“Kết quả xét nghiệm âm tính hữu ích đối với những lần tiếp xúc ngắn, nhưng người ta có thể nhiễm SARS-CoV-2 mà vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính, đặc biệt là ở giai đoạn đầu trong quá trình lây nhiễm”, bác sĩ Phil Gould, Giám đốc Chương trình Cúm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ở Việt Nam, nói.
Ông Gould đưa ra nhận định trên trước câu hỏi của Zing về sự cần thiết của kết quả xét nghiệm âm tính khi di chuyển liên tỉnh, cũng như về cách giảm rủi ro bùng phát dịch khi các tỉnh, thành Việt Nam dần mở lại mạng lưới vận tải nội địa.
Lực lượng y tế lấy mẫu test nhanh cho trẻ em ở sân bay Nội Bài năm 2021. Ảnh: Việt Linh. |
Theo ông Gould, trong trường hợp người dân đi lại giữa các địa phương để làm việc và học tập, sẽ có một số rủi ro lây nhiễm Covid-19, cũng như rủi ro từ các bệnh hô hấp khác, như cúm.
“Tuy nhiên, khi càng nhiều người tiêm chủng, rủi ro sẽ giảm dần theo thời gian, cho tới khi một biến chủng khác của SARS-CoV-2 xuất hiện và có thể đòi hỏi tiêm mũi tiêm tăng cường”, vị chuyên gia từ CDC Mỹ nói. “Tiêm chủng làm giảm rủi ro người có khả năng mắc bệnh tiếp tục lây virus sang cho người khác”.
Chia sẻ kinh nghiệm của Mỹ trong giải quyết vấn đề độ phủ tiêm chủng không đồng đều giữa các địa phương, ông Gould cảnh báo “chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến một số làn sóng SARS-CoV-2 nữa ở Mỹ và trên thế giới”.
Nhưng ông Gould cũng chỉ ra rằng hơn 90% số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là ở những người chưa tiêm chủng.
“Vaccine có khả năng giúp giảm lây lan, nhưng một loạt yếu tố khác có thể góp phần vào sự truyền nhiễm, kể cả ở người đã tiêm chủng. Mỗi khi đông người di chuyển, vì mục đích đi làm hay đi chơi, sẽ làm phát sinh rủi ro lây nhiễm virus đường hô hấp”, ông Gould nói.
“Do đó, khi giới hạn đi lại được nới lỏng ở một số bang (ở Mỹ), số ca mắc tăng lên, nhưng quan trọng là số người nhập viện hoặc tử vong vẫn ở mức thấp tại những bang có tỷ lệ tiêm chủng cao. Ở những bang có độ phủ tiêm chủng thấp hơn, bệnh viện thường bị quá tải trong làn sóng gần đây nhất”, ông Gould cho hay.
Trong làn sóng bùng phát dịch do chủng Delta gây ra bắt đầu từ tháng 6, số ca mắc chạm đỉnh vào đầu tháng 9 rồi giảm dần cho đến nay. Ngày 22/10, Mỹ ghi nhận trung bình 73.837 ca mắc mới mỗi ngày trong một tuần qua, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh hồi đầu tháng 9, theo Worldometers.
Tới nay, ít nhất 77,5% người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. 57,3% đã tiêm đầy đủ, theo dữ liệu cập nhật ngày 22/10 của CDC Mỹ.
Chuyên gia từ CDC Mỹ nhấn mạnh Việt Nam tới nay là một trong những nước tiếp nhận vaccine từ Mỹ nhiều nhất tại Đông Nam Á và vẫn là một đối tác quan trọng đối với Mỹ.
“Chúng tôi trông đợi được chứng kiến cách mà số vaccine đã được chuyển giao đang được sử dụng để bảo vệ người dân ở Việt Nam và giúp khôi phục những hoạt động kinh tế và văn hóa quan trọng”, ông Gould nói.