Hội sách Quốc tế Indonesia diễn ra vào tháng 9/2019 cùng sự kiện quan trọng của ngành xuất bản Indonesia là festival văn hóa đọc Indonesia Literaction Festival 2019. Litbeat (Literaction Festival) được tổ chức bởi Ủy ban Quốc gia Indonesia về sách (National Book Committee).
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Litbeat được tổ chức, chủ đề năm nay là “What’s Next” bàn về tương lai của sách và ngành xuất bản với sự tham gia của các chuyên gia, khách mời đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới. Ban tổ chức (BTC) muốn học hỏi và tạo cảm hứng để thúc đẩy văn hóa đọc tại Indonesia.
Tôi thật may mắn được mời làm diễn giả của một tọa đàm có tên là “Paving the streets with books”, tạm dịch là “Lát kín các con phố bằng sách”.
Thị trưởng Jakarta gặp gỡ các đại biểu. |
Bản trình bày của tôi thật đơn giản và thật tâm về những trải nghiệm của chính mình, với những gì mình đã và đang làm, đã thấy và biết rất rõ ngay tại Việt Nam. Tôi nói về các chương trình mà chúng tôi đã làm như Reading Tour, Reading Books Together và nhà sách Bản quyền đầu tiên tại Việt Nam, về các lớp đọc sách siêu tốc mà chúng tôi đã giảng dạy.
Tôi nói về các dự án đang triển khai rất tốt ở Việt Nam như Không gian đọc, Sách và Hành động, Điểm đọc… Tôi giới thiệu về Đường Sách, Phố Sách tại TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột. Tôi nói về mong muốn và kế hoạch sớm có quỹ khuyến đọc, luật khuyến đọc, bảo tàng sách và văn hóa đọc tại Việt Nam.
Tôi cũng bám sát ý tưởng của chủ đề “What’s Next”, rằng liệu trong tương lai có thể thiết kế một thành phố dựa trên các hoạt động đọc sách hay không. Rằng thế giới đã có 2 giải thưởng đặc biệt để trao cho các thành phố đẩy mạnh văn hóa đọc là Thủ đô Sách Thế giới (World Book Capital) và Thành phố Văn chương (City of Literature).
Rõ ràng UNESCO và cả thế giới đang nỗ lực để việc đọc được quan tâm và đẩy mạnh. Những người tâm huyết với tương lai của văn hóa đọc đang thật sự rất cầu thị lắng nghe và học hỏi từ các nỗ lực của các thành phố, các tập thể và cá nhân trên thế giới. Rõ ràng chính phủ và ngành xuất bản Indonesia thông qua Litbeat tìm cách để các thành phố của quốc gia với 17.000 hòn đảo này tăng cường hoạt động đọc đến tận từng cộng đồng.
Ngay sau khi buổi diễn thuyết kết thúc, người của tòa thị chính Jakarta đến nói Thị trưởng Jakarta muốn gặp riêng tôi tại phòng làm việc của ông lúc 16h và muốn tôi trình bày lại bài nói chuyện của tôi thêm một lần nữa.
Đi cùng tôi có chị Laura Prinsloo - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Indonesia - và 2 quan chức khác của ngành xuất bản Indonesia.
Thị trưởng Anies Baswedan cười rất tươi và bắt tay tôi rất thân mật. Ông nói chuyện bằng tiếng Anh, với giọng nói ấm, rằng ông rất ấn tượng về bài trình bày về khuyến đọc của tôi. Rằng ông đã nghe toàn bộ và nghĩ rằng có nhiều thứ để học. Ông đề nghị tôi ngay bây giờ trình bày lại một lần nữa cho tất cả các quan chức Thủ đô Jarkarta nghe.
Ông nói thêm rằng trong thành phố Jakarta đã có tới 10 triệu dân, nếu tính cả vùng lân cận thì dân số đã là 30 triệu. Và ông rất quan tâm đến văn hóa đọc, đến khuyến đọc. Rằng những gì ông nghe tôi trình bày sáng nay có thể học được để ứng dụng tại Jakarta. Tôi cảm nhận rất rõ sự ủng hộ văn hóa đọc của ông.
Ông kể rằng 2 năm trước đã đến Hà Nội và rất thích Việt Nam. Ông muốn sẽ đi Việt Nam sớm nhất và được tôi dẫn đi thăm Hà Nội và TP.HCM.
Tham gia buổi nói chuyện có William Sabandar, giám đốc hệ thống giao thông MRT Jakarta và ông Arief Nasrudun phụ trách kinh tế của thành phố và một người phụ trách 5 thư viện của thủ đô Jakarta.
Ngay sau khi kết thúc phần trình bày là phần trao đổi. Tất cả cùng bàn về khuyến đọc ở Jakarta. Tôi gợi ý mỗi ga tàu điện ngầm MRT của Jakarta nên có một không gian đọc sách miễn phí. Tôi gợi ý Jakarta nên có Phố Sách. Các lãnh đạo có vẻ băn khoăn chưa tìm ra một con phố nào phù hợp như Hà Nội và TP.HCM nên tôi gợi ý có thể xây dựng Vườn Sách (Book Garden) hoặc Không gian Sách (Book Space) chứ không nhất thiết là Book Street. Tôi rất thích các thư viện mở (Open Libraries) hiện nay. Chúng tôi bàn về các hoạt động để thúc đẩy văn hóa đọc ở các cộng đồng dân cư, các trường học, cơ quan và các gia đình. Nhiều ý kiến cùng được đưa ra và bàn bạc.
Thị trưởng Jakarta gặp gỡ TS Nguyễn Mạnh Hùng. |
Buổi tối ngày chia tay Indonesia, Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan chiêu đãi tiệc. Ông gặp gỡ tất cả các khách mời, diễn giả từ khắp thế giới đã đến với Jakarta, đến với Festival Litbeat, đến với Hội sách Quốc tế Indonesia, đến với Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản ASEAN.
Trước khi rời tiệc chiêu đãi, Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan lại tìm đến tôi. Ông đưa danh thiếp của ông cho tôi. Ông nói muốn cử đoàn lãnh đạo Jakarta đi Việt Nam sớm nhất. Ông nói rằng, không chỉ ông mà các lãnh đạo thành phố Jakarta rất quan tâm đến sách và tri thức, và đang tìm mọi cách để thúc đẩy văn hóa đọc ở đây. Chúng tôi nói nhiều chuyện về khuyến đọc. Tôi cảm nhận rất rõ sự ủng hộ văn hóa đọc của ông.
Tôi rời Jakarta về TP.HCM và bay về Hà Nội. Hình ảnh của Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan, một lãnh đạo có tầm nhìn cho tri thức và tận dụng mọi cơ hội để học hỏi cứ hiện trong đầu tôi. Tôi thấy một hình ảnh đẹp khi người đứng đầu một thành phố lớn mà lại bước vào một buổi tọa đàm và lặng lẽ ngồi bên dưới để nghe, không ai biết. Đơn giản ông muốn là một khán giả, muốn được nghe để học hỏi.