Theo The Wall Street Journal, giá cà phê toàn cầu đang leo thang trong bối cảnh nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, Brazil, phải đối mặt với một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất lịch sử quốc gia Nam Mỹ trong gần một thế kỷ qua.
Giá hạt cà phê Arabica - giống cà phê chủ chốt tại Brazil - đạt mức cao nhất kể từ năm 2016 vào tháng trước. Tại New York, giá hạt Arabica đã tăng hơn 18% trong ba tháng qua, lên đến 1,51 USD/pound. Trong khi đó, tại London, giá hạt Robusta - loại hạt được ưa chuộng cho cà phê hoà tan - đã tăng hơn 30% trong cùng giai đoạn, chạm mốc 1.749 USD/ tấn, mức cao nhất trong hai năm trở lại.
Nền nông nghiệp Brazil đang phải gánh chịu một trong những đợt sụt giảm sản lượng lớn nhất trong gần 20 năm sau nhiều tháng hạn hán khiến cây cối chết khô. Sau vụ thu hoạch kỷ lục vào năm 2020, nông dân Brazil đứng trước một mùa vụ thất bát nghiêm trọng chưa từng thấy trong năm 2021.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng thu hoạch cà phê năm nay của Brazil dự kiến giảm sâu nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ năm 2003. Sản lượng hạt Arabica của quốc gia Nam Mỹ trong năm 2021 được dự báo thấp hơn gần 1 triệu tấn so với năm 2020. Theo các chuyên gia, mức sụt giảm sản lượng cà phê tại Brazil thậm chí có thể lớn hơn.
Cung không đủ cầu đẩy giá cà phê Brazil tăng vọt. Ảnh: WSJ. |
Đại dịch đã thay đổi cách uống cà phê của người tiêu dùng. Do hạn chế đi lại và các quán cà phê đóng cửa, nhu cầu mua máy pha tại nhà và cà phê hoà tan tăng mạnh. Đợt tăng giá cà phê diễn ra đúng lúc các quốc gia phương Tây đang nới lỏng tình trạng đóng cửa và các quán cà phê được phép mở cửa trở lại.
Đại dịch đã làm rung chuyển cách uống cà phê của người tiêu dùng. Nhu cầu về máy pha tại nhà và cà phê hòa tan tăng cao, bù đắp phần nào cho các cửa hàng cà phê đóng cửa. Đợt tăng giá diễn ra đúng lúc các quốc gia phương Tây đang thoát khỏi tình trạng đóng cửa và các quán cà phê đang chào đón những khách hàng bị bỏ đói vì văn hóa cà phê ngoài tiệm.
Theo USDA, trong năm 2021, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến vượt sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2017. Theo dự kiến, 165 triệu bao hạt cà phê sẽ được tiêu thụ trong năm 2021, nhiều hơn năm ngoái 1,8 triệu bao. Trong khi đó, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo giảm còn 164,8 triệu bao.
Không chỉ Brazil, các quốc gia sản xuất cà phê khác cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Colombia và Việt Nam dù có thu hoạch tốt hơn nhiều so với Brazil cũng đang phải vật lộn với đứt gãy chuỗi cung ứng tại các cảng.
Tình trạng thiếu container vận chuyển và chi phí vận chuyển lạm phát ảnh hưởng xuất khẩu cà phê tại Việt Nam - quốc gia chiếm hơn 1/3 nguồn cung hạt robusta của thế giới. Tại Colombia, giao thông tại đường cao tốc và cảng bị ách tắc do người biểu tình công khai phản đối chính phủ.
Carlos Mera, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông sản tại Ngân hàng Rabobank nhận định: “Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu sự ảnh hưởng của gia tăng chi phí và chậm trễ trong lưu thông hàng hoá. Không giống như các mặt hàng khác, cà phê chỉ có thể được vận chuyển trong các container".
Tính đến thời điểm hiện tại, giá cà phê đến tay người tiêu dùng chưa có dấu hiệu tăng. Tuy vậy, chi phí vận chuyển leo thang cũng như lạm phát giá hạt được dự báo sẽ dẫn đến tình trạng giá cà phê tăng mạnh sau giãn cách.
Nông dân Brazil đang đối mặt với nguy cơ không còn đủ sản lượng để bán trong năm 2022 trước khi mùa vụ thu hoạch mới bắt đầu. Những trận mưa xuân vào tháng 9 sẽ có vai trò phục hồi những cây cà phê bị hư hại do nắng nóng kéo dài tại Brazil.