Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản của những người ám ảnh bởi 'ma' phạt

Cái gì người Mảng cũng sợ, nhưng ma là nỗi sợ thường trực từng ngày, từng phút. Dù bị bệnh tật, sinh đẻ, giỗ chạp, người dân nơi đây đều trông cậy vào thầy mo cả.

Gian nan đường đến... bản sợ ma

Từ thị trấn huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), chúng tôi ngược gần 100 km trên con đường đầy bụi bặm và ổ gà, ổ voi lởm chởm mới đến được trung tâm xã vùng biên Hua Bum.

Trước khi đi, chị Phạm Thị Yến, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nậm Nhùn lắc đầu quầy quậy: “Các em tính cho kỹ, đường lên đó rất khó đi. Bao nhiêu năm làm việc trên này nhưng chị cũng sợ tuyến đường này lắm.

Đường vào bản Pa Cheo, xã Hua Bum. Ảnh: T.G
Đường vào bản Pa Cheo, xã Hua Bum. Ảnh: T.G

Theo lời chị Yến, nếu không đến trước khi mặt trời lặn hoặc gặp trời mưa to thì chỉ có nước ngủ lại dọc đường vì tuyến đường lên Hua Bum không đơn giản chút nào. Đường này vừa nhỏ, lại chạy dọc sông Đà nên phải đi hết sức cẩn thận.

Trong ánh đèn khuya, nghe chúng tôi đưa ra mong muốn vào bản Pa Cheo để tìm hiểu cuộc sống của người dân tộc Mảng, Lò Thị Thưng, một cán bộ văn hóa xã hoảng hốt: “Ui chà, mưa thế này mai nhà báo đi là vất vả lắm đấy. Tuy đi bộ chỉ 3 km thôi nhưng mưa xuống, nước suối chảy xiết, đường bùn trơn và khó đi lắm đấy!”.

 Sáng mới 5h, Bí thư xã Hua Bum, ông Phùng Mé Chờ đã đến gõ cửa giục phải đi sớm. “Nếu đi muộn thì sợ tối nay các phóng viên phải ngủ lại trong bản đấy”, Bí thư Chờ nói vội. Để chuyến đi được thuận lợi, ông Lò A Lải – Phó Chủ tịch HĐND xã (là người Mảng) cùng một cán bộ bên địa chính tên Quân dẫn đường cho chúng tôi vào bản Pa Cheo.

Vừa đi ông Lải vừa động viên cả đoàn cố gắng đi nhanh, đồng thời cung cấp thông tin về điều kiêng kỵ, sợ hãi của dân tộc mình mà khách cần biết.

Con đường vào bản Pa Cheo chông chênh, nguy hiểm. Chúng tôi vừa phải vượt những con suối chảy xiết, bò trườn qua những tảng đá cao chót vót, những vách núi nhìn hun hút.

Đúng như miêu tả sự vất vả vào bản Pa Cheo trước đó, ông Lải kể rằng, cả bản muốn có cái máy xát lúa, có hộ gia đình gom góp được ít tiền, nhưng khi mua thì không biết mang về nhà bằng cách nào. Sau đó phải huy động đến gần 40 thanh niên trai tráng nhất, hì hục mất một ngày mới đưa được máy xát lúa vào bản.

Ấn tượng đầu tiên về bản Pa Cheo là nó nằm cao chót vót, được bao quanh bởi dòng suối Thượng và núi Pa Cheo. Và vì ít tiếp xúc nên người dân ở đây sợ người lạ, sợ ma, sợ thần thánh, sợ nhiều thứ.

Ngồi trò chuyện với Trưởng bản Lò A Biên, anh ái ngại, trong bản có 47 hộ dân thì tất cả đều thuộc diện nghèo, luôn u mê trong cái thế giới tâm linh “ma quỷ”. Chỉ với hơn 40 hộ dân, nhưng bản này có đến 3 thầy mo. Đó còn chưa kể, trong gia đình, trước khi bố mẹ mất đều truyền lại Tài Mo (tương tự như thầy cúng) cho người con trai cả, để biết cách cúng ma cho cả nhà.

