Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi đau hôn nhân cận huyết thống của tộc người thiểu số

Ngày anh em họ Tào A Lọ và Tào Me Xưởng bảo cưới nhau, cả gia đình cùng phản đối nhưng hai người đều bỏ ngoài tai. Cứ 100 cặp vợ chồng người Mảng thì có 20 cặp hôn nhân cận huyết.

Thiếu ăn không thể thiếu rượu

Một điều đáng lo ngại nhất của người dân tộc Mảng là số người không thích lao động, suốt ngày ở nhà uống rượu, hút thuốc lào khá nhiều. Ông Bí thư Phùng Mé Chờ kể cho chúng tôi những câu chuyện cười ra nước mắt. Có người dân ra ngoài xã nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để về làm kinh tế đã chẳng ngại ngần mua hết rượu mang về nhà tích trữ uống... dần.

Với người dân tộc Mảng, cho dù có đói ăn, nhưng rượu thì không thể thiếu. Hôm chúng tôi đến, người dân Mảng ở Hua Bum chưa vào vụ mùa. Những khu ruộng bậc thang vẫn còn trắng đất bạc màu, cùng những cây cỏ trắng khô, khẳng khiu, thiếu sức sống.

Rượu và thuốc lào là hai thứ không thể thiếu của người Mảng. Ảnh: T.G

Khi được hỏi chưa đến vụ mùa, người dân làm gì thì ông Lò A Phiên đã chẳng ngại ngùng: “Ở nhà chơi và uống rượu chứ làm gì đâu cán bộ”. Nói đến đây, lại nhớ lời của Bí thư xã Phùng Mé Chờ nói về người dân tộc Mảng: Dù được chính quyền tuyên truyền nhiều, mở rất nhiều cuộc tập huấn để bà con biết trồng trọt chăn nuôi, nhưng do nếp nghĩ, tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nên người Mảng chẳng biết làm ăn gì.

Nói rồi ông Chờ than, tiền nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế cũng nhiều đấy, nhưng người Mảng dường như chẳng biết những đồng vốn đó vào việc gì. Gần 10h trưa, nắng như đổ lửa, theo chỉ dẫn của Trưởng bản Lò A Biên, chúng tôi qua nhà Trình A Nhương (SN 1973). Đập vào mắt là một nhóm nam trung niên khoảng 4 - 5 người đang ngồi uống rượu với chút cá suối phơi khô.

Thấy khách lạ, Nhương ra tiếp nhưng không làm chủ được bước chân cũng như lời nói. Không đi làm, ngày nào cũng ngồi uống rượu như vậy, nên mới vừa qua tuổi 40, nhưng nhìn Nhương chẳng khác gì một người đàn ông ngoài lục tuần. Ngồi trò chuyện, Nhương bảo nhà nghèo lắm, mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho cái... tủ lạnh để có nước đá mát mà uống, có cái tivi để xem phim và cho gạo nhiều nhiều tí để không phải đói những lúc cuối vụ mùa.

Rời nhà Nhương, chúng tôi sang nhà Lò A Sen (SN 1982). Đến nơi, nhà Sen cũng đã có vài thanh niên ngồi chơi, rượu thịt cũng đã được chuẩn bị sẵn, chờ ăn. Cũng như nhà Nhương, gia đình Sen cũng nhiệt tình mời chúng tôi cùng ngồi chung vui. Câu chuyện rôm rả với khách xuôi, người ngược, rượu uống cạn chén chưa kịp đặt xuống đã được bồi thêm như cách nói của vài người ở đây: “Gạo có thể hết, nhưng rượu thì không bao giờ”.

Sau thời gian tìm hiểu thêm ở một số bản, chúng tôi quả thực thấy điều mọi người nói chẳng sai, hầu như nhà của người Mảng nào cũng có 4, 5 can rượu to ở góc nhà.

Bản Nậm Nghẹ cách bản Pa Cheo khoảng chục cây số, nhưng con đường vào đây còn khó khăn gấp 3, 4 lần so với bản Pa Cheo. Đến nhà Trưởng bản Lò A Tiêm khi ánh mặt trời vừa khuất bóng nhưng người già, trẻ nhỏ đã quây quần xung quanh mâm cơm với 3, 4 chai rượu rồi.

Những chiếc xe đắp chiếu ở bản Pa Cheo vì đưa vào được nhưng ra... không được.

Mời chúng tôi ngồi xuống, bố A Tiêm nói rằng, hôm nay có cán bộ nên phải vui, mà vui thì phải say mới quý. Hai cô gái ngồi bên cạnh, một là em gái Tiêm, một cô hàng xóm, tay bế cho con ngủ, tay với bát rượu uống ừng ực.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Tiêm bảo, ở đây trai gái đều biết uống rượu hết. “Đàn ông uống đàn bà không uống thì mất vui. Chồng uống mà vợ không uống thì buồn lắm”, Tiêm bảo vậy.

Không chỉ uống rượu, người Mảng còn rất "nghiện" thuốc lào. Từ đàn ông đến đàn bà, người trẻ đến người già, nam thanh hay bà bầu, người cho con bú đều coi thuốc lào như... món ăn không thể thiếu.

Chuyện về người Mảng nghiện thuốc lào nhiều nhất phải kể đến bản Pá Bon, xã Nậm Tì, huyện Nậm Nhùn. Bên ánh lửa bập bùng, dù đang cho con bú, nhưng Sìn Me Tén thỉnh thoảng lại châm lửa, rít thuốc lào, phả khói vào không trung một cách chuyên nghiệp. “Hút thuốc lào là do thói quen từ nhỏ rồi, còn hút liên tục vài điếu thì như thế mới... thích”, Tén cười nói.

