Tối 11/9, trên sân Hàng Đẫy, một số cổ động viên Nam Định đã để lại hình ảnh không đẹp trong trận đấu của đội nhà trước CLB Hà Nội. Một trong số những quả pháo sáng được đốt đã bay thẳng từ khán đài B sang khán đài A và gây thương tích cho một nữ cổ động viên.
Căn cứ vào các Quy định Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi bổ sung năm 2018), các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gây rối, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và điều hành giải đấu có thể bị xử phạt theo các hình thức từ phạt tiền, cấm khán giả vào sân, thi đấu trên sân trung lập đến xử thua tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
CĐV Nam Định nhiều lần đốt pháo sáng ở V.League 2019. Ảnh: Kiệt Trần. |
Riêng hành vi đốt pháo sáng, Điều 68 - Vi phạm công tác tổ chức nêu rõ: “BTC trận đấu để xảy ra sự việc đốt lửa, đốt pháo nổ các loại, thuốc pháo nổ hoặc để xảy ra các sự việc khác trong sân vận động gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người khác, thì sẽ bị phạt tiền 20 triệu đồng”.
“Trường hợp vi phạm nhiều lần trong trận đấu, vi phạm liên tục, kế tiếp trong nhiều trận đấu sẽ nâng mức phạt lên từ 30-70 triệu đồng. Nếu lỗi do cổ động viên của đội khách gây ra thì đội khách sẽ bị xử lý kỷ luật như trên”.
Ở đây, nhóm CĐV Nam Định đã nhiều lần đốt và ném pháo sáng xuống khu vực thi đấu trên sân Hàng Đẫy. Một quả pháo sáng bay từ khán đài B sang khán đài A khiến một nữ khán giả bị bỏng nặng, vết thương sâu vào tận xương đùi.
Nữ khán giả đã phải nhập viện phẫu thuật ngay trong đêm 11/9. Hành vi của nhóm CĐV Nam Định nêu trên hoàn toàn có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Nạn nhân của quả pháo sáng được đưa vào viện. Ảnh: Kiệt Trần. |
Đây không phải lần duy nhất các CĐV Nam Định có hành vi gây rối ảnh hưởng đến công tác tổ chức và điều hành giải đấu. Lần gần đây nhất, Ban tổ chức SVĐ Thiên Trường bị phạt 35 triệu đồng do để khán giả chạy xuống sân gây rối vào ngày 28/7.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết theo Điều 318 Bộ luật Hình sự, cá nhân bắn pháo sáng hoàn toàn có thể bị truy tố hình sự vì pháo sáng bị cấm sử dụng, hành vi bắn pháo sáng gây rối an toàn, trật tự công cộng và gây nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng người khác.
Hành vi của CĐV bắn pháo sáng từ khán đài B sang khán đài A làm một cô gái bị bỏng. Một cảnh sát khi vào dập tắt pháo cũng bị thương. Việc làm này của người bắn pháo đã có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù chung thân.
"Tỷ lệ thương tích của người bị hại là căn cứ xử lý người gây ra hậu quả, tương ứng với định khung hình phạt", ông Thơm nhấn mạnh.