Phần lớn người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chọn loại hình chung cư. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong báo cáo "Hai thập kỷ phát triển đô thị" được công bố mới đây, CBRE Việt Nam cho biết từ khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng năm 2015, đã có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tính đến hết quý III/2023, theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng.
Số lượng giao dịch của CBRE từ năm 2017 đến tháng 10/2023 cho thấy 75% lượng khách hàng nước ngoài đến từ các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc.
Đây là nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường nhà ở Việt Nam, một phần nhờ khoảng cách địa lý của các nước này tới Việt Nam, cũng như sự hiện diện của nhiều chủ đầu tư đến từ những quốc gia này ở Việt Nam.
Chưa kể, theo CBRE, thị trường nhà ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ hơn so với quê hương của họ - những nơi đã trải qua các giai đoạn tăng giá tương tự trước đây.
Đây là lý do 60% khách hàng nước ngoài mua bất động sản Việt Nam thông qua CBRE đều có mục đích đầu tư, chờ tăng giá tài sản kiếm lời.
"Số ít sẽ cho thuê căn hộ của mình như một giải pháp tạm thời trong khi chờ mức giá bán tăng. Không thật sự nhiều người nước ngoài, chủ yếu là những người có kế hoạch sinh sống lâu dài ở Việt Nam sẽ mua nhà với mục đích để sử dụng cho bản thân mình", các chuyên gia tại CBRE nhấn mạnh.
Về loại hình sản phẩm, đơn vị này cho biết có đến 90% khách hàng nước ngoài của họ mua căn hộ chung cư, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội. Các dự án có vị trí đẹp và mức giá phù hợp, có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ trong tương lai cũng là sở thích đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn nhận về thị trường, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng nhận định xuyên suốt quá trình hoạt động tại thị trường Việt Nam, hãng tư vấn này đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các khách hàng siêu giàu trên thế giới về việc đầu tư bất động sản tại Việt Nam.
Đây cũng là lý do Savills mới đây đã mở rộng bộ phận Private Office đến Việt Nam, theo sau 2 quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan và Singapore. Bên cạnh mục tiêu phục vụ nhóm khách hàng giàu có ở Việt Nam, bộ phận này cũng sẽ hỗ trợ các khách hàng quốc tế tìm kiếm và quản lý bất động sản tại Việt Nam.
Theo quy định hiện hành, cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam có thể mua nhà và không bị hạn chế số lượng nhà có thể mua tại Việt Nam.
Tuy nhiên, luật quy định rõ về số lượng người nước ngoài được sở hữu nhà tại một dự án. Theo đó, người nước ngoài không được sở hữu quá 30% trên tổng số lượng căn hộ tại một dự án và không quá 250 căn nhà liền thổ trong một đơn vị hành chính cấp phường.
Thời gian thuê nhà dài hạn được quy định là 50 năm, có thể gia hạn tùy theo luật hiện hành nhưng không vượt quá 49 năm hoặc có thể chuyển sang sở hữu lâu dài nếu người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam.
Ngày 27/11, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Trong đó, quy định sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài gần như không có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.