- Ấn tượng lớn nhất của anh về đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á là gì?
- Đó là nỗ lực và khát khao của các cầu thủ. Hầu hết họ còn trẻ, lần đầu khoác áo đội tuyển Olympic nhưng đã vươn lên vượt qua khó khăn và cống hiến hết mình vì tinh thần màu cờ sắc áo. Điều này có thể xem là một thuận lợi dành cho công việc của HLV Miura.
Tiền vệ Nguyễn Minh Phương là thành viên ĐTVN vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: Hoàng Hà |
- Anh nhận xét như thế nào về lối chơi HLV Miura xây dựng?
- Tại vòng loại U23 châu Á, trừ Nhật Bản có trình độ cao hơn hẳn chúng ta, Malaysia và Macau (Trung Quốc) là những đối thủ dưới tầm. Việc vượt qua 2 đội bóng này và giành quyền vào VCK U23 châu Á là kết quả đáng khen ngợi nhưng không nằm ngoài dự đoán. Về cơ bản, tôi thấy HLV Miura mang tới nhiều sự mới mẻ trong cách chơi của các đội tuyển bóng đá Việt Nam so với thời những nhà cầm quân nước ngoài trước đây.
- Cụ thể là gì, thưa anh?
- Chúng ta chơi bóng theo phong cách ngả nhiều hơn về thể lực, sức mạnh và sử dụng nhiều hơn các đường chuyền dài, bổng.
- Anh có cho rằng thể lực của các cầu thủ Olympic Việt Nam đã được nâng tầm dưới sự huấn luyện của ông Miura?
- Để chuẩn bị cho việc bước sang nghiệp huấn luyện sau khi treo giày, tôi vừa tham gia khóa học HLV thể lực do AFC tổ chức. Cả về lý thuyết và kinh nghiệm của mình, tôi khẳng định không có chuyện thể lực của các cầu thủ đột biến trong vòng một tháng.
Quá trình huấn luyện thể lực đòi hỏi thời gian kéo dài và khá phức tạp. Trong bóng đá, chỉ riêng vấn đề này cũng được chia ra thành nhiều khái niệm khác nhau như sức bền, sức mạnh, tốc độ… tương ứng là các phương pháp, bài tập khác nhau. Vì vậy, dự kiến từ năm 2017, AFC sẽ quy định bắt buộc các CLB chuyên nghiệp phải có một HLV thể lực chuyên trách.
Hai trong số 3 đội bóng HLV Miura dẫn dắt đến lúc này là các đội tuyển U23. Bên cạnh đó, đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2014 có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong nhiều năm trở lại. Những đội bóng trẻ luôn có ưu thế về thể lực.
Khả năng “nuốt” giáo án khi luyện tập và tốc độ hồi phục khi thi đấu của các em tốt hơn so với những cầu thủ lớn tuổi như tôi. Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò của HLV Miura trong việc căn chỉnh điểm rơi để các em có thể trạng tốt nhất khi bước vào thi đấu.
- Giáo án của HLV Miura được mô tả là nặng. Khi còn tham gia đội tuyển, anh cùng đồng đội có tập với khối lượng như vậy không?
- Mỗi HLV có phương pháp riêng. Tôi không tập trung đội tuyển dưới thời HLV Miura nên không thể đưa ra nhận xét về giáo án của ông. Nhưng tôi cho rằng, thể lực của các cầu thủ Việt Nam dưới thời HLV Calisto trước đây cũng không yếu, dù chúng tôi không phải tập quá nặng.
Có 2 dấu hiệu phản ánh nền tảng thể lực của cầu thủ là tần suất của các ca chấn thương và tốc độ hồi phục sau mỗi trận đấu. Tại AFF Cup 2008, tuy đá với cường độ khá dày, đội tuyển Việt Nam không bị mất mát nhân sự vì chấn thương và chúng tôi cũng luôn có được thể trạng tốt nhất mỗi khi ra sân.
Công Phượng trong một pha đua sức cùng các cầu thủ Olympic Nhật Bản. Ảnh: Anh Tuấn. |
- Anh có thể so sánh phương pháp huấn luyện và cách xây dựng đội bóng của HLV Miura và HLV Calisto?
