Năm vừa qua, một trong những câu chuyện lớn nhất làng công nghệ đến từ chi tiết rất nhỏ: Cổng USB. Cụ thể, USB Type-C được kỳ vọng trở thành cổng kết nối duy nhất với mọi loại thiết bị, từ màn hình, điện thoại cho đến laptop.
USB-C nhận được sự hậu thuẫn của những công ty lớn nhất làng công nghệ như Apple, Google. Loại cổng kết nối này có ưu thế lớn khi vừa giúp sạc nhanh lại truyền dữ liệu tốc độ cao. Tuy nhiên, rắc rối cũng phát sinh từ đây.
Khá nhiều người tỏ ra lo lắng khi biết nhiều mẫu cáp USB-C bán trên Amazon chưa được cấp phép. |
Nếu không cẩn thận, cáp USB-C có thể phá hủy chiếc laptop của bạn trong tích tắc. Kỹ sư Benson Leung của Google vừa phải nếm trải chuyện này với chiếc Chromeboook Pixel của mình. Dieter Bohn – biên tập viên của The Verge gặp phải tình cảnh tương tự khi sử dụng một chiếc cáp USB-C rẻ tiền mua trên Amazon để sạc chiếc Nexus 6P từ MacBook Air. MacBook có cơ chế tự ngưng hoạt động để bảo vệ nên không bị hỏng. Tuy nhiên, khi bật trở lại, chiếc máy hoạt động không ổn định.
Vấn đề xảy ra khi bạn kết nối qua cổng USB, nó bắt đầu hút điện. Nếu nó hút quá nhiều, thiết bị cung cấp có thể bị quá tải và chết. Trong trường hợp của Dieter Bohn, nó không phải lỗi của chiếc Nexus hay MacBook mà là lỗi của cáp USB-C do rút quá nhiều điện từ MacBook. Các loại cáp USB cũ không gặp lỗi này.
Giải pháp có vẻ như đơn giản: Không mua các loại cáp USB-C rẻ tiền. Tuy nhiên, mua cáp đắt tiền không có nghĩa bạn đã an toàn.
Hiện tại, chỉ có duy nhất một người trên thế giới này làm nhiệm vụ thử nghiệm và đánh giá các loại cáp USB-C là Benson Leung. Để đảm bảo an toàn, người dùng nên tham khảo đánh giá của nhân vật này trước khi mua bất cứ chiếc cáp USB-C nào trên Amazon.
Từ chỗ là công nghệ hứa hẹn của tương lai, USB-C đang đứng trước những nghi hoặc lớn. |
Trên thực tế, có một tổ chức chịu trách nhiệm kiểm duyệt và phát triển cáp USB-C có tên USB Implementer Forum. Họ cung cấp giấy chứng nhận kiểm duyệt cho các loại cáp USB.
Đề cập đến vấn đề này, USB-IF cho hay họ đã cấp bằng chứng nhận cho 61 mẫu cáp USB-C và “sẽ liên tục làm việc với các nhà bán lẻ tại bắc Mỹ để hướng dẫn về tầm quan trọng của việc chứng nhận này”.
Tuy nhiên, người dùng chẳng thể tìm thấy bất cứ chứng nhận nào trên các mẫu cáp đang bán trên Amazon – nhà bán lẻ đồ điện tử lớn nhất trên mạng Internet.
Apple giải quyết khá tốt vấn đề chất lượng của cáp Lightning. Họ có chương trình cấp chứng nhận cho các mẫu cáp “made for iPhone”. Tất cả những sản phẩm không có chứng nhận này đều bị cảnh báo là không an toàn khi sử dụng. Các nhà bán lẻ cũng cần có chứng nhận tương tự cho USB-C. Tuy nhiên, không khó lường trước, chuyện này sẽ diễn ra vô cùng chậm chạp.
Theo The Verge, cho đến khi có những thông điệp chính thức được phát đi, người dùng chưa thể tin tưởng vào chuẩn kết nối này, đơn giản bởi vì nó có thể phá huỷ thiết bị của họ, trước khi nhìn thấy lợi ích nào đó.