Theo Bloomberg, ngay sau khi Pfizer và BioNTech thông báo vaccine do hai hãng phát triển đạt tỷ lệ thành công tới 90% trên 94 bệnh nhân đầu tiên, giá cổ phiếu của công ty Đức tăng vọt. Nhờ đó, anh em doanh nhân Andreas và Thomas Struengmann giàu thêm 8 tỷ USD.
Với khối tài sản 22 tỷ USD, anh em Struengmann thuộc nhóm những người giàu nhất trong ngành y tế toàn cầu, theo Bloomberg Billionaires Index. Trong quá khứ, gia đình Struengmann chủ yếu đầu tư vào thuốc gốc (generic). Tuy nhiên, hai anh em sinh đôi chuyển hướng đầu tư vào nhiều mảng khác.
Năm 1979, hai người tiếp quản hãng dược phẩm Durachemie từ cha. Bảy năm sau, họ bán công ty và thành lập một hãng dược khác có tên Hexal. Công ty này sau đó trở thành hãng sản xuất thuốc gốc lớn thứ tư thế giới.
Năm 2005, Novartis AG mua lại Hexal và cổ phần của anh em Struengmann trong công ty con EON Labs với giá 5,7 tỷ euro (6,7 tỷ USD). Sau đó, họ chuyển hướng đầu tư vào ngành công nghệ sinh học.
Cặp tỷ phú song sinh Andreas và Thomas Struengmann. Ảnh: Bloomberg. |
Ba năm sau, họ gặp Ugur Sahin, nhà sáng lập kiêm CEO của BioNTech. Cặp tỷ phú đầu tư 150 triệu euro vào BioNTech và hiện sở hữu 50% cổ phần công ty. Tháng 10/2019, BioNTech phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Từ đó đến nay, giá cổ phiếu của BioNTech tăng tới 580%. Nhờ đó, tài sản của CEO Ugur Sahin cũng tăng thêm 4 tỷ USD.
"Sức mạnh của chúng tôi là tốc độ và sự linh hoạt", doanh nhân Thomas Struengmann khẳng định trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2004. "Khi các con voi to lớn còn đang cân nhắc quyết định, chúng tôi đã hành động".
Ngoài BioNTech, hai anh em nhà Struengmann còn đầu tư vào Arevipharma, một công ty sản xuất thuốc quy mô nhỏ có trụ sở tại miền đông nước Đức. Họ chỉ đạo Arevipharma sản xuất lượng lớn thuốc khử trùng y tế để tặng cho các nhà thuốc, bệnh viện trong nước.