Một khung hình Jules Schulback ghi lại được khi Marilyn Monroe tung váy. Ảnh: NYT. |
Theo bài đánh giá về cuốn sách này của The New York Times (NYT), ông nội của Bonnie Siegler là Jules Schulback đã làm một điều thú vị vào năm 1954. Khi đó, ông đã ghi lại cảnh chiếc váy nổi tiếng của Marilyn Monroe tung bay gần tàu điện ngầm ở Đại lộ Lexington bằng chiếc máy ảnh Bolex 16 mm của mình. Và ông thậm chí còn thoát được cảnh chạm trán với một người đàn ông có thể từng là sĩ quan Gestapo (phục vụ trong chính quyền phát xít Đức) bằng cách tự xưng là nhân viên an ninh của nam diễn viên Mỹ Clark Gable.
Những sự kiện dường như không liên quan đến nhau này đã tạo nên cốt truyện cho The American Way. Đây là tác phẩm viết chung của Siegler và Helene Stapinski. Stapinski cũng là người đầu tiên viết về hình ảnh ông Schulback ghi lại được về Monroe và đã đăng tải năm 2017 trên NYT.
Trong khi The American Way tập trung vào Schulback, một người Do Thái gốc Đức, với con đường trở thành một nhà làm phim nghiệp dư và thợ may lông thú thành công ở Manhattan, thì tác phẩm này cũng đề cập tới Harry Donenfeld, người từng là nhà bảo trợ tài chính cho Schulback vào năm 1938. Vào thời điểm đó, cần có người bảo trợ cho những người Do Thái đang cố gắng thoát khỏi Đức quốc xã và vào Mỹ.
Donenfeld là một nhân vật lớn trong ngành xuất bản Mỹ lúc bấy giờ và nổi tiếng với việc ra mắt các tạp chí “nữ tính”. Nhưng theo chia sẻ của Stapinski và Siegler, Donenfeld đã kiếm bộn tiền nhờ xuất bản truyện tranh Superman. Trong khi bảo trợ cho nhiều người, trong đó có nhà sáng tạo phim hoạt hình Do Thái Jerry Siegel và nghệ sĩ Joe Shuster, Donenfeld chỉ trả cho họ một khoản tiền nhỏ trong khi bản thân bỏ túi hàng triệu USD từ tác phẩm Man of Steel. Cũng theo hai tác giả Stapinski và Siegler, Donenfeld là một người giỏi tán tỉnh các cô gái và có một chút lập dị (ông mặc áo thun Superman bên trong bộ vest). Nhưng về mặt tích cực, Donenfeld đã giúp nhiều người Do Thái thoát khỏi nước Đức và không bao giờ nói về điều đó. Tóm lại, Donenfeld là một sự pha trộn thú vị.
Cuốn The American Way: A True Story of Nazi Escape, Superman and Marilyn Monroe, của Helene Stapinski và Bonnie Siegler. Ảnh: Amazon. |
Để viết cuốn sách của mình, Stapinski và Siegler đã ghép lại với nhau một loạt nhân vật và sự kiện để truyền tải những chủ đề quen thuộc như cá tính Do Thái, cá tính New York và một phong cách Mỹ sôi động, độc đáo. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã xuất hiện trong tác phẩm này, bao gồm đạo diễn từng đoạt giải Oscar Billy Wilder, đạo diễn phim The Seven Year Itch; Monroe, ngôi sao của bộ phim; và Joe DiMaggio, huyền thoại Yankee, người đã kết hôn với Monroe (và cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt Superman).
Các chương truyện ngắn, hấp dẫn đã kết hợp những mẩu chuyện nhỏ sinh động và mở ra góc nhìn thoáng qua về cuộc sống của người nhập cư ở thành phố New York trong những năm 1930, 1940 và 1950. Trong thời điểm thế giới lo ngại về sức ảnh hưởng của Đệ tam đế chế thì Superman, ngay từ khi ra mắt vào năm 1938, đã được độc giả đón nhận và coi là một đồng minh kiên định của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị áp bức. Năm 1940, tạp chí Look đã đăng một truyện tranh có tiêu đề “How Superman Would End the War (tạm dịch: Siêu nhân sẽ kết thúc chiến tranh như thế nào)”. Trong tác phẩm này, Jerry Siegel và Joe Shuster đã khắc họa Superman điều khiển các khẩu pháo của Đức và nghiền nát cánh quạt máy bay, trước khi lao qua mái nhà nơi Hitler rút lui.
Thông qua những câu chuyện hấp dẫn, đan xen này, độc giả thấy được nhiều góc mới của xã hội Mỹ, biết được sự ra đời của Superman và đứa con nuôi bị bỏ rơi Norma Jeane Mortenson (tên thật của Marilyn Monroe) trở thành ngôi sao lớn nhất thế giới. Tất cả toát lên sự đặc biệt của nước Mỹ.