Sinh ra giữa rừng ma
Ở xã Phú Vinh, xóm Ưng được liệt vào hàng có của ăn của để, thế nhưng các hủ tục, những tín ngưỡng thần linh, ma mị vẫn còn đè nặng lên tư tưởng của bà con nơi đây. Người xóm Ưng vẫn truyền tai nhau những câu chuyện ma quỷ rùng rợn ở cánh đồng thiêng, nó như một vùng đất "bất khả xâm phạm".
Thực chất đây là một khu đất có những ngôi mộ cổ từ rất lâu đời, ở đó có lời nguyền nếu xâm phạm sẽ bị ma ám, hồn ma đeo đẳng. Ngoài thầy mo thì chỉ có những người vô cùng gan dạ mới dám bén mảng đến cánh đồng đó, đêm đến tuyệt đối không có bóng người, họ sợ bị ma ám, ma nhập. Cũng vì lời nguyền đó mà cánh đồng mênh mông rộng lớn đó bỏ thành đất hoang, cây cối mọc um tùm, giờ đây người ta vẫn gọi là "cánh rừng ma".
Gần đây bà Đinh Thị Nhộn (59 tuổi) trở nên nổi tiếng khắp bản vì đã dám bỏ lời nguyền ma ám. Vốn là người bản địa, bà Nhộn thừa biết những câu chuyện ma quái mà cha ông kể lại. Bà Nhộn nói: "Từ nhỏ chưa từng được vào cánh đồng ma đó. Cũng biết có nhiều câu chuyện linh thiêng nhưng tôi cũng đã liều một lần đặt chân vào đó. Không ngờ lần đầu tiên vào đó tôi đã cứu được một sinh linh bé nhỏ".
Bà Nhộn còn nhớ như in vào giữa trưa ngày 29/4/2013, làm nương về bà tranh thủ nhặt rau cho lợn cạnh khu "cánh đồng ma". Giữa trưa, đang lúc trời đất lặng thinh bà Nhộn giật mình nghe tiếng trẻ con khóc ở "cánh đồng ma" vọng lại. Những tưởng mình phạm phải lời nguyền quỷ ám bà ném đồ bỏ chạy. Khi thục mạng bỏ chạy, bà Nhộn vẫn nghe tiếng trẻ con khóc rất thảm thiết.
"Tôi đã dừng lại, định thần thì đúng là tiếng trẻ con khóc. Tôi đã quyết liều mình đi sâu vào "cánh đồng ma" đó để xem thực hư thế nào", bà Nhộn kể lại.
Vừa đặt chân vào khu rừng cấm, cảm giác ớn lạnh chạy khắp cơ thể bà. Càng đi thì tiếng khóc của trẻ con càng rõ. Và rồi bà Nhộn giật mình dưới chân mình đầy những vết máu, mùi tanh nồng. Cứ thế lần theo vết máu, bà Nhộn đến được một cái hang nhỏ. Trước cửa hang có rất nhiều vết máu, một vài mảnh vải dính máu vương khắp nơi. Chưa định thần được việc gì đang xảy ra thì bà Nhộn lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc.
Bà Nhộn nhớ lại: "Lúc đó tiếng trẻ con khóc rất nhỏ, chỉ một tiếng cuối cùng rồi im bặt. Tôi hoảng loạn quá không biết đang xảy ra chuyện gì nữa".
Lấy hết can đảm, bà Nhộn tiến sâu hơn vào cửa hang thì thấy một bọc quần áo, lại có gì đó cựa quậy bên trong. Khi lôi cái bọc đó ra bà Nhộn thất thần nhận ra đó là một em bé sơ sinh bị bỏ rơi. Định bụng sẽ chạy về nhà gọi người đến giúp nhưng vì sợ đứa bé sẽ không qua khỏi, hoặc bị thú rừng ăn thịt, cứ thế bà lôi đứa bé ra khỏi hốc đá, thấy hơi người đứa trẻ sơ sinh khóc ngày một to hơn. Thế rồi bà ôm đứa bé còn đỏ hỏn chạy một mạch về Trạm y tế xã Phú Vinh để cầu cứu.
