Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện tội phạm có thật mà Harper Lee từng viết

Từ vụ án gây tò mò những năm 1970, Harper Lee đã cố gắng viết một tiểu thuyết đặt tên là "The Reverend", nhưng đến nay, bản thảo của tác phẩm vẫn chưa được tìm thấy.

Harper Lee là nữ nhà văn được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết đầu tay Giết con chim nhại, được xuất bản khi bà mới 34 tuổi. Cuốn sách đã bán được hàng triệu bản, đạt giải Pulitzer năm 1961. Sau đó con chim bặt tiếng hót - nữ nhà văn không cho ra đời thêm cuốn sách nào nữa. Cho đến năm bà 89 tuổi (một năm trước khi qua đời), mới có thêm cuốn sách thứ hai của Harper Lee được xuất bản: Go Set a Watchman

Thực ra, vào thập niên 70 của thế kỷ trước, đã có một câu chuyện khiến bà ám ảnh và cầm bút trở lại. Bà nỗ lực trong nhiều năm trời nhưng cuốn sách vẫn không thể ra đời. Nữ nhà văn trẻ Casey Cep dành nhiều thời gian để nghiên cứu và viết tiếp câu chuyện mà tiền bối Harper Lee từ bỏ.

Harper Lee tung viet ve mot vu an noi tieng anh 1
Harper Lee. 

Nhân vật chính của câu chuyện là Willie Maxwell, sinh ra tại Alabama năm 1925. Maxwell tham gia quân ngũ và trở thành kỹ sư hàng không trong một căn cứ quân sự ở Utah trong Thế chiến II. Năm 1947, ông quay trở về, lập gia đình, làm đủ thứ nghề và cũng giữ vai trò là một linh mục. Mọi người thường tôn kính gọi ông là “Đức Cha Maxwell.”

Sau đó, vào ngày 3/8/1970, trong một chiếc xe bên lề đường, cảnh sát phát hiện thi thể vợ của ông trong tình trạng “bị sưng vù và bầm tím, mặt có nhiều vết rách, xương hàm bị vỡ, mũi lệch”. Các thám tử kết luận thủ phạm cố gắng bóp cổ Mary Lou Maxwell nhưng thất bại, nên đã đánh cô tới chết. Vụ án không tìm ra ai là hung thủ, hắn ta dọn sạch mọi dấu vết xung quanh xác chết.

Mọi bằng chứng đều chống lại Đức Cha. Một người hàng xóm khai rằng nạn nhân đã đến nhà mình vào đúng đêm cô bị giết, kể rằng xe của chồng cô bị hỏng và cô phải đi đón. Điều tra cho thấy, Maxwell có thói quen tiêu xài phung phí, đang phải gánh những món nợ lớn. Vợ ông có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giá trị đáng kể mà người thụ hưởng duy nhất lại là Maxwell.

Một thời gian sau, tòa tuyên Maxwell vô tội. Sau đó, Maxwell kết hôn với người phụ nữ hàng xóm từng tố cáo mình. Ngay trong năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, Đức Cha đã mua ít nhất 17 hợp đồng bảo hiểm cho vợ mình. Vào thời điểm xác chết của người vợ thứ hai được tìm thấy, ông thu về được khoảng nửa triệu USD tiền bảo hiểm.

Harper Lee tung viet ve mot vu an noi tieng anh 2
Bài báo về Maxwell. Ảnh: nypost.

Đức Cha mau chóng trở nên nổi tiếng. Nỗi sợ hãi lan rộng, những lời đồn đoán bay ra, trừ những người phụ nữ tội nghiệp vẫn quyết định đến với Maxwell, thì ai ai cũng nghĩ rằng ông ta là một phù thủy có tà phép.

Câu chuyện ngày càng trở nên gay cấn khi ngày càng nhiều xác chết được tìm thấy. Hai người vợ, một anh trai, một cháu trai, một người hàng xóm, và cuối cùng là cô con gái riêng của Maxwell - Shirley Ann Ellington - chết trong hoàn cảnh khá giống nhau. Trong đám tang Ellington, tại nhà nguyện, một trong số những anh chị em của cô đã chỉ tay vào Maxwell và nói: Hỡi người đã giết em gái ta, bây giờ người phải trả giá cho nó. 

Trước khi bất cứ ai trong nhà nguyện có thể phản ứng, một người đàn ông trong nhà nguyện rút khẩu súng lục ra bắn ba phát vào đầu Maxwell. Maxwell đã cố lấy khăn tay ra để lau máu, nhưng ông ta đã chết trước khi chiếc khăn trắng chạm vào dòng máu đỏ. 

Robert Burns - người đàn ông đã bắn súng - ở lại trong nhà nguyện trong khi mọi người sợ hãi bỏ chạy. Khi cảnh sát tới, ông ta thú nhận hành động của mình. Thời gian sau, trong phiên tòa xử Robert Burns, chính vị luật sư bào chữa cho Maxwell trong các vụ án trước đó đã bảo vệ thành công cho Robert Burns, và ông này được trả tự do.

Harper Lee dành nhiều năm trời để viết cuốn sách này, định đặt tên nó là The Reverend (Đức Cha). Nhưng tới nay, tác phẩm vẫn chưa ra mắt bạn đọc. Nhiều giả thiết được đặt ra, có thể Harper Lee đã bỏ cuộc, không viết hết tác phẩm, nhưng cũng có thể bà đã hoàn thành nhưng bản thảo bị thất lạc. 

Harper Lee và nguyên mẫu Atticus Finch trong ‘Giết con chim nhại'

Cuốn sách “Atticus Finch: The Biography” sẽ giải mã cuộc đời của vị luật sư đáng kính của Harper Lee nói riêng và nước Mỹ nói chung. ​



Nguyệt Minh

Bạn có thể quan tâm