Chiếc cây thuộc họ Đào kim nương được gọi là “cây chỉ đường” đã bị đốn hạ ngày 26/10. Chính quyền Victoria nói rằng cây này không thuộc danh sách cần được bảo vệ trong thỏa thuận với nhóm thổ dân Đông Maar và cũng không phải là cây chỉ đường linh thiêng trong vụ kiện ở tòa án liên bang.
Người Djab Wurrung và các thổ dân Victoria khác từ lâu đã đấu tranh để bảo vệ những loài cây vốn được người bản địa dùng làm nơi sinh nở. Họ đã bày tỏ sự đau buồn và phẫn nộ trước việc cây bị đốn hạ ngày 26/10.
“Tôi có thể cảm thấy những chiếc cưa đang xé toạc trái tim, linh hồn của tôi, cơ thể Djap Wurrung của tôi đang đau đớn”, Sissy Austin, một phụ nữ địa phương, cho biết. “Hôm nay, tôi nằm trên sàn và khóc, khóc cho mẹ của chúng ta, vùng đất của người Djap Wurrung”.
Cây vừa bị đốn hạ được cho là đã 800 năm tuổi và là nơi phụ nữ Djap Wurrung sinh con. Nhau thai được trộn với hạt giống và chôn bên dưới cây chỉ đường để kết nối cây thiêng vào cuộc sống của đứa trẻ.
Meriki Onus, một phụ nữ bản địa, nói việc đốn hạ cây cho thấy thổ dân ở Victoria không được coi trọng ở đất nước này.
Cây linh thiêng, nơi phụ nữ bản địa Australia dùng để sinh nở, đã bị đốn hạ. Ảnh: Guardian. |
Những người biểu tình tại cái cây cho biết họ bị cảnh sát giải tán ngày 26/10 và khi được phép quay lại, họ phát hiện cây chỉ đường đã bị đốn hạ.
Một phát ngôn viên của Dự án Đường lớn Victoria phản đối các tuyên bố trên. Người này nói cái cây vừa bị đốn hạ chỉ là một cây hoang dã và những thợ trồng cây đánh giá cây này không có khả năng xuất hiện trước khi người châu Âu định cư ở Australia.
Chính phủ sau đó nói với Guardian rằng cái cây vừa bị đốn hạ là một trong những cây chỉ đường được người bảo vệ khu vực xác định. Tuy nhiên, nhóm thổ dân Eastern Maar, bên quản lý di sản văn hóa trong khu vực, không xác định đây là cây chỉ đường.
Cái cây bị đốn hạ gần Buangor để thực hiện dự án cao tốc trị giá 157 triệu USD.
Con đường này đi xuyên qua những cây cổ thụ có liên quan trực tiếp với những bài hát và câu chuyện của người bản địa tại đây, người Djab Wurrung. Khu vực này cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với phụ nữ.
Sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài, chính quyền bang và nhóm thổ dân Đông Maar đã đạt được thỏa thuận bảo vệ 15 cây. Những cây này được đánh dấu rõ ràng và có vùng đệm xung quanh.