“Dù chúng ta phát hiện thêm điều gì về Omicron đi nữa, việc đạt được và duy trì độ phủ tiêm chủng cao bằng các loại vaccine ngừa Covid-19 an toàn, hiệu quả vẫn sẽ là chiến lược then chốt đối với quá trình tái mở cửa linh hoạt, an toàn của Việt Nam”, tiến sĩ Matthew Moore, Giám đốc chương trình An ninh Sức khỏe Toàn cầu thuộc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), ngày 10/12 nói với Zing.
Tiến sĩ Moore đưa ra nhận định trên trước câu hỏi của Zing về việc tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao có thể giúp gì cho Việt Nam trong bối cảnh xuất hiện Omicron - biến chủng lần đầu được ghi nhận ở Nam Phi từ cuối tháng 11 và đã lan ra hơn 50 nước, vùng lãnh thổ.
Tiến sĩ Matthew Moore. Ảnh: Việt Linh. |
Thế giới vẫn đang chờ đợi thông tin về biến chủng Omicron, nhưng một số nghiên cứu ban đầu ở Nam Phi cho thấy Omicron có thể dễ lây lan hơn chủng Delta nhưng không nghiêm trọng bằng.
Tính tới chiều 10/12, độ phủ một mũi vaccine ngừa Covid-19 ở Việt Nam là 96,4% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 76,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Vaccine vẫn bảo vệ người nhiễm Omicron
Tiến sĩ Moore cho hay hiện chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron nhưng cứ mỗi ngày trôi qua sẽ có thêm thông tin mới.
“Omicron nhiều khả năng sẽ dễ lây lan hơn chủng SARS-CoV-2 ban đầu nhưng mức độ lây nhiễm của nó so với Delta còn chưa được làm rõ”, ông Moore nói. “CDC Mỹ cho rằng người nhiễm Omicron có thể lây cho người khác, kể cả khi họ đã tiêm chủng hoặc không có triệu chứng”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia CDC Mỹ lưu ý rằng các loại vaccine hiện tại được cho là sẽ bảo vệ người bệnh không trở nặng, nhập viện và tử vong do nhiễm chủng Omicron. Dù vậy, các ca nhiễm trùng đột phá ở người đã tiêm chủng đầy đủ nhiều khả năng vẫn sẽ xảy ra.
Trong một tháng qua, Việt Nam tiêm trung bình khoảng một triệu mũi/ngày, có lúc vượt mức 2 triệu mũi/ngày. Đồ họa: Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. |
“Với các biến chủng khác, như Delta, vaccine vẫn tỏ ra hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong”, ông Moore khẳng định.
Trước yêu cầu bình luận của Zing, vị chuyên gia CDC Mỹ cũng nhận định Việt Nam đã làm tốt việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
“Theo dữ liệu chính thức mới nhất, Việt Nam trong tháng qua tiêm trung bình khoảng một triệu mũi vaccine/ngày, đồng thời đã tiêm hơn 131 triệu mũi vaccine từ đầu chiến dịch tới nay”, tiến sĩ Moore nói. “Việt Nam đang đi nhanh hơn những nước khác có cùng mức thu nhập”.
Trước đó, khi giải trình trước Quốc hội hồi tháng 11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam là một trong 20 nước có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đồng thời là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới, tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Cần chuẩn bị về mặt dài hạn
Ngoài chương trình tiêm chủng, tiến sĩ Moore cũng nhận xét ngay từ đầu đại dịch, Việt Nam đã phản ứng với tốc độ rất nhanh chóng.
Một số tủ lạnh âm sâu bảo quản vaccine mà Mỹ tặng cho Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Điều này là do cách tiếp cận có sự tham gia của toàn bộ chính quyền, khả năng huy động nhân lực từ nhiều ngành trong chính quyền và từ nhiều địa phương trong cả nước, cũng như công tác truyền thông và phối hợp mạnh mẽ, theo vị chuyên gia.
“Mỹ rất tự hào khi đóng góp hơn 20 triệu liều vaccine và 111 tủ âm sâu để bảo quản những liều vaccine này, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật sâu rộng để giúp đỡ Việt Nam trong nỗ lực tiêm chủng toàn quốc”, ông nói.
Tiến sĩ Moore lưu ý rằng tốc độ chiến dịch tiêm chủng là điều quan trọng, nhưng Covid-19 trong tương lai vẫn sẽ là vấn đề mang tính toàn cầu. Vì thế, việc chuẩn bị về mặt dài hạn cũng quan trọng không kém.
“CDC Mỹ cam kết phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam để củng cố toàn bộ hệ thống tiêm chủng, giúp người dân mọi lứa tuổi có thể nhận được đúng loại vaccine họ cần vào đúng lúc, đúng chỗ”, chuyên gia CDC Mỹ nhấn mạnh.
“Chương trình tiêm chủng mang tính toàn diện cũng có thể giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược dài hạn kiểm soát Covid-19, tạo điều kiện khôi phục kinh tế”, ông nói.