Cây đổ trúng xe ôtô trên phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
* Đêm 27/7, bão Mirinae (bão số 1) đổ bộ khu vực Thái Bình - Ninh Bình.
* Lúc 10h ngày 28/7, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 1 tiếp tục gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội đã có gió giật mạnh cấp 8-9.
* Trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm.
* Các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 126mm, Ninh Bình 173mm, Thái Bình 186mm.
* Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc. Hà Nội sẽ ngập ở một số tuyến phố..
* Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có bão đi qua, nhà dân bị tốc mái, cây bị khá nhiều...Nhiều địa phương bị mất điện, người dân không thể đi lại do mưa to, gió lớn.
* Ở Hà Nội đã có 1 người chết, 5 người bị thương.
-
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, vào 6h ngày 28/7, vị trí tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió vùng gần tâm bão cấp 8 (60-75km/h). Tại Hà Nội, hàng loạt cổ thụ bị bật gốc trong gió lớn. Trong ảnh: Cổ thụ bật gốc trong bão trên phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh Hoàng Hà.
-
Do ảnh hưởng của bão số 1, các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10. Các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7. Trong ảnh: Một cây cao hơn 15 m bật gốc ở đường Lê văn Lương. Ảnh Hoàng Hà.
-
Trong 6-12 giờ qua, ở các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 126mm, Ninh Bình 173mm, Thái Bình 186mm. Trong ảnh: Cây đổ lúc 6h45 trên đường Láng Hạ. Trong ảnh: Trước tòa nhà Quốc hội có nhiều cây xanh bật gốc. Ảnh: Nguyễn Hưng
-
Trước số nhà 12 Láng Hạ một cổ thụ to bật gốc và bóng đèn điện vỡ rơi xuống đường Giảng Võ. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Cảnh báo ngập lụt nội thành Hà Nội
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do hoàn lưu bão số 1, hiện nay một số nơi trong khu vực nội thành Hà Nội đã có mưa vừa đến mưa to. Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố nội thành Hà Nội từ 0,2 m đến 0,4 m như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Giải phóng, Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trường, Trường Chinh, Giáp Bát, Minh Khai, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Hoàng Mai, Định Công, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Phụng, Khuất Duy Tiến, Hoa Bằng, Đội Cấn, Thụy Khuê, Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn, Quang Trung,Tố Hữu, Dương Nội (Hà Đông)…
Dọc các phố Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ ghi nhận hàng chục cây lớn, nhỏ bật gốc đổ la liệt. Ảnh: Tiến Tuấn.
-
Nhiều nơi có mưa rất to
Do ảnh hưởng của bão số 1, ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13. Các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Trong 6-12 giờ vừa qua, ở các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 126mm, Ninh Bình 173mm, Thái Bình 186mm.
-
7h, anh Vũ Thạch (46 tuổi) đưa con gái đi học bằng ôtô, qua đầu phố Núi Trúc bất ngờ bị một cây cổ thụ bên phải đường bật gốc đổ chắn ngang đường. Chủ xe phanh gấp nhưng vẫn bị thân cây đè ngang đầu xe. Theo phản xạ, anh đạp cửa lao ra, mở cửa sau đưa con gái thoát ra khỏi xe. Ảnh: Tuấn Mark.
-
Vẫn còn gió mạnh
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành vùng áp thấp, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) sáng nay 28/7, còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hòa Bình có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-11.
Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc.
Ban chỉ huy quân sự quận Ba Đình cử người dọn dẹp cây đổ chắn ngang phố Hoàng Diệu đoạn giao với Trần Phú. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Hà Nội trong 3 giờ tới có gió giật cấp 8-9 và mưa rất to
Lúc 8h ngày 28/7, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 1 tiếp tục gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội đã có gió giật mạnh cấp 8-9.
Hồi 8h, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm. Mưa to đến rất to tập trung ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hòa Bình; riêng ở Hà Nội còn có gió giật mạnh cấp 8-9 và mưa rất to (50-100mm). -
Theo ghi nhận của Zing.vn, từ sớm, nhân viên công ty cây xanh đã túc trực xử lý các trường hợp cây đổ trên phố, tránh ùn tắc giao thông. Ảnh: Tuấn Mark.
-
Một người chết ờ Hà Nội
Theo báo cáo của Trưởng Ban tìm kiếm cứu nạn - Bộ Tư lệnh Thủ Đô, đã có thiệt hại ban đầu. Hồi 14h45 ngày 27/7, tại nhà ông Đặng Văn Đáng (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên), xảy ra đổ tường lan can tầng 2 làm 1 người chết, 5 người bị thương.
