Xuất phát từ sự kiện có thật ở Trung Quốc, nhà văn Diêm Liên Khoa đã viết tiểu thuyết Đinh Trang mộng. Nhưng mộng ở đây không mang ý nghĩa của sự đẹp đẽ, mơ màng. Mà mộng ở đây có thể ngầm hiểu là sự xoay vần của “máu”. Máu thổi vào thôn làng nằm khuất sâu trong bình nguyên xa xôi sự giàu có giả tạo; rồi cũng chính máu biến nơi đây thành mảnh đất hoang tàn, lạnh lẽo.
Những con người già có, trẻ có, nam có, nữ có, vì căn bệnh AIDS lần lượt rủ nhau đi vào cõi khác. Cuối cùng chỉ còn lại một cái tên Đinh Trang ít người còn nhớ đến, một câu chuyện gắn liền với máu, và một tên người không thể không nhắc là Đinh Huy.
Đầu nậu máu và bán quan tài
Đinh Huy là đầu nậu máu đầu tiên, cũng là đầu nậu máu lớn nhất tại Đinh Trang; trong những ngày mà người dân Đinh Trang bán máu đến phát điên. Hàng chục trạm máu ra đời, từ trạm máu của công an huyện, trạm máu của Phòng Giáo dục, trạm máu Quân đội, trạm máu Phòng Truyền thông…
Không khí náo nức vì máu hiện diện khắp nơi, trong thôn chỗ nào cũng vương vất mùi máu tanh. Chưa bao giờ việc kiếm tiền phát tài lại dễ dàng đến thế, chỉ cần đưa tay ra, chờ đủ số lượng máu lấy rồi lấy tiền. Người người đi lại trên đường thôn như mắc cửi, ai ai cũng vui mừng vì tương lai sán lạn phía trước.
Tiểu thuyết Đinh Trang mộng phát hành tại Việt Nam qua bản dịch của Minh Thương. |
Nhưng rồi cái không khí náo nức ấy cũng qua đi rất nhanh, vì máu lấy theo độ tuổi, nhóm máu, tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nên tháng này ở Đinh Trang, tháng sau đã ở thôn Liễu, Hoàng Thủy, hoặc thôn Lý Nhị. Việc bán máu như thế quá ư bất tiện, thêm nữa, cả tháng mới bán được máu một lần rất khó gom đủ tiền xây nhà, sắm sửa đồ đạc.
Cái cảnh “đang bưng bát cơm, vừa ăn, vừa uống, vừa giơ cánh tay lên không trung, để một bình máu treo dưới đai lưng, cuối cùng ăn xong cơm, bình máu được hút đầy, tiền cũng nhận liền tay… Khi đi làm đồng tiện đường rẽ ra trạm máu bán một bình máu đỏ tươi” cũng không còn nữa.
Giữa lúc mọi người đang băn khoăn về con đường bán máu làm giàu của mình thì Đinh Huy từ thành phố về vác theo kim tiêm, ống tiêm, bông khử trùng, bình thủy tinh đựng máu, dựng lên Trạm máu họ Đinh. Tuyên bố mua đắt hơn năm đồng mỗi bình máu so với chính phủ, bất cứ ai muốn bán máu, vào bất cứ thời gian nào đều có thể đến. Nhân viên trạm máu chính là Đinh Huy, em trai Đinh Lượng, em dâu Tống Đình Đình cùng vài cô gái nhanh nhẹn được dạy cấp tốc về khử trùng, lấy máu và tiếp khách.
Với phương châm “Không phải họ nên bán bao nhiêu thì bạn lấy bấy nhiêu, mà là họ muốn bán bao nhiêu thì bạn lấy bấy nhiêu”, trạm máu nhà họ Đinh làm ăn ngày càng phát đạt. Các trạm máu tư trong thôn mua máu xong không biết bán đâu lại bán tất cả cho nhà họ Đinh.
Máu lấy ra khỏi người đựng trong túi được đổ vào chậu lớn, đổ thêm bia vào, khuấy đều, đợi hương lúa mạch trong bia biến hẳn thành mùi màu thì đóng vào các túi to năm nghìn cc. Máu này xong đóng vào hòm đem bán, để làm chế phẩm huyết tương hoặc truyền cho người bệnh. Các túi máu to nhỏ, lớn bé đều được đem ra ao giặt chờ hôm sau dùng tiếp. Kim tiêm cũng vậy, một kim tiêm có thể dùng cho nhiều người mà không cần khử trùng.