Nỗi đau hôn nhân cận huyết thống

Có lẽ một trong những nỗi đau chưa biết bao giờ chấm dứt đối với người dân tộc Mảng là tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Là một trong những dân tộc với dân số ít nhất Việt Nam hiện nay (khoảng gần 4.000 người), cộng với tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, "nghiện" rượu và thuốc lào, cuộc sống của người dân tộc Mảng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Đối với người dân tộc Mảng, khi một đứa trẻ sinh ra được mang họ của bố, nên khi lớn lên, chỉ cần khác họ là có thể lấy được nhau, tuy nhiên, cũng có một số ít cùng họ vẫn thành vợ chồng. Từ quan niệm đó nên việc con anh trai lấy con em gái, con chị gái lấy con em gái và ngược lại là chuyện bình thường.

Mặc dù ở Việt Nam hiện nay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc ít người không còn nhiều, nhưng đối với người Mảng thì còn rất phổ biến. Hỏi về việc người Mảng kết hôn cận huyết thống, bà Lý Thị Chướng, Bí thư xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, cũng là người dân tộc Mảng ái ngại chia sẻ: “Dù chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền, động viên người dân không nên kết hôn cận huyết thống, nhưng do tập tục, thói quen và quan điểm bảo thủ của mình, nhiều người vẫn bất chấp hậu quả.

Tào Me Xưởng và đứa con trong cuộc hôn nhân cận huyết thống.

So với trước đây thì hiện nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã giảm đi rất nhiều, một số bản đã không còn nữa nhưng hậu quả thì vẫn kéo dài đến bây giờ”. Bà Chướng còn cho biết thêm, chính con của chị gái bà tên Chìn A Tơi cũng lấy con của em gái bà là Lý Thị Nhan. Hai người đã 40 tuổi, cưới nhau đã được vài chục năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có con.

Từ trung tâm xã, bà Chướng đưa chúng tôi đến bản Nậm Nó gặp Tào A Lọ và Tào Me Xưởng. Bố của Lọ là anh trai ruột của bố Xưởng. Ngày Lọ và Xưởng bảo cưới nhau, cả gia đình cùng phản đối, chính quyền xuống động viên, tuyên truyền nhưng Lọ và Xưởng đều bỏ ngoài tai.

Chia sẻ với phóng viên, Lọ bảo: “Yêu nhau thì lấy nhau chứ không biết hôn nhân cận huyết thống là gì, cũng không biết cưới nhau như thế sẽ sinh con ra dị tật cả”.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lai Châu (từ năm 2006-2007), tỷ lệ kết hôn cận huyết thống của người Mảng chiếm khoảng 20% nghĩa là cứ 100 cặp vợ chồng thì có đến 20 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài ra, tình trạng tảo hôn ở đây cũng rất phổ biến, chiếm tới 80%. Đồng thời, đây cũng là một trong những dân tộc có tuổi thọ thấp nhất của tỉnh (trung bình chỉ 50 tuổi). Nếu nói về nguyên nhân thì có nhiều nhưng hôn nhân cận huyết thống từ xa xưa để lại là một trong những nguyên nhân chính.

Chính vì tình trạng hôn nhân cận huyết thống nên ở người Mảng có tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng rất nhiều. Cả bản Nậm Nghẹ (xã Hua Bum) có ngót nghét 30 hộ dân thì có đến 7 cặp vợ chồng không có con, người lâu lâu đã ngót hai chục năm, ít cũng đã 3, 4 năm.

Chẳng hạn như vợ chồng Lò A Đương và Lò Me Nen (bản Nậm Nghẹ), mặc dù đã cưới nhau 5 năm nay nhưng hai vợ chồng vẫn chưa có con. Hỏi ra mới biết, bố của Đương và mẹ của Nen là hai anh em ruột.

Hôm chúng tôi đến, hai vợ chồng Lò A Đương đang ngồi ủ rũ trong nhà. Hỏi về con, Đương nói tiếng Kinh câu được câu không. Đương bảo: “Cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, cả đời chưa đi viện bao giờ mà không hiểu sao chẳng có con. Thèm đứa con mà chẳng đẻ được. Thầy cúng bảo do chúng tôi bị ma phạt nên chưa có con được”.

Cũng tại bản Nậm Nghẹ, chúng tôi gặp vợ chồng Tào A Hợi và Lò Me On. Mặc dù đã cưới nhau được 20 năm, tuổi đời cũng ngấp nghé 40 nhưng đến giờ hai vợ chồng không hiểu vì sao mình lại không đẻ con được như người khác.

Hỏi ra mới biết, bà ngoại của A Hợi và bà ngoại của Me On là hai chị em ruột. “Khác họ thì lấy được nhau thôi chứ. Ở đây cứ khác họ là được cưới nhau mà”, Lò A Hợi cười tủm tỉm nói.

Rời vùng đất biên viễn, từ xa xa nhìn lại, những ánh đèn leo lắt trên ngọn núi cao có người dân tộc Mảng đang sinh sống. Chợt nghĩ, không biết bao giờ họ mới “tỉnh ngộ”, mới xóa bỏ được những hủ tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ hàng chục, hàng trăm năm qua. Bao giờ trong những ngôi nhà của họ không còn những can đựng rượu nằm chỏng chơ góc giường, không còn sợ “con ma rau xanh, thịt sống” nữa?

http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ban-cua-nhung-nguoi-am-anh-boi-ma-phat-20140625023021547.htm

Theo Phùng Bình/ Gia đình Xã hội

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm