Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện bi kịch về cảnh sát Hàn Quốc là người chuyển giới

“Man on High Heels” là tác phẩm Hàn Quốc kết hợp chất bạo lực trong phim noir với câu chuyện về người đàn ông khao khát trở thành phụ nữ.

Ngày 3/3, Byun Hee Soo, binh sĩ chuyển giới đầu tiên tại Hàn Quốc, được phát hiện đã chết tại nhà riêng. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin nguyên nhân tử vong chưa được xác định, nhưng không loại trừ khả năng cô đã quyên sinh.

Byun Hee Soo nhập ngũ năm 2017, tới năm 2019 thì tiến hành phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. Năm 2020, cô bị buộc giải ngũ sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định việc không còn bộ phận sinh dục nam của Byun là khiếm khuyết trên cơ thể. Cô cũng trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực mạng.

Sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBTQ là vấn đề nan giải trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại Hàn Quốc, không riêng gì quân đội. Câu chuyện này đã từng được thể hiện trong nhiều bộ phim, trong đó có Man on High Heels (2014).

Chuyện kể về chuỗi ngày sống trong dằn vặt, đau đớn của một nam cảnh sát với ước mơ làm phụ nữ.

Tham tu giay cao got anh 1

Cha Seung Won vào vai gã cảnh sát bạo lực, cộc cằn trong Man on High Heels.

Người đàn ông mang hai thân phận

Man on High Heels là bộ phim hành động, hài kịch đen của biên kịch kiêm đạo diễn Jang Jin. Chuyện phim xoay quanh Yoon Ji Wook (Cha Seung Won), một cảnh sát chuyên điều tra các vụ án mạng.

Danh tiếng, gắn liền với các vụ án được Ji Wook làm sáng tỏ, cũng lớn như tai tiếng mà các hành vi bạo lực với nghi phạm của anh gây ra. Đồng nghiệp kính nể Ji Wook, trong khi giới tội phạm phải nhìn anh dè chừng.

Nhưng ít ai biết đằng sau vẻ ngoài nam tính và thô ráp ấy là bí mật động trời mà Ji Wook bằng mọi giá phải che giấu. Sinh ra là nam giới, nhưng từ niên thiếu, anh đã khao khát được sống như một phụ nữ. Ji Wook càng cố gắng đè nén, xóa bỏ nhu cầu ấy, khát vọng lại càng bùng lên mạnh mẽ, cháy bỏng.

Đến một thời điểm, Ji Wook quyết định tìm kiếm sự trợ giúp của y học để sống đúng với bản ngã của mình. Tuy nhiên, khi anh quyết định từ chức để theo đuổi kế hoạch phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì biến cố mới lại ập tới.

Một băng đảng tội phạm từng bị Ji Wook triệt phá đã lên kế hoạch trả thù tinh vi, ép tay thanh tra lão làng vào chỗ chết. Lần lượt, đồng nghiệp, bạn bè Ji Wook trở thành con mồi của kẻ thủ ác. Khi tính mạng Jang Mi (Esom), tay trong của Ji Wook, bị đe dọa, anh nhận ra mình không thể khoanh tay đứng nhìn thêm được nữa.

Bộ phim không được lòng khán giả Hàn Quốc

Man on High Heels là tác phẩm đánh dấu sự quay trở lại của đạo diễn kiêm biên kịch tài năng Jang Jin với màn ảnh rộng sau thời gian tập trung phát triển mảng hài kịch truyền hình. Nam chính Cha Seung Won của phim cũng thuộc nhóm tên tuổi ăn khách, được đánh giá cao về diễn xuất.

Tuy nhiên, những vấn đề nhức nhối xoay quanh cộng đồng người đồng tính, song tính hay chuyển giới vốn không phải chủ đề yêu thích của công chúng xứ sở kim chi. Do đó, một bộ phim với nhân vật chính đến từ cộng đồng LGBTQ+ khó có sức lan tỏa rộng rãi.

Tham tu giay cao got anh 2

Mans on High Heels khai thác những góc khuất trong cuộc đời người đàn ông bị giằng xé giữa trách nhiệm và ước mơ được sống là chính mình.

Khi ra rạp hồi tháng 6 năm 2014, Man on High Heels đã bị lu mờ trước hai tác phẩm nội địa cùng khai thác thể loại hành động khác là A Hard DayNo Tear for the Dead. Theo thống kê của Korean Film, trong tuần đầu công chiếu, Man on High Heels đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng phim ăn khách, thu hút 272.800 lượt khán giả tới rạp thưởng thức, thu về hơn 2 triệu USD.

