Hơn 10 ngày từ khi sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được phát hiện, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh chính thức cấm toàn bộ xe lưu thông để sửa chữa khiến giao thông khu vực trở nên rối loạn.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thiết kế của cầu Nguyễn Hữu Cảnh được xem là duy nhất tại TP.HCM cho đến thời điểm này. Khác biệt lớn nhất của công trình là kết cấu vòm với cáp dự ứng lực căng giữ hai chân cầu ở độ sâu gần 2 m trong lòng đất.
Tuy nhiên, việc để 4 bó cáp dự ứng lực của cầu bị cắt đứt khi thi công cống thoát nước chứng tỏ quá trình truyền đạt thông tin bản vẽ hoàn công của dự án giữa các thế hệ thi công, đơn vị quản lý có tắc trách hoặc công tác rà soát công trình ngầm có vấn đề.
Tác động nghiêm trọng
Trao đổi với Zing, một giảng viên phụ trách bộ môn Cầu đường (xin ẩn tên) cho biết khác với những công trình cầu kết cấu vòm trong thành phố, cầu Nguyễn Hữu Cảnh là dạng kết cấu vòm đặc biệt. Ví dụ, cầu vượt sông Bình Lợi có kết cấu vòm và cũng có cáp căng chân vòm nhưng giữa hai chân vòm này có bó cáp chạy bên trong dầm.
Trong kết cấu cầu vòm như công trình Nguyễn Hữu Cảnh, cáp có tác dụng chống lực xô ngang của chân vòm. Khi các bó cáp bị đứt, lực giữ chân vòm giảm đi, khiến 2 chân vòm của cầu bị xê dịch ra ngoài. Điều này dẫn đến mặt cầu, dầm trên bị võng, lõm.
“Như vậy, kết cấu đã không làm việc đúng hồ sơ thiết kế, làm giảm lớn khả năng chịu tải của công trình. Nếu vẫn để xe tải trọng lớn đi qua sẽ khiến 2 chân cầu tiếp tục bị dạng rộng hơn, kết cấu công trình đồng thời bị nứt và không đảm bảo điều kiện sử dụng”, giảng viên bộ môn Cầu đường nói.
Cống hộp (màu xanh) chắn ngang cáp dự ứng lực của công trình. Ảnh: TCIP. |
Tương tự, ông A., giảng viên bộ môn Xây dựng thuộc Đại học Bách Khoa TP.HCM, nhìn nhận thiết kế cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh là chưa từng có tại TP.HCM. Mô hình này được đơn vị thiết kế đưa từ nước ngoài về áp dụng.
Tuy nhiên, với dạng kết cấu đặc biệt như cầu Nguyễn Hữu Cảnh, thông thường khi làm, đơn vị thiết kế sẽ đánh dấu ghi nhớ để không xảy ra tình trạng cáp dự ứng lực bị cắt như sự cố vừa được phát hiện.
Cáp dự ứng lực có nhiệm vụ níu 2 chân cầu lại gần nhau, đảm bảo khả năng chịu lực của phần dầm bên trên, có thể làm cho cầu vồng lên hoặc ít nhất không bị lõm xuống.
"Do đó, có thể nói rằng cáp là một phần không thể tách rời đối với kết cấu của dạng cầu này", chuyên gia A. phân tích và nhìn nhận đây là sự cố có tác động nghiêm trọng đến kết cấu công trình.
Điều kiện nào để khắc phục?
Trong khảo sát mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã khiến mố cầu bị cao so với thiết kế và có sự chuyển dịch kết cấu. Hiện trạng công trình có 4 bó cáp dự ứng lực ngầm kết nối 2 mố cầu bị đứt vì có hệ thống cống băng ngang.
Trường hợp kết cấu công trình đã bị phá hoại, nứt, võng, chuyên gia đánh giá sự cố ở mức độ rất nghiêm trọng. Song, việc khắc phục sự cố vẫn có thể thực hiện theo hướng căng lại bó cáp nếu dầm chưa bị gãy.
Ngược lại nếu kết cấu bị nứt, các đơn vị phải gia cường dầm, cùng nhiều biện pháp thi công khác. Cuối cùng là bước kiểm định, đánh giá lại khả năng chịu lực sau đó mới đưa vào sử dụng trở lại.
Mặt cầu Nguyễn Hữu Cảnh bị võng sau sự cố. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo giảng viên bộ môn Xây dựng từ Đại học Bách Khoa TP.HCM, với sự cố của cầu Nguyễn Hữu Cảnh lần này, phương án khắc phục được giới chuyên môn ưu tiên vẫn là khôi phục 4 bó cáp trở lại.
"Tuy nhiên, việc khôi phục có đạt khả năng như thiết kế ban đầu hay không cũng khó chắc chắn. Giống một tờ giấy, khi đã rách thì việc dán lại tờ giấy cũng không thể liền hoàn toàn", chuyên gia đánh giá.
Trách nhiệm các bên
Bên cạnh việc tập trung khôi phục hình dạng và kết cấu ban đầu của công trình, chuyên gia A. (Đại học Bách Khoa) cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của 3 đơn vị liên quan là phía thiết kế thi công bản vẽ, cơ quan quản lý là TCIP và nhà thầu thi công cống hộp.
