Tuyển nữ Việt Nam có lần đầu tiên trong lịch sử vào vòng play-off Olympic sau khi xuất sắc vượt qua vòng loại thứ ba. Dù vậy, thành tích của thầy trò HLV Mai Đức Chung phần nào đến từ yếu tố may mắn khi tuyển nữ Triều Tiên rút lui. So với những đội mạnh nhất châu Á như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Triều Tiên, tuyển nữ Việt Nam vẫn cách rất xa về trình độ.
14h30 ngày 6/3, Huỳnh Như và đồng đội sẽ đối mặt Australia hùng mạnh trong trận play-off lượt đi tranh vé dự Olympic.
Tuyển nữ Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử khi gặp Australia tại play-off Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Minh Chiến. |
Muốn tuyển nữ làm nên chuyện thì phải đầu tư
Sau khi thống trị Đông Nam Á, Huỳnh Như cùng các đồng đội cần hướng đến mục tiêu rút ngắn cách biệt trình độ với các đội xếp trên. Theo chuyên gia Steve Darby, cựu HLV tuyển nữ Việt Nam, bóng đá nữ Việt Nam cần một kế hoạch dài hơi, bài bản để gây dựng nền móng vững chắc.
“Từng huấn luyện tuyển nữ vào năm 2001, tôi có sự tôn trọng lớn lao cho các cầu thủ nữ Việt Nam. Họ vô cùng chuyên nghiệp, tận hiến. Tuyển nữ Việt Nam hiện tại cũng là tập hợp của những cầu thủ có tố chất và tinh thần tuyệt vời. Vậy họ còn thiếu điều gì?”
“Theo tôi, đó là những đầu tư tài chính. Muốn đội nữ cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất, họ cần được đầu tư chuyên nghiệp, được tạo điều kiện tập luyện nhiều hơn để nâng cao thể chất với những chương trình huấn luyện khoa học. Các cầu thủ cần được kết hợp giữa thi đấu và nghỉ ngơi một cách bài bản”.
“Cũng giống đội tuyển nam, tuyển nữ Việt Nam cần chế độ dinh dưỡng tốt hơn, giống với những vận động viên ở đẳng cấp cao nhất, ví dụ như tăng cường uống sữa khi còn trẻ. Nếu đội bóng này được đầu tư và hỗ trợ đúng mức, họ có thể làm nên chuyện ở sân chơi châu Á”, ông Darby khẳng định.
Nhiều tuyển thủ nữ Việt Nam còn phải thi đấu, tập luyện trong các điều kiện khó khăn ở cấp độ CLB. Ảnh: Minh Chiến. |
Vấn đề dinh dưỡng hay chế độ tập luyện khoa học là cơn đau đầu với các tuyển thủ, ở cả bóng đá nam và bóng đá nữ. Tuyển nữ Việt Nam được đầu tư nhiều hơn nhờ những bản hợp đồng tài trợ cùng sự hào phóng của Trưởng đoàn Phạm Thanh Hùng. Dù vậy, đây vẫn là đầu tư phần ngọn.
Các CLB ở giải vô địch quốc gia nữ hầu hết còn thiếu thốn nhiều mặt, về cả điều kiện tập luyện, thi đấu, dinh dưỡng đến trang trải tiền lương cho cầu thủ. Hình ảnh các cầu thủ nữ Than Khoáng sản Việt Nam phải tự xoa bóp, massage cho nhau sau trận đấu khiến nhiều người xót xa.
“Tôi hy vọng giải vô địch nữ Việt Nam sẽ được cải thiện, có mặt bằng chung tốt hơn, các cầu thủ nữ được thi đấu nhiều trận hơn", ông Darby chia sẻ.