Dù xoay quanh những vấn đề của một người đàn ông chuyển giới, phần lớn thời lượng Man on High Heels vẫn tập trung vào yếu tố hành động. Phim gây ấn tượng mạnh bởi những cảnh giao đấu đủ ác liệt để khiến khán giả rùng mình ghê sợ, nhưng cũng đủ hấp dẫn để khiến họ không thể rời mắt.

Thất bại trước định kiến xã hội

Trong Man on High Heels, số cảnh nhân vật do Cha Seung Won thủ vai giả gái không nhiều, nhưng đó đều là những khoảnh khắc tay cảnh sát cộc cằn thấy mình hạnh phúc nhất. Ở nửa đầu phim, Ji Wook đã mặc váy bó, trang điểm lòe loẹt, đội tóc giả, đi giày cao và ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng.

Dù thoáng qua, nhưng trong khoảnh khắc ấy, khán giả đã thấy ở anh nụ cười mãn nguyện. Hình ảnh Ji Wook bước từ bóng tối của hành lang vào buồng thang máy sáng rực nên được nhìn nhận như một khoảnh khắc của sự tỉnh thức.

Tham tu giay cao got anh 3

Cảnh trong thang máy là khoảnh khắc từ thiên đường rơi xuống địa ngục của Ji Wook.

Những phân cảnh đó cũng mang sức nặng tương đương cảnh nhân vật do Eddie Redmayne thủ vai trong The Danish Girl (2015) ngây người khi lớp vải của chiếc váy đạo cụ trượt đi trên cơ thể mình.

Cũng trong cảnh phim, khi Ji Wook chưa kịp tận hưởng hết niềm vui bé nhỏ, thì người ta bắt đầu ùn ùn kéo vào trong thang. Xấu hổ, ngại ngùng, anh đứng nép sát vào góc buồng, mặt quay vào tường. Rồi một người phụ nữ nhận ra có gì đó không bình thường dưới lớp váy khi chạm phải anh ta, rồi tất cả đều quay lại nhìn khi nhân vật cất tiếng “a lô” vào điện thoại.

Cây bút William Schwartz của HanCinema nhận xét dù bộ phim cố gắng xây dựng tình tiết Jin Wook giả gái bị mắc kẹt trong thang máy theo hướng hài hước, nó vẫn mang lại cho khán giả cảm giác chua chát nhiều hơn vui nhộn. Cảnh phim nhắc cho khán giả, và chính nhân vật, nhớ rằng bản sắc giới ấy với anh ta là một gánh nặng.

Bình luận về Man on High Heels, cây bút phê bình Anton Bitel của BFI viết: “Bằng bộ phim nhiều kịch tính, với điểm nhấn diễn xuất của Cha Seung Won, đạo diễn Jang Jin cùng lúc ca tụng và phê phán hình tượng nam tính trên màn ảnh Hàn.

Điểm mấu chốt trong câu chuyện này chỉ ra, thông qua việc nhân vật vẫn sống với giới tính sinh học của mình ở cuối phim, anh ta lựa chọn khoác lên mình vai diễn khác, giống như từng núp dưới lớp vỏ một gã cảnh sát ưa bạo lực. Dưới áp lực của xã hội, và gánh nặng quá khứ chẳng thể nào rũ bỏ, nhân vật đã chấp nhận thua trong cuộc đấu tranh để được sống là chính mình”.

Man on High Heels khép lại bằng một viễn cảnh yên bình. Người đàn ông Jin Wook nhìn thấy trên tấm thiệp cưới hình ảnh hai chiếc giày một nam, một nữ. Với cô dâu tương lai, đây là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi. Nhưng với Jin Wook, hai chiếc giày ấy lại ám chỉ cuộc đời anh bị chia làm hai nửa thể xác - tinh thần mãi mãi không thể sóng đôi.

Hàn Quốc rúng động vì cái chết của binh sĩ chuyển giới đầu tiên

Cái chết của trung sĩ Buyn Hee Soo đã khơi dậy làn sóng đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng người chuyển giới trước sự kỳ thị của xã hội và chính quyền Hàn Quốc.

Tài tử cưới vợ đại gia đầy sóng gió và lời nói dối suốt 22 năm

Cha Seung Won khiến khán giả bất ngờ khi thừa nhận đã giấu kín sự thật về cuộc hôn nhân với nữ đại gia Lee Soo Jin suốt 22 năm. Nam diễn viên nói dối để nuôi con riêng của vợ.

'Hoàng cung' được làm lại

15 năm sau "Goong", nguyên tác truyện tranh cùng tên của Hàn Quốc sẽ có phim chuyển thể thứ hai.

Anh Phan

Ảnh: Lotte

Bạn có thể quan tâm