Vì cuộc sống cách ly quá lâu với đời sống mới nên dù bị bệnh tật, sinh đẻ, giỗ chạp gì của người dân nơi đây đều trông cậy vào thầy mo cả. “Nếu là do con “ma” gây ra thì thầy cúng sẽ chữa “đường âm”, nếu không phải “ma làm” thì mới băng đèo, vượt suối ra trạm y tế để khám.

Nhưng do đường sá khó khăn nên đưa được bệnh nhân ra ngoài trung tâm xã không phải lúc nào cũng có thể làm được, có khi đưa được một nửa đường thì bệnh nhân đã chết. Bởi vào mùa mưa, nước lớn, bản hoàn toàn cô lập”, anh Biên cho biết.

Ở “thế giới người Mảng”, cái gì họ cũng... sợ, nhưng ma là nỗi sợ thường trực từng ngày, từng phút. Ngay cả ông Lò A Lải khi đưa chúng tôi - những vị khách đã quen bước vào nhà, vẫn cất lời dặn dò cẩn trọng, rằng “đừng ai mang cây có lá xanh vào nhà qua cửa chính nhé”.

Những đứa trẻ ở bản sợ “ma”.
Những đứa trẻ ở bản sợ “ma”.

Theo ông Lải, anh Biên thì bao đời nay, đời sống tâm linh của người dân tộc Mảng đã gắn liền với ma quỷ, thần thánh. Mọi thứ từ ngọn cây, dòng suối, núi đồi, ngôi nhà, tảng đá… đều có thể... có ma. Chính vì vậy, mang lá xanh, thịt sống vào nhà là một điều tối kỵ.

Nói về tục này, ông Lò A Biên cho biết nó đã có từ lâu đời. Người Mảng cho rằng, nếu mang những thứ đó vào nhà sẽ bị tổ tiên quở trách, bắt “phạt” và ma nó theo vào. Khi được hỏi về việc có ai đã từng bị “ma nhà” bắt “phạt” khi mang lá xanh, thịt sống vào nhà hay chưa, Trưởng bản Lò A Biên thật thà cho biết: “Ui chà chà, người dân nơi đây bị ma phạt nhiều lắm. Ngay cả vợ mình cũng bị hai – ba lần rồi. Những lần đó đều ốm liệt giường hoặc ốm lặt vặt không đi làm nương rẫy được đấy”.

Mới 60 tuổi nhưng bà Hen đã già nhất bản.
Mới 60 tuổi nhưng bà Hen đã già nhất bản.

Bên cạnh nhà ông Biên, bà Lò Thị Sum bị sưng chân mấy hôm nay. “Đã thuê thầy cúng rồi mà chưa khỏi. Chắc hôm đi xuống chợ, mua mấy con cá về bị ma phạt rồi”, bà Sum tỏ ra sợ hãi.

Bà Sum cho biết, theo tục của dân ở đây, nếu muốn mang thịt sống hoặc cây xanh vào nhà đều phải nấu chín trước hoặc là giấu kín và đưa lên bằng cửa sau. “Nhưng tuyệt đối không nói gì hoặc kể cho ai biết cả”, bà Sum nói.

Như để giải thích đĩa thịt và bát canh trên bàn ăn, bà Sum khập khiễng dắt tay chúng tôi chỉ về cuối nhà bảo: Trong ngôi nhà này còn có một cái cửa phụ và thêm cái bếp phụ nữa.

Cửa phụ này dùng để đưa thịt sống, rau xanh lên và bếp phụ này dành để nấu chín thức ăn sống hoặc nấu rau xanh. “Nếu mình làm như thế thì không còn sợ ma nó theo vào nữa”, bà Sum giải thích thêm.

Nói về những tập tục này của người Mảng, ông Phùng Mé Chờ cho biết: Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền nhưng người dân vẫn không nghe. Do quan niệm sống và hủ tục lạc hậu cùng với điều kiện sống xa xôi, cách trở với đời sống tiến bộ bên ngoài, nên khi bị ốm, người Mảng đều nghĩ do “ma phạt”, khi bệnh nặng, cán bộ biết thì đã không còn kịp cứu chữa. 

(Còn nữa)

http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ban-cua-nhung-nguoi-am-anh-boi-ma-phat-20140625023021547.htm

Theo Phùng Bình/ Gia đình Xã hội

Bạn có thể quan tâm