Khi bệnh AIDS ập đến với Đinh Trang qua việc bán máu. Những câu đối trắng ở những cổng nhà có người chết ngày một nhiều lên. Đầu tiên còn viết chữ, sau chỉ là những tờ giấy trắng không chẳng buồn thay nữa, mặc gió mưa, mặc những người chết cứ chết. Đến lúc này với quyết tâm rời khỏi Đinh Trang để chuyển lên thành phố Đinh Huy lên huyện gặp huyện trưởng Cao, người trước đây là trưởng phòng giáo dục từng về Đinh Trang vận động bán máu làm giàu.
Nay huyện trưởng Cao là người phụ trách Hội người mặc bệnh nhiệt trong huyện. Mỗi người chết vì bệnh nhiệt (AIDS) đều được huyện trợ giúp cho một chiếc quan tài sơn đen. Đinh Huy từ sau cuộc gặp này bỗng trở thành Phó chủ nhiệm Ủy ban bệnh nhiệt huyện, đồng thời là người bán quan tài cho toàn huyện.
Đáng ra mỗi người chết vì AIDS đều được một chiếc quan tài miễn phí thì nay đều phải mua với giá hai trăm đồng một cỗ. Thế mà người dân khắp các thôn trong huyện ai ai cũng biết ơn chính phủ, biết ơn Đinh Huy, vì một cỗ quan tài như thế bán ngoài thị trường là từ bốn đến năm trăm đồng, thì nay lại được mua giá gốc hai trăm.
Chưa kể quan tài làm ra không đủ bán vì người chết bệnh quá nhiều. Mà nhà nào cũng có người bệnh, cũng muốn mua được vài chiếc về để phòng sẵn. Vì ai chẳng biết AIDS là chết, không nay thì mai, có chữa được đâu. Chết mà không có được chiếc quan tài tử tế chôn cất thì chết cũng chẳng được yên.
Phối hôn cho người âm
Sau khi người chết vãn, đủ tiền chuyển cả nhà lên thành phố, từ việc bán quan tài Đinh Huy chuyển sang phối âm hôn cho những người chết vì bệnh nhiệt (bệnh AIDS) trong toàn huyện. Phối âm hôn ở đây là đám cưới ma, là sự kết duyên giữa hai người đã chết hoặc một người vừa chết, một người còn sống.
Bắt đầu từ việc thống kê xem có bao nhiêu người chết vì bệnh nhiệt chưa có gia đình trong các thôn toàn huyện. Nam bao nhiêu, nữ bao nhiêu, nghề nghiệp, học vấn lúc sống, rồi nộp ảnh, không có ảnh thì phải miêu tả lại khái quát tướng mạo. Mỗi đôi kết duyên âm thành công thu về hai trăm đồng hôn phí.
Tiểu thuyết dựa trên chuyện có thật ở làng Wenlou, Hà Nam, Trung Quốc. |
Đỉnh điểm của việc kết âm hôn này là Đinh Huy kết cho con mình tên Tiểu Cường với Lăng Tử con gái huyện trưởng. Lăng Tử lớn hơn Tiểu Cường, trên chân có khiếm khuyết bẩm sinh, lại còn bị động kinh, dăm ba bữa lại nổi cơn một lần. Theo lời Tiểu Cường: “Nó vì là động kinh mà rơi xuống nước chết đuối, lần kết duyên âm này, nó là hồn nữ xấu nhất, nhưng mà bố lại kết duyên nó cho tôi”.
Tất cả mọi việc Đinh Huy làm đều chỉ vì một chữ tiền. Tiền của Đinh Huy chất đầy ứ một phòng, chỗ nào cũng là tiền, xếp tiền như xếp gạch. Rải tiền, bày tiền giống như rải gạch, bày gạch.
Tiền nhiều, đồng thời Đinh Huy cũng phải chịu quả báo về những việc làm sai trái của mình. Như đứa con trai Tiểu Cường 12 tuổi cũng bị người trong Đinh Trang hạ độc mà chết. Em trai Đinh Lượng, em dâu Dương Linh Linh vì bán máu, nhiễm bệnh nhiệt mà chết. Khi chết chôn rồi còn bị trộm mộ.
Vợ cũ của em trai là Tống Đình Đình cùng con là Tiểu Quân cũng phải bỏ Đinh Trang mà đi về nhà mẹ đẻ ở. Rồi cuối cùng, đến mạng của mình Đinh Huy cũng không giữ được, bị chính bố đẻ mình lấy để trả lại cho những người sống, người chết ở Đinh Trang.