Trong những môn thể thao đối kháng như bóng đá, chấn thương dây chằng đầu gối khá phổ biến. Mới đây, trung vệ Chương Thị Kiều của tuyển nữ vừa phẫu thuật cùng lúc 2 đầu gối. Cụ thể, cô trải qua ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm gối phải và phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước gối trái phối hợp với liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu.
Sau phẫu thuật, Chương Thị Kiều nói riêng và các cầu thủ, vận động viên dính chấn thương dây chằng nói chung, phải trải qua quá trình hồi phục gồm nhiều giai đoạn. Trong đó, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong suốt quá trình.
Chương Thị Kiều phẫu thuật cùng lúc 2 chân và chạy đua với thời gian để có thể kịp dự World Cup nữ 2023. Ảnh: Quang Thịnh. |
"Với VĐV đứt dây chằng, bao giờ cũng phải trải qua những giai đoạn cơ bản gồm nghỉ ngơi sau chấn thương, phẫu thuật, nghỉ ngơi sau phẫu thuật và tập trở lại. Trong giai đoạn nghỉ ngơi, các bạn ít vận động, bắt buộc phải siết lại chế độ ăn để duy trì thể trạng. Nếu vẫn duy trì thói quen sẽ dẫn tới tích mỡ, thừa năng lượng, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục", chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Ngọc Trâm Anh chia sẻ với Zing.
"Người bị chấn thương nên nạp thêm protein, duy trì lượng cơ để hao hụt ít nhất có thể. Với các trường hợp chấn thương nói chung, người gặp chấn thương nên nạp thêm thực phẩm giàu vitamin để cơ thể khỏe hơn, cụ thể là thể trạng tốt. Ăn uống không đảm bảo đủ chất khoáng, vitamin sẽ khiến cơ thể ở trạng thái không tốt, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi", Trâm Anh nói thêm.
Sở dĩ các VĐV cần bổ sung nhiều protein bởi sau khi phẫu thuật, lượng cơ ở chân bị chấn thương bị teo đi so với bên còn lại. Đây đơn giản là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi không vận động. VĐV không thể tránh việc teo cơ, nhưng có thể giảm thiểu.
"Các trường hợp liên quan tới dây chằng hoặc gân có thể bổ sung collagen để cải thiện tình trạng. Sau khi phẫu thuật, người gặp chấn thương nên duy trì cân nặng, giữ lượng mỡ. Mỡ không có chức năng gì trong quá trình hồi phục. Chúng thậm chí còn là nguyên nhân dẫn tới các ca chấn thương", Trâm Anh nói.
Nguyên nhân là Collagen chiếm 65-80% trọng lượng khô của gân, dây chằng. Collagen là thành phần chính quan trọng trong cấu trúc của gân, dây chằng tạo nên đặc tính dẻo dai và khả năng chịu lực của gân, dây chằng.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, các VĐV dính chấn thương dây chằng cần được điều trị vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng và được chăm sóc về tâm lý để đảm bảo thể trạng và tinh thần tốt nhất. Từ đó, họ mới có thể sớm trở lại thi đấu.
Nếu quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi, một ca chấn thương dây chằng có thể hồi phục hoàn toàn sau 6-7 tháng.