"Lúc đó tôi lôi thằng bé trong hốc đá ra nên bị trầy xước hết cả mặt. Có lẽ vì mẹ nó tự đẻ lấy nên thằng bé bị gãy chân trái, dây rốn còn chưa cắt nữa. Nhìn thằng bé lúc đó tất cả nhân viên ở trạm y tế xã không ai cầm được nước mắt", bà Nhộn vừa khóc vừa nhớ lại.
Ngay sau khi tìm được đứa trẻ sơ sinh, sự việc đã được báo lên chính quyền xã để xử lý. Lúc đó ông Đinh Trọng Thực, Bí thư Đảng ủy xã Phú Vinh người trực tiếp chỉ đạo sự việc này. Trước khi tìm hiểu nguồn gốc của cháu bé, ông quyết định đặt tên cho cháu bé trai được "sinh" ra từ núi đó tên Chiến Thắng.
Ông Thực chia sẻ: "Ngày tìm được cháu là ngày 29/4, hôm sau sẽ kỷ niệm 30/4 nên tôi đặt cháu là Chiến Thắng. Hơn nữa cái tên đó cũng để thể hiện sự may mắn, nghị lực phi thường của cháu. Cháu đã chiến thắng được thần chết trở về với bản làng".
Khoảng vài giờ sau khi tìm thấy cháu bé, danh tính của người đàn bà đang tâm ném con giữa rừng cũng dần hé lộ. Đó là một người phụ nữ không chồng trên địa bàn xã Phú Vinh. Có lẽ cảm thấy xấu hổ vì những sai lầm của mình, người đàn bà ấy đã bỏ lại đứa con mang nặng đẻ đau. Người đàn bà ấy nhất định không nhận lại đứa con tội nghiệp mình đã sinh ra trong rừng với một lý do vô cùng đơn giản: "không nuôi được".
Vì lời đồn ác quái chị Nhung và cháu Thắng không dám ra khỏi nhà. |
Đứa bé tội nghiệp mang tên "con ma rừng"
Phú Vinh là một xã miền núi, cách trung tâm huyện Tân Lạc không quá xa nhưng ở đây vẫn còn những quan niệm hết sức cổ hủ. Với họ những đứa trẻ đẻ rơi thường không mang lại may mắn, đặc biệt hơn nữa lại sinh vào chính trưa tại khu rừng ma. Họ cho rằng, đứa bé được bà Nhộn cứu về là hiện thân của ma quy, là con ma rừng mang lại những tai ương và bất hạnh cho dân làng.
Dù được cứu về từ nơi rừng sâu, được đặt tên nhưng cháu bé Chiến Thắng vẫn là đứa trẻ không nhà, không người thân. Thật may mắn lúc đó chị Đinh Thị Nhung vô tình nghe được câu chuyện kỳ diệu đó liền đến làm thủ tục xin cháu Chiến Thắng về nuôi.
Chị Nhung là người phụ nữ quá lứa lỡ thì, đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn chưa có được hạnh phúc riêng của mình. Cháu Chiến Thắng như thể định mệnh, như thể tương lai của chị.
Chúng tôi gặp chị Nhung trong một ngôi nhà ẩm thấp, quần áo trẻ con bày bừa khắp mọi nơi. Người làng bảo, từ ngày mang đứa bé về nuôi, chị ấy như trẻ ra cả chục tuổi.
Vừa cho bé Chiến Thắng ăn bữa trưa, chị Nhung vừa tâm sự: "Có một đứa con là ao ước cả đời tôi. Đã ngoài 50 tuổi rồi mong gì lấy được chồng và sinh con nữa. Tôi cũng đã từng đi cầu cúng thầy mo, thầy bảo rồi sẽ có con và có cả chồng. Từ ngày tôi đưa thằng Chiến Thắng về nhà nuôi lại có một người đàn ông nguyện ở với tôi, cùng tôi chăm sóc cháu Thắng. Chỉ cực nỗi, người ta cứ bảo thằng cu Thắng là con ma rừng, đem lại tai ương cho cả dân làng".