-
Ảnh hưởng từ cơn bão Mirinae, sáng nay rất nhiều người thủ đô đến công sở gặp khó khăn. Tại ngã tư Cao Bá Quát - Hoàng Diệu, một thanh niên va chạm với ôtô đã ngã xuống đường. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Ghi nhận của phóng viên Tiến Tuấn, dọc các phố Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ - Nguyễn Khang - Vũ Phạm Hàm có hàng chục cây lớn, nhỏ bật gốc, đổ la liệt. Nhiều điểm gây cản trở, ách tắc giao thông trong buổi sáng. Một số lái xe ôtô phải leo lên vỉa hè. Ảnh: Tuấn Mark.
-
Cây đổ đè trúng ôtô ở phố Quang Trung gần giao với Hai Bà Trưng. Ảnh: Hoài Linh.
-
Cây đổ trên phố Hai Bà Trưng khiến chiếc taxi bị bép rúm, may mắn người chỉ bị thương. Ảnh: Lê Hiếu.
-
Toàn bộ CSGT Hà Nội ra đường làm nhiệm vụ
Chỉ huy các Đội CSGT số 1, số 2, số 3, số 6 cho biết, từ 5h30 sáng, toàn bộ quân của các Đội đã bắt đầu làm nhiệm vụ trên các tuyến phố địa bàn phụ trách.
Theo Đội CSGT số 2, hiện tại, trên nhiều tuyến phố ở quận Ba Đình, do cây đổ chắn ngang đường, đèn đỏ một số nơi không hoạt động do mất điện nên lực lượng CSGT phải tổ chức phân làn thủ công.
Chỉ huy Đội CSGT số 6 thông tin, vào giờ cao điểm buổi sáng, có 2 cây cổ thụ đổ chắn ngang đường Phạm Văn Đồng (đoạn đối diện siêu thị Metro) buộc lực lượng chức năng phải cấm phương tiện qua đoạn này. Đến 8h30, sau khi lực lượng chức năng cưa cây để di chuyển, các phương tiện mới có thể lưu thông.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chỉ huy Đội CSGT số 1 cho biết, CSGT phối hợp nhân viên công ty cây xanh tuần tra. Nơi nào có cây gãy, đổ lực lượng chức năng giải tỏa. Hiện tại, trực ban ghi nhận chưa có tuyến phố nào ùn tắc do cây đổ gây ra.
-
Gió to quật ngã nhiều cây cổ thụ khiến các phương tiện đi lại khó khăn.
-
Là người phải ra đường để đi làm sớm, chị Vũ Hà ở quận Cầu Giấy gọi điện đến đường dây nóng của Zing.vn kể: " Cây đổ, bật gốc ở nhiều tuyến phố. Gió phần phật bên tai, mái tôn với xốp bay tung toé trên phố. Tôi đi trên phố luôn bị lạng tay lái nên không dám đi tiếp, thuê taxi họ cũng sợ và ngồi yên". Trong ảnh là một cảnh sát giao thông đứng ngoài đường phân luồng giao thông tránh ùn tắc. Ảnh: Hoàng Hà.
-
8h30, khi lên được văn phòng làm việc, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện vui liên quan đến bão Mirinae.
-
Clip phóng viên Tiến Tuấn ghi lại được tại phố Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng lúc 8h30 sáng nay. Hàng chục cây bật gốc, nhiều cột điện bị đổ.
-
Tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to
Theo bản tin lúc 9h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 1, ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13. Các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Ở Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.
Trong 12-18 giờ vừa qua, ở các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-150mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 160mm, Ninh Bình 210mm, Thái Bình 200mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 180mm, Hưng Yên 155mm, Chi Nê (Hòa Bình) 220mm.
Hồi 8h ngày 28/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền các tỉnh Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) sáng nay 28/7, còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hòa Bình có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc.
-
Nam Định, Ninh Bình mất điện
Theo thống kê thiệt hại ban đầu, tại Nam Định đã bị mất điện. Mưa và gió đã giảm. Thống kê ban đầu từ các địa phương, không có thiệt hại về người. 5 tàu cá của ngư dân bị đánh chìm, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Trên các tuyến phố, nhiều cây xanh bị quật ngã, một số tuyến phố bị ngập úng, các phương tiện di chuyển gặp khó khăn.