Ông Darby cho rằng việc chỉ có Thái Lan ở đẳng cấp tương đồng khiến nữ Việt Nam khó nâng cao trình độ tại Đông Nam Á. Ảnh: Minh Chiến. |
Phải khuyến khích những cô gái xuất ngoại
Không chỉ vấn đề thiếu thốn vật chất, cầu thủ nữ còn có nguy cơ bị ì về mặt tinh thần. Ở các giải Đông Nam Á, chỉ Thái Lan, Myanmar là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng với Việt Nam. Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) quyết định đổi thể thức tổ chức AFF Cup cho nữ từ 2 năm/lần xuống thường niên để nâng cao chất lượng các đội trong khu vực.
Dù vậy, mức độ cạnh tranh của các đội là không cao. Không được rèn luyện trong môi trường đủ khắc nghiệt, bóng đá nữ Việt Nam dễ chạm ngưỡng, không thể vươn cao hơn vị trí hiện tại.
"Tuyển nữ Việt Nam cần được thi đấu nhiều hơn với những đối thủ ngoài Đông Nam Á, vì ngoài Thái Lan, việc gặp các đội còn lại chỉ tốn thời gian. Một trận thua trước Nhật Bản sẽ mang lại nhiều bài học hơn là trận thắng 15-0 trước Malaysia".
"Nhiều nước Đông Nam Á không thể nghiêm túc đầu tư bóng đá nữ vì nhiều vấn đề. Chỉ Thái Lan là đủ sức cạnh tranh với Việt Nam", ông Darby giải thích.
Sau cùng, chuyên gia này cho rằng tuyển nữ Việt Nam không có cơ hội trước Australia. Đây là dự đoán dễ hiểu khi tuyển nữ Australia xếp hạng 7 thế giới (hạng một châu Á). Bóng đá nữ Australia có 7 lần dự World Cup nữ. 4 kỳ gần nhất, Australia đều vượt qua vòng bảng. 3 lần gần nhất dự Asian Cup cho nữ, Australia đều vào chung kết, vô địch một lần.
Trần Thị Hồng Nhung là cái tên hiếm hoi của bóng đá nữ Việt Nam xuất ngoại để chơi trong màu áo Chonburi mùa trước. Ảnh: Minh Chiến. |
Khác biệt giữa Australia và Việt Nam là yếu tố thể hình, thể lực, sức mạnh, khi đội bóng xứ chuột túi có tới 5 tuyển thủ đang chơi ở châu Âu và Mỹ. Thực tế là nhiều tuyển thủ nữ Việt Nam từng nhận được lời mời thi đấu ở nước ngoài, nhưng chỉ có Trần Thị Hồng Nhung (Phong Phú Hà Nam) là sang Thái Lan thi đấu cho CLB Chonburi trong khoảng thời gian ngắn.
“Tuyển nữ Việt Nam nhiều khả năng không vượt qua được Australia, chúng ta phải thực tế. Khác biệt nằm ở khía cạnh thể chất của trận đấu này (chênh lệch sức mạnh, thể lực giữa cầu thủ hai bên - PV), chứ không phải yếu tố kỹ thuật. Bóng đá Australia có nhiều tuyển thủ thi đấu toàn thời gian, được trả thu nhập hậu hĩnh và đang thi đấu ở Mỹ và châu Âu.
Các tuyển thủ nữ Việt Nam cần được hỗ trợ, khuyến khích thi đấu ở nước ngoài. Các nữ cầu thủ Nhật Bản đã làm được điều đó rồi. Tôi biết rất nhiều tài năng bóng đá nữ ở Việt Nam. Họ cần được hỗ trợ thoát khỏi những định kiến (như việc phải bỏ nghề khi kết hôn). Phải như vậy, bóng đá nữ mới thành công", ông Darby kết luận.
Tuyển nữ Việt Nam sẽ đá trận play-off lượt đi với Australia ở Melbourne vào ngày 6/3. 5 ngày sau, thầy trò ông Mai Đức Chung đá trận lượt về tại Cẩm Phả. Đội chiến thắng chung cuộc sau hai lượt sẽ có vé dự Olympic Tokyo 2020.