- Khoảng cách giữa 2 nhà cầm quân cách nhau khá xa, tương ứng là rất nhiều thay đổi của bóng đá Việt Nam những năm qua. Mỗi HLV cần căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra phương pháp phù hợp. Điểm tương đồng của HLV Miura và HLV Calisto là yêu cầu cao về tinh thần đoàn kết, lối đá “fighting”. Khác biệt rõ nhất giữa họ là cách chơi, HLV Calisto xây dựng lối đá phối hợp nhỏ, HLV Miura thì ngược lại.
- Nếu chuyển sang nghiệp huấn luyện, anh sẽ xây dựng đội bóng theo phong cách nào trong 2 sự lựa chọn nêu trên?
- Tôi không phải mẫu cầu thủ cơ bắp nên dành cảm tình hơn cho lối chơi phối hợp, kỹ thuật. Nhưng khi làm HLV, anh không được phép ấn định một lối chơi nào cho đội bóng của mình, chiến thuật cần căn cứ vào lực lượng có trong tay. Chẳng hạn, không thể bắt một đội ngũ như CLB HAGL chơi theo kiểu đua sức, càn lướt.
- Nói đến HAGL, anh có suy nghĩ gì về trường hợp của Tuấn Anh tại đội tuyển Olympic Việt Nam?
- Nhìn Tuấn Anh thi đấu, tôi nhớ lại hình ảnh của mình trước đây và rất có cảm tình với cậu ta. Nhiều ý kiến cho rằng lối đá kỹ thuật của Tuấn Anh không phù hợp với lối chơi đề cao tính chiến đấu HLV Miura theo đuổi, nhưng tôi không đồng ý với nhận định này. Đã là cầu thủ chuyên nghiệp, anh cần học cách thích nghi với mọi sơ đồ chiến thuật, lối chơi HLV yêu cầu.
- Anh có lời khuyên nào dành cho Tuấn Anh?
- Tôi là cầu thủ cũng theo đuổi lối chơi kỹ thuật và đá cùng vị trí với Tuấn Anh nên rất hiểu những gì cậu ta đang trải qua. Khi được đặt vào môi trường mới, tôi luôn bắt đầu từ việc đọc ra ý định của HLV muốn gì. Tuấn Anh vẫn còn trẻ và với việc được đào tạo cơ bản tốt như vậy, tôi nghĩ cậu ta sẽ sớm vượt qua khó khăn để khẳng định bản thân.
- Còn về trường hợp của Công Phượng thì sao, thưa anh?
- Cậu ta đã tiến bộ nhiều hơn, không ham rê dắt, chịu khó di chuyển, quan sát và phối hợp cùng đồng đội. Vòng loại U23 châu Á là giải đấu thành công của Công Phượng.
HLV Miura đã có màn thể hiện thành công tại vòng loại U23 châu Á. Ảnh: Anh Tuấn. |
- Sau những thành công của HLV Miura với bóng đá Việt Nam, anh có cho rằng ông đủ khả năng để đi đến chức vô địch tại SEA Games 28?
- Kinh nghiệm dùng thầy ngoại của bóng đá Việt Nam khoảng 20 năm qua cho thấy, những nhà cầm quân mới đến bao giờ cũng mang theo cảm giác lạc quan ở các giải đấu đầu tiên họ tham gia. Sau khoảng 2-3 năm, có trường hợp ngắn hơn, nhiều vấn đề mới phát sinh. Tôi nghĩ HLV Miura vẫn đang trong “tuần trăng mật” cùng bóng đá Việt Nam.
Tuy thành công ở Asian Games 17 và vòng loại U23 châu Á, HLV Miura cũng bị mất điểm khá nhiều ở AFF Cup 2014. Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu khu vực năm ngoái có thể được châm chước khi ông mới bắt tay vào công việc. Khả năng vô địch SEA Games 28 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng tôi nghĩ U23 Việt Nam sẽ là đội bóng giàu sức cạnh tranh.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!