Tại Ninh Bình, đến 5h sáng nay không có thiệt hại về người, khoảng 36.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Hiện tại, một số quận, huyện đang bị mất điện. Nhiều cây cối bị đổ; mái nhà tốc mái.
Tại Thái Bình, nhiều cây xanh có đường kính 20 cm ở thành phố Thái Bình gục đổ sau khi bão đổ bộ. Đến thời điểm hiện tại, thiệt hại ban đầu về cây đổ, mái nhà tốc, diện tích hoa màu bị ngập. Chưa ghi nhận thiệt hại về người khi bão đổ bộ. Trên địa bàn, mưa đã ngớt, gió nhẹ.
-
Cây cổ thụ bật gốc khu vực phố cổ
Khoảng 6h, hai cây cổ thụ bật gốc ở khu vực ngã tư Trần Xuân Soạn - Thi Sách (quận Hoàn Kiếm), trong đó có 1 cây bị mục rỗng. Cây đổ kéo theo nhiều đường dây thông tin và cột điện đổ theo, giao thông bị đình trệ.
-
Áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu
Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương 10h10 sáng nay, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu và gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội đã có gió giật mạnh cấp 8-9.
Hồi 10h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 7-8.
-
Một bảo vệ ở sảnh chính toà 17T1, khu CT2 Vinaconex Trung Văn cho biết, sáng 28/7, khi gió mạnh, một mảng trần trang trí nơi đây đã bị sập. "Có thể do hệ thống trần làm khung đỡ quá yếu, lại thông cả sàn cho nên dễ bị sập. May không có ai bị thương", nam nhân viên bảo vệ nói.
-
Theo Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, từ đêm 27 đến sáng 28/7, do ảnh hưởng của bão Mirinae, PC67 thống kê lúc 9h có 10 điểm ngập úng; 667 cây xanh bị đổ gây cản trở giao thông, trong đó 4 cây đổ vào ôtô, 2 cây đổ làm 5 môtô bị hư hỏng; 3 cây đổ chắn ngang đường sắt; 2 cột điện đổ; 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố.
Ảnh: Lực lượng CSGT dọn dẹp cây đổ trên phố Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng).
-
Cảnh báo lũ ở Bắc Bộ và Thanh Hóa
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm 27/7 đến sáng 28/7 đã có mưa lớn với lượng phổ biến từ 50-100 mm. Một số nơi có lượng mưa lớn hơn như Hưng Thi 110 mm, Chi Nê (Hòa Bình) 220 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 120 mm, Nam Định 160 mm, Phủ Lý (Hà Nam) 130 mm, Quyết Chiến (Thái Bình) 140 mm, Phú Xuyên (Hà Nội) 120 mm.
Ngày và đêm 28/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to. Trong 12-24 giờ tới, sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long và sông Bưởi sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2-4 m. Đặc biệt, đợt lũ này mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Hoàng Long (Bến Đế, Ninh Bình), sông Đáy (Phủ Lý, Hà Nam) có khả năng lên trên mức báo động 1. Các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 2-3 Cơ quan khí tượng cảnh báo, khu vực miền núi phí Bắc nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt một số nơi như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình,Thanh Hóa.
-
Sáng 28/7, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND Hà Nội thị sát một số địa điểm bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 như đường Nguyễn Chí Thanh, Láng. Ông Hùng chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục hậu quả trước mắt, cắt cây đổ giữa đường để người dân lưu thông. Các cơ quan liên quan cần cảnh báo người dân ít ra đường lúc mưa to, gió lớn để đảm bảo an toàn và tính mạng. Ảnh: Thắng Quang; Clip: Bá Chiêm
-
Tin cuối cùng về bão Mirinae
Do ảnh hưởng của bão Mirinae (bão số 1), ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13. Các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Ở Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.
Trong 12-18 giờ vừa qua, ở các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-150 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 160 mm, Ninh Bình 210 mm, Thái Bình 200 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 180 mm, Hưng Yên 155 mm, Chi Nê (Hòa Bình) 220 mm,...
Sáng nay 28/7, sau khi đi vào khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 11 giờ ngày 28/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ vĩ Bắc; 105,2 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) ngày hôm nay (28/7) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.
Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc.Cảnh báo trong 2-3 ngày tới gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trở lại gây thời tiết xấu ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau và mưa vừa, có nơi mưa to ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ. Ngoài ra hiện nay ở khu vực phía Đông Philippines tồn tại một vùng áp thấp đang mạnh lên và có khả năng di chuyển vào biển Đông.