Về nguyên lý, cầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây và hoàn thành từ 20 năm trước (2002), sau đó bàn giao cho TCIP quản lý. Như vậy, TCIP phải có đủ thông tin về bản vẽ hoàn công do bên thiết kế thi công để lại.
Trong trường hợp bản vẽ hoàn công để lại không có thông tin về bó cáp chôn ngầm, đơn vị quản lý không nắm được thì trách nhiệm thuộc về bên thứ nhất là đơn vị thiết kế.
Ngược lại, trong bản vẽ hoàn công của nhà thầu sau khi xây có thể hiện chi tiết dây cáp nhưng không truyền đạt lại với đơn vị thi công cống hộp thì lỗi thuộc về bên thứ 2 là đơn vị quản lý.
“Tôi cho rằng trong khâu này, có thể bản vẽ hoàn công khi được bàn giao cho cơ quan quản lý không cho chi tiết cáp. Trách nhiệm thuộc về nhà thầu trước đó đã thi công nhưng không để thông tin bản vẽ lại. Vì người quản lý chỉ quản lý trên bản vẽ hoàn công chứ không phải quản lý trên bản vẽ thiết kế”, giảng viên Đại học Bách Khoa nói.
4 bó cáp dự ứng lực đóng vai trò căng giữ 2 chân vòm cầu Nguyễn Hữu Cảnh bị cắt đứt khiến công trình giảm tải lớn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đối với bên thứ 3 là nhà thầu thi công cống hộp, về nguyên tắc khi phát hiện các hạng mục dưới ngầm ngoài phạm vi công trình, nhà thầu phải có trách nhiệm thông báo đến tư vấn giám sát hoặc cơ quan quản lý để xác định chướng ngại vật là gì.
Nếu nhà thầu thi công cống hộp thấy cáp nhưng không báo lại mà vẫn cắt thì nhà thầu này phải chịu trách nhiệm.
Quan điểm này nhận được chia sẻ từ chuyên gia bộ môn Cầu đường mà Zing trao đổi. Theo vị này, giữa các thế hệ thi công, cần làm rõ bên thứ nhất là đơn vị thiết kế có thể hiện phần cáp dự ứng lực ngầm trong bản vẽ hay không. Vì để thiết kế thi công cống hộp, nhà thầu phải dựa vào thông tin bản vẽ mà cơ quan quản lý bàn giao.
“Nếu nhận bản vẽ không tồn tại thông tin các bó cáp này thì họ vẫn thiết kế bình thường, còn đơn vị thi công khi làm sẽ đụng các bó cáp đó. Khi họ hỏi không rõ bó cáp ở đâu, đóng vai trò gì thì họ cắt”, giảng viên Cầu đường nói.
Một trường hợp ít phổ biến hơn được vị này đề cập đó là khi đơn vị thi công cống hộp trình hồ sơ lên đơn vị quản lý, đơn vị này phải chỉ đạo tư vấn rà soát công trình ngầm toàn bộ khu vực thi công. Tuy nhiên có thể trong quá trình rà soát không bao quát, hoặc chuyên môn kém đã không phát hiện ra kết cấu này, từ đó dẫn đến sự cố.
Lộ trình thay thế cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đồ họa: Minh Trí. |
Sự cố đứt cáp dự ứng lực cầu Nguyễn Hữu Cảnh vừa được phát hiện sau khi Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) khảo sát công trình vào giữa tháng 9.
Công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được đưa vào khai thác năm 2002. Cầu vượt có tổng chiều dài hơn 600 m, bề rộng toàn cầu gần 13 m. Cầu được sửa chữa và kiểm định vào năm 2017, sau khi kiểm định, công trình tiếp tục được duy tu, bảo trì thường xuyên.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hiện được giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) thực hiện dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh từ tháng 10/2020 và chưa bàn giao lại. Vì vậy, TCIP phải chịu trách nhiệm và nhanh chóng kiểm tra, lập phương án đảm bảo an toàn công trình, tránh nguy cơ sụp đổ, hư hỏng nghiêm trọng.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh gặp sự cố
Cấm xe nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngày 28 và 30/4
Trong 2 ngày 28/4 và 30/4, TP.HCM sẽ cấm nhiều tuyến đường để tổ chức bắn pháo hoa và thực hiện các hoạt động khác phục vụ lễ.
Google Maps vẫn sai thông tin ôtô lên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Chế độ điều hướng dành cho ôtô của Google Maps vẫn chưa cập nhật thông tin tuyến đường khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Mất chưa tới 5 phút để qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) chính thức cho toàn bộ xe lưu thông sau 5 tháng khắc phục sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm. Sáng 6/3, các phương tiện di chuyển thuận lợi.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh ngày đầu dỡ rào cấm ôtô sau 5 tháng sửa chữa
Sau 5 tháng khắc phục sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chính thức cho toàn bộ xe lưu thông, không giới hạn ôtô như trước đây.
Xe hơi được qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh từ cuối tháng 2
Tất cả phương tiện được chạy qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) từ cuối tháng 2, sau khi hoàn tất sửa chữa, khắc phục sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm.