyuz đảm trách hầu hết các nhiệm vụ đưa phi hành gia lên Trạm vũ trụ Chào Mừng (Salyut), Trạm vũ trụ Hòa bình (Mir) của Nga và hiện nay là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tàu vũ trụ Soyuz 1 được phóng lên quỹ đạo ngày 25/4/1967. Đây là loại tàu có khả năng ráp nối giữa các modun ở bên ngoài khoảng không vũ trụ, có khóa không khí cho phép các phi hành gia di chuyển giữa các phần ráp nối. Tất cả các tàu Soyuz đều được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur và hạ cánh trên vùng thảo nguyên bằng phẳng của Kazakhstan.

Trong suốt lịch sử phát triển, chỉ có 2 phi hành gia thiệt mạng trong 5 năm đầu tiên triển khai dự án Soyuz. Không còn được trang bị hệ thống ghế phóng thoát hiểm nhưng thay vào đó, Soyuz được trang bị hệ thống tên lửa đặc biệt, có khả năng tách rời con tàu khỏi tên lửa đẩy ngay sau khi phát hiện sự cố. Sau đó, hệ thống dù hạ cánh sẽ bung ra, đảm bảo cho con tàu tiếp đất êm ái. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là loại tàu vũ trụ đáng tin cậy và an toàn nhất mà con người từng chế tạo.

Ngoài ra, giá thành để phóng tàu Soyuz không quá cao nên nó vẫn sẽ là loại tàu vũ trụ chính được sử dụng trong nửa đầu thế kỉ này. Hiện Soyuz là loại tàu duy nhất đưa các phi hành gia đến và về từ trạm vũ trụ quốc tế ISS, tiền tiêu của con người bên ngoài không gian kể từ sau khi phi đội tàu con thoi của Mỹ nghỉ hưu.

Tàu vũ trụ Apollo của Mỹ

Chương trình Apollo được Mỹ nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn 1961 – 1975. Các tàu Apollo được chế tạo với mục đích đưa con người lên Mặt trăng và mang họ trở về Trái đất an toàn. Chuyến đi lịch sử của Apollo được ghi dấu trong tháng 7/1969, sau khi con tàu số hiệu 11 đưa nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong đặt chân xuống Mặt trăng.

Có mặt cùng Neil Armstrong trong chuyến bay lịch sử của Apollo 11 là 2 phi hành gia Buzz Aldrin và Michael Collins. Sau nhiều phương án được cân nhắc, NASA lựa chọn Apollo 11 sẽ bao gồm 2 phần riêng biệt; trong đó là tàu mẹ mang tên Columbia và tàu con là Lunar Module. Theo đó, phần Lunar Module sẽ đưa 2 phi hành gia đáp xuống Mặt trăng trong khi người còn lại sẽ ở trên tàu Columbia bay quanh quỹ đạo "vệ tinh duy nhất của Trái đất".

Sau khi đáp xuống Mặt trăng, Lunar Module cho phép các phi hành gia bước ra ngoài thám hiểm sau đó đưa họ trở lại khoảng không vũ trụ. Tuy nhiên, chỉ 1 phần của Lunar Module bay trở lại và ráp nối với Columbia bên ngoài quỹ đạo Mặt trăng thay vì toàn bộ tàu con để giảm thiểu lực đẩy cần thiết. Giống như các tàu vũ trụ thời kì đó, Apollo trở về Trái đất nhờ hệ thống dù và phao.

Thành công của Apollo 11 cho phép Mỹ triển khai hàng loạt chuyến viếng thăm Mặt trăng với tổng cộng 12 nhà du hành đặt chân lên "vệ tinh duy nhất của Trái đất". Tổng thời gian mà các phi hành gia Mỹ ở trên Mặt trăng là 12,5 ngày, đi bộ 92,3km và mang về 2.196 mẫu đất đá với tổng trọng lượng 381,7kg. Toàn bộ chi phí cho dự án Apollo ngốn hết 25 tỷ USD của chính quyền Washington.

Tàu vũ trụ con thoi của Mỹ

Ngay sau dự án Apollo, NASA chính thức bắt tay vào nghiên cứu loại tàu vũ trụ con thoi với những cải tiến và thiết kế ưu việt. Được gọi là Space Transportation System (hệ thống Vận tải Không gian), tàu con thoi có khả năng mang 5 – 8 phi hành gia và 22,7 tấn hàng hóa. Đây là loại tàu vũ trụ duy nhất có khả năng trở về Trái đất dưới sự điều khiển của các phi hành gia và hạ cánh giống một máy bay phản lực.

