Simon Kuper, cây viết kỳ cựu của Financial Times, nói rằng cách thưởng thức World Cup hiện nay đã khác xa lần đầu ông được theo dõi một kỳ World Cup.
"Vào một tối ở đại học hồi năm 1990, một người bạn nói rằng anh ấy có thể nhận vô số vé dự World Cup ở Italy, khi anh ấy quen một người mà bố cậu ấy làm việc cho Mars, nhà tài trợ World Cup khi đó", ông nói.
32 năm sau, mỗi chiếc vé xem World Cup và nơi ăn nghỉ là một thách thức không nhỏ với những ai muốn tận hưởng bầu không khí ở Qatar.
Theo ông Kuper, người đang dõi theo kỳ World Cup thứ 9 trong cuộc đời, cảm xúc và những trải nghiệm về ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới đang dần đi xuống.
“Người hâm mộ bóng đá không cần ghen tị vì chúng tôi ở đây", ông Kuper nói. "Tôi ở Qatar, nhưng World Cup diễn ra ở quê nhà".
Cảm xúc đã khác
Nhà nhân chủng học người Pháp Marc Augé đã đặt ra thuật ngữ “phi địa điểm”, đề cập đến những địa điểm “siêu hiện đại” nhất thời, như sân bay hoặc phòng khách sạn, nơi hầu như chỉ mới tiếp nhận số ít người sử dụng.
Đó là điều ông Kuper nhắc đến khi nói về các dự án cho World Cup của Qatar. "Các sân vận động được xây mới, không mang dấu ấn lịch sử nào. Nó được xây cách xa những khu phố, được bảo vệ, và không có mối liên kết với khu vực lân cận".
"Vào năm 2018, tôi đã chứng kiến hàng dài cổ động viên Peru đang đi thang cuốn xuống ga điện ngầm ở Moscow, với mỗi người dính vào chiếc điện thoại", ông nói về sự tiến bộ của công nghệ, khiến nhiều người đến sân nhưng tập trung quay lại những trận đấu thay vì trực tiếp theo dõi chúng.
Vẫn có những điều gây ấn tượng với ông Simon Kuper tại Qatar. "Tôi yêu những người hâm mộ xứ Wales ở đây, hát bằng tiếng Wales với thế giới". Song, cá nhân ông cho rằng ở nhà sẽ có thể tận hưởng trải nghiệm World Cup tốt nhất.
"Năm 2018, tôi đã xem trận thắng gay cấn của Pháp trước Argentina tại một quán bar của khách sạn ở Moscow. Ở nhà tôi tại Paris, các con tôi cùng bạn bè chúng sơn lên mặt màu cờ của Pháp, lăn lộn cười nói trên tấm thảm của chúng tôi", ông chia sẻ.
"Đó là nơi World Cup diễn ra - trong phòng khách hay những quán cà phê, ngồi cùng bạn bè, lý tưởng nhất là đi kèm với bia", cây viết của Financial Times nói.
Kỳ World Cup bị sao nhãng
Những tranh cãi trước và giai đoạn đầu của World Cup đã khiến những vấn đề chính trị phủ bóng các câu chuyện ngoài sân cỏ.
Như một sự ngẫu nhiên, hầu như những đội bóng nằm ở các bảng đấu đầu tiên - Anh, xứ Wales, Hà Lan, Đức hay Iran - đều ít nhiều phải đối mặt với những vấn đề ngoài chuyên môn bóng đá, khiến những câu chuyện chính trị bên lề World Cup xuất hiện với tần suất lớn vào thời điểm đầu của giải đấu.
Câu chuyện về việc cấm đeo băng thủ quân OneLove đã kéo theo nhiều phản đối, thậm chí là động thái can thiệp pháp lý từ các liên đoàn bóng đá.
Trong khi đó, như trường hợp của Hà Lan, huấn luyện viên Louis Van Gaal nói rằng ông muốn gạt bỏ những vấn đề chính trị và tập trung toàn lực cho bóng đá. Tương tự, tiền đạo Eden Hazard của tuyển Bỉ nói rằng "tôi tới đây để chơi bóng, không phải mang thông điệp chính trị", Guardian cho hay.
Mới đây, huấn luyện viên Carlos Queiroz của tuyển Iran đã tỏ sự không hài lòng khi đội bóng của ông liên tục đối diện với các câu hỏi chính trị.
Ông Queiroz nhấn mạnh việc tôn trọng tự do báo chí, “báo chí có quyền đặt câu hỏi và chúng tôi có quyền đưa câu trả lời đúng. Đó chỉ là vấn đề rằng chúng ta tôn trọng lẫn nhau”.
Song, ông được cho là đã bất mãn khi nhà báo Shaimaa Khalil của đài BBC hỏi tiền đạo Mehdi Taremi sẽ gửi thông điệp gì cho những người đang biểu tình ở quê nhà, sau vụ một phụ nữ 22 tuổi tên Mahsa Amin chết khi bị cảnh sát giam giữ hồi tháng 9.
Tuyển Iran đã không hát quốc ca trong trận mở màn nhằm thể hiện sự ủng hộ với người biểu tình. Đội tuyển đã hát quốc ca trong trận thứ hai gặp xứ Wales, với ống kính truyền hình bắt được cảnh nhiều cổ động viên đã rơi nước mắt.
Ông Queiroz nhấn mạnh rằng hãy hỏi thêm những huấn luyện viên khác về các vấn đề của thế giới, và nói rằng mình thấy “lạ” khi các đồng nghiệp ở đội khác né tránh các câu hỏi này.
“Tại sao bạn không hỏi Southgate (HLV đội tuyển Anh - PV) rằng: ‘Ông nghĩ gì về việc Anh và Mỹ rút khỏi Afghanistan và bỏ mặc những người phụ nữ?’”, ông hỏi ngược lại bà Khalil, trước khi rời phòng họp báo hôm 24/11.
Điểm sáng của Qatar
Ở một góc độ khác, nhiều người sống tại Iran cho rằng mục tiêu đăng cai World Cup đã thúc đẩy đất nước thay đổi về phát triển hạ tầng, theo Al Jazeera.
Hệ thống đường cao tốc, ga điện ngầm hay xe buýt công cộng đã được tăng tốc xây dựng trong 12 năm kể từ khi quốc gia Trung Đông giành quyền đăng cai World Cup.
"Không chỉ Qatar đăng cai World Cup, mà dường như đây là giải đấu được cả khu vực Trung Đông tổ chức", al-Ali, một phụ nữ có 3 người con ở Qatar, nói.
Maha Kafoud, một sinh viên Qatar đang theo ngành tâm lý học tại Đại học Melbourne, Australia, nói rằng không chỉ hạ tầng, xã hội của Qatar cũng đã thay đổi.
"Trước đây, nếu một phụ nữ Qatar không đeo khăn trùm, mọi người sẽ kinh ngạc, nhìn và đánh giá cô ấy. Nhưng khi tôi trở lại thăm Qatar vào năm 2020, tôi mặc áo hoodie và đi đến nhiều nơi, nhưng không ai chú tâm", cô nói.
Maha Kafoud nói rằng đất nước đã "tiến bộ và cởi mở hơn, trong khi vẫn giữ được những giá trị truyền thống".
Cô cho biết mình trông đợi vào nhiều sự thay đổi sau kỳ World Cup. "Dù có nhiều người nước ngoài ở đây, vẫn còn đó sự chia rẽ, và tôi hy vọng sau World Cup, mọi người sẽ đoàn kết hơn".