Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài là dự án giao thông được người dân quận Đống Đa trông đợi với chức năng giảm tải cho phố Chùa Láng và nhiều tuyến đường xung quanh.
Thông xe vào ngày 17/1, tuyến đường nhanh chóng có đông phương tiện qua lại. Các hạng mục của dự án gồm vỉa hè, hệ thống cảnh báo, chỉ dẫn, cây xanh... đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng.
Kỳ vọng vào hàng cây mới trồng, người dân mong đợi nó sẽ mang lại cảm giác trong lành, giảm thiểu ô nhiễm và khói bụi cho không gian đông đúc của thủ đô.
Tuy nhiên, thực tế, trái lại với sự chờ đợi ấy, những hàng cây trơ trụi như cọc gỗ được mọc lên khiến các hộ sinh sống quanh đây ngỡ ngàng.
Hàng cây trơ trụi trên tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Ảnh: Ngọc Tân. |
Toàn tuyến đường có khoảng 250 cây xanh mới trồng. Trong đó, chỉ khoảng 50 cây có cành lá. 200 cây còn lại trơ trụi như cọc gỗ cắm xuống vỉa hè.
Theo ghi nhận của Zing, nhiều thân cây bong tróc, thiếu sức sống. Một người đi tập thể dục thường xuyên trên tuyến đường này bày tỏ không biết bao giờ hàng cây mới đâm nhánh và cho bóng mát.
"Cây mới trồng thì chí ít phải có cành nhánh và lá non. Trồng cây trơ trụi như que củi thế này nhìn rất trối mắt", anh Dương Văn Thọ, nhân viên văn phòng làm việc tại tòa nhà Hong Kong, chia sẻ.
Trở lại việc thay thế và trồng mới cây xanh, 6 năm trước, để phục vụ cho việc thi công đường vành đai 3 đoạn nối liền cầu Thăng Long - Mai Dịch, 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, phần lớn là cây xà cừ đã được chặt hạ, sau đó được thay thế bằng cây giáng hương.
Không giống như những hàng nhội trơ trụi được trồng ở tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, những cây mới trồng đợt đó trên đường Phạm Văn Đồng đều có tán và lá.
Gốc cây bị cưa xém khi mới trồng ở tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Minh Hiếu |
Thạc sĩ Phạm Cường, Giám đốc Trung tâm Thực hành và nghiên cứu lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Huế, đánh giá về việc trồng mới cây, nếu như đúng kỹ thuật, lẽ ra phải cắt ngọn tạo tán cây tại vườn ươm trước nhiều năm để tạo cây có chiều cao 4-5 m, cành lá phát triển và có tán rộng, đẹp. Lúc đó khi bứng đưa đi trồng chỉ cần cắt bỏ ít phần ngọn, tán cây có kích thước đủ lớn (rộng 3-4 m), nhìn cây sẽ thẩm mỹ và khả năng duy trì sự sống sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, việc mang những cây "trụi như que củi" đi trồng lại tiết kiệm thời gian hơn, chi phí rẻ hơn và dễ dàng vận chuyển.
Đề xuất các giải pháp tăng cường mảng xanh cho đô thị, ông Cường cho biết thêm việc trồng mới cây cần có quy hoạch và vườn chuyên ươm các cây theo quy hoạch. Trong quá trình ươm, cây cao 4 m là cắt ngọn, tạo tán cho cây thật đẹp, cân đối. Như vậy khi bứng trồng mới đảm bảo hiệu quả.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.