Trong lối vào Trung tâm huấn luyện Cobham của CLB Chelsea có treo một bức ảnh đặc biệt. Bức ảnh ấy chụp vào tối 19/5/2012. Nó lột tả những cảm xúc trái ngược. Bà Angela Merkel – thủ tướng Đức, chống hai tay lên chiếc ghế da, khuôn mặt vô hồn.
Đứng bên cạnh là ông Obama há hốc đầy ngạc nhiên. Thủ tướng Anh David Cameron – fan ruột của Aston Villa, giơ hai tay ăn mừng chiến thắng của Chelsea trong trận chung kết Champions League trước Bayern Munich. Khoảnh khắc ấy Drogba vừa thực hiện xong cú penalty quyết định còn Hội nghị thượng đỉnh G8 đang họp bàn những vấn đề cực kỳ quan trọng.
Bức ảnh này xứng đáng có vị trí trang trọng trong căn phòng của Mourinho. Đặt bên cạnh bức ảnh nên là các con búp bê Mourinho, thư viện của Mourinho với những quyển giáo án và cuốn sách dạy bóng đá, dạy nghệ thuật trong phòng họp báo và tất cả những đồ vật gợi lên cảm giác về một đền thờ tôn vinh cá nhân Mourinho.
Bức ảnh nổi tiếng với những cảm xúc trái ngược của các vị lãnh đao quốc gia. Ảnh: Getty. |
Chelsea là đội bóng nổi tiếng với những cuộc lội ngược dòng khó tin. Năm 2012 họ giành cúp tai voi lần đầu tiên của lịch sử bằng những chiến thắng kỳ diệu: màn lội ngược dòng không tưởng trước Napoli, hạ gục ĐKVĐ Barca và đánh bại Bayern Munich nắm muôn vàn lợi thế.
Chelsea có thể không giỏi bằng đối thủ nhưng tinh thần chiến đấu luôn dạt dào. Trong buổi lễ ăn mừng chiến tích, Frank Lampard ngợi ca người thầy cũ Mourinho: “Tuy Mourinho không có mặt ở đây nhưng công lao của ông ấy vô cùng to lớn. Tinh thần Chelsea là do Mourinho truyền lại.”
Cùng là học trò của Mourinho, Makelele lại nhận xét về ông thầy như sau: "Trong mùa thứ ba dưới sự dẫn dắt của Mourinho (mùa 2006-2007), tôi thực sự choáng khi ông quên hẳn giá trị của các cầu thủ và gom hết công lao cho bản thân. Với ông ấy, các cá nhân không khiến cho tập thể thi đấu tốt, mà đơn giản là phương pháp của ông ấy mang tới điều đó”.
Hiện tại, trong mùa thứ ba của nhiệm kỳ 2, Mourinho còn đối xử với học trò tệ hơn. Ông tin mình đang bị học trò phản bội. Mourinho nói bằng giọng điệu hùng hồn đến nỗi mà nếu ông chủ Abramovich nghe được thì không hiểu nhà tài phiệt người Nha có tự hỏi là, ở phòng thay đồ Chelsea bây giờ có còn sự tôn trọng thầy trò hay không?
Mourinho từng hãnh diện vì ông đã có một mùa giải 2014//2015 phi thường. Ông bảo mình đã giúp cầu thủ chơi hay hơn khả năng thực tế và mùa này cầu thủ không thể duy trì siêu động lực để bảo vệ ngôi vương thì vấn đề vẫn là khả năng.
Thêm nữa, hàng loạt trận thua vẫn chưa khiến cầu thủ Chelsea cảm thấy mình đang ở trong cuộc chiến trụ hạng vì họ nghĩ vị thế không xứng đáng phải đua trụ hạng. Nhưng mặt khác họ cũng không có động lực để đua vô địch hay tranh tốp 4, tốp 6. Ông thầy đổ lỗi cho học trò như vậy.
