Người phụ nữ mặc áo vest vàng ngồi trên ghế với vẻ mặt thất thần. Áo sơ mi của cô rách toạc và máu chảy trên mặt. Ảnh: Ketevan Kardava |
Máu chảy xuống khuôn mặt người phụ nữ khi cô nhìn quanh với vẻ đau đớn và hoảng sợ tột độ. Cô đánh mất một chiếc giày, còn áo sơ mi rách toạc sau hai vụ đánh bom khiến ít nhất 14 người thiệt mạng tại sân bay Zaventem, thành phố Brussels hôm 22/3.
Chỉ trong vòng vài giờ, bức ảnh đã trở thành hình ảnh biểu tượng của vụ tấn công khủng bố ngày 22/3. Ketevan Kardava, một phóng viên của mạng lưới truyền hình Georgia, là tác giả bức ảnh. Bức ảnh được đăng và chia sẻ khắp thế giới với tốc độ chóng mặt và xuất hiện trên trang nhất của nhật báo New York Times.
Theo Time, Kardava đang trên đường tới thành phố Geneva, Thụy Sĩ để đưa tin về cuộc đàm phán giữa quan chức Nga và Georgia thì vụ đánh bom ở sân bay Zaventem xảy ra.
"Những cánh cửa và cửa sổ bắn tung lên không trung sau tiếng nổ. Bụi và khói bao trùm khắp nơi. Hàng chục người xung quanh tôi bị bom tiện mất chân, ngã gục trên vũng máu", Kardava kể.
Phản xạ đầu tiên của Karvada là nhìn xuống chân mình. "Tôi không thể tin tôi vẫn còn chân. Tôi vô cùng sốc", cô cho biết. Chưa tới một phút sau, tiếng nổ thứ hai vang lên và mọi người chạy tán loạn.
"Tôi cũng muốn chạy tới một nơi an toàn, nhưng tôi cũng muốn chụp ảnh. Là một nhà báo, nhiệm vụ của tôi là chụp những bức ảnh để thế giới biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi biết tôi là nhà báo duy nhất tại hiện trường", cô nhấn mạnh.
Nhân vật trong ảnh đầu tiên của Karvada là người phụ nữ mặc áo vest vàng. "Cô ấy bị sốc nặng, không thể nói lời nào. Tôi không nghe thấy tiếng khóc hay tiếng súng. Người phụ nữ ấy nhìn xung quanh với vẻ mặt hoảng sợ", Karvada mô tả.
Nữ phóng viên không hỏi tên của người phụ nữ. Cô chụp ảnh một nạn nhân khác - một cựu vận động viên bóng rổ Bỉ - trước khi rời khỏi sân bay. "Sau khi rời khỏi đó, tôi tới một nơi an toàn hơn. Tôi hy vọng họ ổn và sẽ vượt qua khó khăn", cô nói.
Giờ đây Karvada trăn trở với câu hỏi: "Việc gì sẽ xảy ra tiếp theo?". Trong vài ngày tới, cô sẽ ở lại Brussels để tường thuật tình hình. Cô biết cô sẽ phải quay lại sân bay Zaventem. "Tôi không dám tưởng tượng lúc tôi trở lại phi trường. Đó là việc rất khó khăn với tôi", cô thừa nhận.
Ngày 22/3, các vụ tấn công bằng bom ở Brussels khiến 34 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Các địa điểm bị tấn công đều là những khu vực quan trọng ở thủ đô Bỉ, bao gồm sân bay quốc tế Zaventem và trạm tàu điện ngầm gần trụ sở Liên minh châu Âu.
Vụ khủng bố Brussels xảy ra không lâu sau khi nghi phạm chính cuộc tắm máu Paris (Pháp) đêm 13/11/2015 bị bắt giữ, làm dấy lên suy đoán về âm mưu trả thù và nguy cơ khủng bố đang mở một cuộc “chiến tranh du kích” chống phương Tây ngay giữa lòng châu Âu.