Được bắt đầu nghiên cứu vào những năm cuối thập niên 1960, tàu con thoi là trọng tâm và niềm tự hào của NASA cho đến khi bị "giải tán" vào năm 2011. Số lượng phi hành gia và hàng hóa mà nó có thể mang lên không gian vượt xa so với những tàu vũ trụ hiện thời. Ngoài ra, tàu con thoi có khả năng tái sử dụng nhiều lần và có nhiều tính năng ưu việt so với các loại tàu đang được Liên Xô (sau này là Nga) sử dụng.

Có tổng cộng 6 tàu con thoi được Mỹ nghiên cứu và sản xuất; trong đó có 5 tàu có khả năng bay lên không gian và 1 tàu thử nghiệm. Tàu con thoi đầu tiên được sản xuất là Constitution (sau này được đổi tên thành Enterprise) chính thức được triển khai vào tháng 9/1976. Tàu con thoi Enterprise được sử dụng để thực hiện các thí nghiệm cho chương trình tàu con thoi của Mỹ chứ không có chức năng bay ra ngoài không gian.

5 tàu con thoi khác là Discovery, Atlantis, Challenger , Endeavour và Columbia. Cho tới khi bị ngừng hoạt động, chỉ còn 3 tàu con thoi của Mỹ có thể bay lên không gian là Discovery, Atlantis và Endeavour. Trong nhiệm vụ ngày 28/1/1986, tàu Challenger gặp sự cố và phát nổ không lâu sau khi rời bệ phóng, cướp đi sinh mạng của 7 phi hành gia. 17 năm sau sự cố Challenger , ngày 1/2/2003, tàu con thoi Columbia gặp nạn trong quá trình trở lại trái đất, làm thêm 7 phi hành gia khác thiệt mạng.

Cuối năm 2011, chính phủ Mỹ quyết định chấm dứt sứ mệnh hoạt động của đội tàu con thoi vì chi phí vận hành đắt đỏ. 4 tàu con thoi còn lại được tháo rời các phần quan trọng sau đó mang tới trưng bày tại các bảo tàng trên khắp nước Mỹ. NASA chưa đưa ra bất kể loại tàu vũ trụ mới nào thực hiện nhiệm vụ mà phi đội tàu con thoi đang đảm trách. Việc đưa các phi hành gia và hàng hóa lên không gian dựa hoàn toàn vào đội tàu vũ trụ của Nga.

Tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc

Chương trình Thần Châu của Trung Quốc được khởi xướng năm 1992 với tham vọng đưa người vào không gian. Chính thức đi vào hoạt động năm 1993 và dự kiến kéo dài tới năm 2020, các tàu Thần Châu của Trung Quốc có nhiệm vụ thử nghiệm các phiên bản tàu vũ trụ không người lái, phóng các tàu có người lái và xây dựng một trạm vũ trụ mang thương hiệu Trung Quốc bên ngoài không gian.

Năm 2003, người Trung Quốc đầu tiên được Thần Châu đưa vào không gian và liên tiếp những chuyến bay có người lái của Bắc Kinh được thực hiện các năm sau đó. Trong tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đạt được bước tiến lớn trong công cuộc chinh phục không gian khi đưa người phụ nữ đầu tiên vào vũ trụ cùng với việc ráp nối bằng tay thành công giữa Thần Châu 9 với modun Thiên Cung 1 bên ngoài không gian.

Các tàu Thần Châu của Trung Quốc được chế tạo dựa vào công nghệ tàu vũ trụ Soyuz do Nga chuyển giao. Thế nên, sự khác biệt giữa các tàu Soyuz và Thần Châu chỉ là kích cỡ và tên lửa đẩy. Các khả năng khác bao gồm cơ chế hạ cánh, ráp nối… của 2 loại tàu vũ trụ này đều rất giống nhau. Các tàu vũ trụ Thần Châu bay lên quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy Trường Chinh 2F và được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền.

Với sự hoạt động tích cực của các tàu Thần Châu, Trung Quốc đang tham vọng xây dựng trạm vũ trụ cho riêng mình vào năm 2020. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia đảm bảo sự hiện diện của con người bên ngoài khoảng không vũ trụ bởi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ nghỉ hưu vào thời điểm đó theo dự kiến.

Hết!

Trịnh Duy

Theo infonet.vn

Trịnh Duy

Theo infonet.vn

Bạn có thể quan tâm