Niềm tin của học trò với Mourinho ngày càng suy giảm trầm trọng. Ảnh: Getty. |
Cầu thủ sa sút thì báo chí hay HLV nói gì cũng đúng, nhưng Mourinho dùng từ phản bội là hoàn toàn sai về ngữ nghĩa. Từ điển Oxford định nghĩa từ phản bộ như sau: phản bội là hành động gây nguy hiểm cho một quốc gia, tập thể hay cá nhân thông cung cấp thông tin cho kẻ thù.
Mourinho hoàn toàn không có căn cứ để chứng minh cầu thủ của mình tiết lộ thông tin cho HLV Leicester!
Cầu thủ Chelsea sa sút và yếu kém về phong độ chắc chắn có thật. Một cầu thủ đứng sai vị trí hoặc để đối thủ lọt xuống, đặc biệt là đối thủ chơi với tốc độ như tia chớp của Jamie Vardy thì không thể gọi là phản bội.
Trong quá khứ Mourinho từng gọi cầu thủ Real là “lũ chuột phản bội, đồ con hoang” chỉ vì đội trưởng Casillas gọi điện giảng hòa với Xavi. Có vẻ lần này ông lại sai lầm.
Dù sao lời nói cũng đã buông ra, vấn đề đáng quan tâm nhất lúc này là học trò của Mourinho hiện tại đang nghĩ gì. Sau lời cáo buộc của chính ông thầy mà cầu thủ bày tỏ sự ủng hộ, không thể không tin cầu thủ chẳng mảy may dao động.
Terry chẳng hạn, anh trung thành với đội bóng bao năm để bây giờ bị cáo buộc “phản bội”. Zouma nữa, cầu thủ trẻ đang lên chân vốn cần hơn cả những lời động viên lại bị tố cáo phản bội thì sự nghiệp của anh bị ảnh hưởng như nào? Cầu thủ nghĩ gì khi Mourinho tự cấp giấy phép để tránh khỏi chỉ trích.
Mourinho vừa đổ thêm dầu để đám cháy to hơn. Ông ta thêm một lần làm mất niềm tin của học trò. Nên nhớ chủ tịch Abramovich chỉ nắm một chân ghế HLV của Mourinho, cầu thủ trực tiếp đeo giày thi đấu mới nắm ba chân.
Giữa Mourinho với trò cưng Costa nảy sinh không ít mâu thuẫn. Ảnh: Getty |
Bóng đá thời nay hiếm khi thấy HLV trực tiếp đổ lỗi cho học trò nhưng Mourinho lãnh lấy sứ mệnh tiên phong, ví dụ như câu: “Cầu thủ Chelsea có lẽ không cảm nhận được họ là cầu thủ hàng đầu, không cảm nhận được vị thế siêu sao. Hãy nhìn Leicester City mà học tập, hãy coi họ là cầu thủ hàng đầu, siêu sao bóng đá. Hãy đến và nói với Sunderland và Watford là chúng tôi không phải siêu sao, chúng tôi không phải nhà ĐKVĐ Ngoại hạng Anh, không phải nhà vô địch thế giới, chẳng phải cầu thủ hay nhất mùa, chúng tôi ở cùng đẳng cấp với các bạn thôi.”
Không khó để nhận ra Mourinho đang ám chỉ Cesc Fabregas từng vô địch World Cup với ĐT Tây Ban Nha và Hazard giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất mùa trước. Khi được hỏi về lý do Hazard bị thay ra, Mourinho hoàn toàn có thể nói rằng “cậu ấy sẽ gặp nguy hiểm nếu tiếp tục thi đấu” thay vì nói học trò “quyết định xin rời sân chỉ sau vài giây”.
Mourinho thay vì củng cố tinh thần đoàn kết của học trò, cố gắng chứng minh với cấp trên rằng tinh thần cầu thủ vẫn ổn thì lại cố để đánh lạc hướng dư luận. Ý đồ của Mourinho là nếu máy chém sập xuống khiến ông mất ghế thì ông là “nạn nhân” của Chelsea chứ không phải “nguyên nhân” của cuộc khủng hoảng. Nếu đúng như vậy thì ngày Mourinho bật bãi đã gần lắm rồi, vì ông đã lo lót định hướng dư luận sau khi bị sa thải.