Khi khóc
Trong mắt em cầu vồng mưa
Anh ở đâu về đi
Đường phố dài làm chi
Gió to nhiều bụi
Cay những nếp nhăn
Em gọi anh về
Em bắc cầu cho anh về…
Yêu anh cầu vồng mờ nước mắt
Một nghìn thương nhớ
Hai nghìn cầu vồng
Ba nghìn sắc
Cho ngày sáng trong
Tay trong tay hạnh phúc
Đi hết đầu cầu ta gặp nhau…
Khi cười
Trong mắt em cầu vồng mưa…
Lời bình:
Đọc bài thơ Cầu vồng mưa, tôi cứ nghe từ đâu đó rất xa một lời hát cũ: “Anh vụng về quên lau mắt thu mưa”. Em khóc, nước mắt và mưa, xem ra cũng không có gì mới lạ, rất dễ để người ta liên tưởng với nhau. Cái lạ thuộc về thi ảnh của bài thơ này là: cầu vồng trong mắt. Giữa cầu vồng và mắt em đang khóc, có gì để nương tựa, kết nối vào nhau?
Chắc là anh đã đi xa, xa hơn nơi mà em có thể biết. Thế nên, khóc gọi anh về, bắc cầu cho anh về, em đếm một nghìn, hai nghìn, ba nghìn. Nghe trong ý thơ thấp thoáng một mùa ngâu hay một cõi lòng ca dao (bắc cầu dải yếm). Cũng có thể, khi ngước nhìn lên ba nghìn sắc, những mênh mông vô cùng của thế giới đã ùa vào mắt em. Nhưng, cầu vồng và mắt em đang khóc thì có liên hệ gì?
Hóa ra, đi hết cây cầu kia, hết đường dài gió bụi là tay trong tay. Nụ cười và nước mắt đã ánh vào nhau những sắc cầu vồng của niềm hạnh phúc. Tứ thơ được triển khai thông qua hệ thống hình tượng khá kín đáo là điểm nổi bật của bài thơ này. Và, nổi bật hơn nữa trong mắt cầu vồng mưa kia chính là sắc màu nữ tính mà ta nhận ra trong thơ Nguyệt Phạm.