Khắp trong thôn ngoài bản đâu đâu người ta cũng rỉ tai nhau câu chuyện về "con ma rừng", tức cháu Chiến Thắng. Họ cho rằng, bé Chiến Thắng bị đẻ rơi ở bãi tha ma, ở nơi linh thiêng lại giữa trưa nên đã bị con ma rừng nó ám. Bé Chiến Thắng là hiện thân của những linh hồn vất vưởng không bến đậu. Đáng ra bé Chiến Thắng đã chết ngay từ khi bị mẹ vứt đi nhưng những linh hồn đó nhập vào thể xác của em, để về bản làng quấy nhiễu, đem lại tai ương cho gia đình, dòng họ và cả dân bản nữa. Cứ như thế tin đồn ngày một lan rộng khắp nơi, ai cũng nhìn bé Chiến Thắng với ánh mắt sợ hãi.
"Cuộc sống của mẹ con tôi đang êm ấm, thằng bé ngoan, lớn nhanh như thổi vậy mà ở đâu ra tin đồn ác ý như vậy. Mọi người đã không dám gần cháu bé, khinh miệt mẹ con tôi. Mẹ con tôi chẳng dám đi đâu nữa, chỉ loanh quanh trong nhà thôi. Càng nghĩ tôi càng đau lòng. Nó đã bị mẹ đẻ bỏ rơi rồi, nay lại còn mang trên mình cái tên "con ma rừng" nữa".
Chị Lý đang tâm vứt bỏ đứa con với lý do “không nuôi được”. |
Không chịu để mọi người khinh miệt, chị Nhung quyết định làm sáng tỏ xem lời đồn đó xuất phát từ đâu. Chị ngỡ ngàng nhận ra kẻ tung tin đồn đó chính là Đinh Công Tứa, em trai mình. Từ ngày chị Nhung đưa bé Chiến Thắng về nuôi, ngày nào Tứa cũng tụ tập rượu chè, rêu rao rằng chị gái đã đưa con ma rừng về ám gia đình anh.
Và công việc của Tứa làm ăn cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều lần gặp tai nạn bất ngờ. Rồi bao nhiêu trâu bò, lợn gà Tứa nuôi đều tự nhiên lăn đùng ra chết. Nếu không sớm đứa thằng bé đó đi chắc chắn sẽ còn nhiều tai họa nữa. Lần này không còn là những vật nuôi mà còn là người nhà, hàng xóm nữa.
Chị Nhung buồn bã nói: "Tứa rêu rao toàn chuyện rùng rợn nên mọi người trong bản cũng thấy hoang mang. Họ bắt đầu xa lánh mẹ con tôi. Tôi thấy buồn lắm, hai mẹ con chỉ còn biết đóng cửa ôm nhau mà khóc thôi". Vì suy nghĩ quá nhiều, chị Nhung đã phải nhập viện để điều trị. Dù hoàn cảnh khó khăn, đau ốm liên miên nhưng chị nhất quyết không từ bỏ đứa bé mà với chị nó như là định mệnh.
Em xấu hổ lắm
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn ngắn chị Định Thị Lý, người mẹ bỏ rơi đứa con vừa lọt lòng nơi rừng sâu.
- Lý do gì chị lại bỏ con trong hang sâu? Nếu bà Nhộn không nhặt được rất có thể con chị sẽ chết?
- Tôi có ý định vứt con đâu. Tôi định quay về gọi chị gái đến đón nó đấy chứ. Nhưng khi quay lại đã không còn rồi.
- Nếu không định bỏ nó thì đẻ xong tự chị cũng mang về được mà, cần gì phải đi gọi chị gái?
- (Cúi mặt) Tôi sợ bị mẹ mắng.
- Thế chị có bầu mẹ chị không biết à?
- Không đâu, không ai biết hết vì tôi ép bụng mà.
- Chị có chồng không?
- Không có nên mới sợ bị mọi người biết.
- Giờ thì mọi người cũng biết ai là mẹ của Chiến Thắng rồi. Chị có ngại không?
- Ngại chứ. Mọi chuyện vỡ lở, tôi thấy xấu hổ lắm.
- Từ khi bà Nhung nuôi bé Chiến Thắng, chị có vào thăm cháu lần nào không?
- Có chứ. Tôi cũng muốn nuôi cháu nhưng nhà nghèo lắm, không dám xin lại đâu. Nó ở đấy tốt hơn.