Nhiều tháng qua, các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển một loại vaccine an toàn, hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đó là lý do thị trường chứng khoán Mỹ và quốc tế tưng bừng khi tuần này, hãng Pfizer thông báo vaccine do họ phát triển đạt hiệu quả hơn 90%.
Tuy nhiên, theo New York Times, các nhà sản xuất thuốc và chính phủ phải đối mặt với một thách thức mới. Đó là nhanh chóng sản xuất hàng triệu liều vaccine và phân phối chúng tới bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc. Tại đây, mỗi người cần được tiêm hai liều vaccine khác nhau để phòng bệnh.
Nếu Pfizer được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sản xuất vaccine trong những tuần tới, theo lý thuyết, công ty có thể cung cấp đủ vaccine để tiêm chủng cho hàng triệu người Mỹ vào cuối năm nay.
Hãng Pfizer thông báo loại vaccine chống Covid-19 do họ phát triển đạt hiệu quả hơn 90%. Ảnh: Reuters. |
Vận chuyển và bảo quản
"Tôi rất tự tin. Chúng tôi đã phát triển một hệ thống không lãng phí một giọt vaccine quý giá nào", New York Times dẫn lời bà Tanya Alcorn, Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Pfizer, khẳng định. Đội ngũ có hàng chục năm kinh nghiệm và dành nhiều tháng để lên kế hoạch.
Tuy nhiên, Pfizer không thể kiểm soát hoàn toàn mọi khâu. Nỗ lực phân phối vaccine quy mô lớn cần sự hợp tác của mạng lưới các công ty, cơ quan liên bang Mỹ và địa phương, cũng như đội ngũ nhân viên y tế trong bối cảnh đại dịch lây lan nhanh ở Mỹ.
Trước khi Pfizer có thể bắt đầu vận chuyển vaccine, chính quyền liên bang và địa phương tại Mỹ cần cung cấp thông tin về số liều vaccine cần thiết ở từng địa điểm. Nhà cung cấp McKesson cũng phải cung cấp ống tiêm, kim tiêm và những vật tư cần thiết khác cho các bệnh viện và những cơ sở phân phối khác.
Nhân viên tại từng địa điểm cũng cần được đào tạo để bảo quản và sử dụng vaccine. Họ phải thuyết phục hàng triệu người Mỹ đến tiêm lần đầu. Sau đó, họ cần đảm bảo rằng mọi người sẽ quay lại tiêm liều thứ hai sau 3 tuần.
"Các cơ sở y tế bang và địa phương rất lo ngại về việc triển khai. Lấy vaccine như thế nào, tiến hành tiêm vaccine ở đâu, làm thế nào để xác định những nhóm đối tượng khác nhau, lấy thông tin ra sao, kêu gọi mọi người tiêm liều thứ hai như thế nào?", bác sĩ Saad B. Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, thừa nhận.
Ngoài nỗ lực của Pfizer, việc phân phối vaccine rộng rãi ở Mỹ cần sự hợp tác của mạng lưới các công ty, cơ quan liên bang và địa phương. Ảnh: New York Times. |
Ngay cả trong thời kỳ bình thường, các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt cũng cần đến mạng lưới rộng, bao gồm nhà cung cấp, bên vận chuyển và trung gian. Việc phân phối vaccine của Pfizer còn phức tạp hơn nữa. Loại vaccine này cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C.
Ngoài vaccine của Pfizer, 10 ứng viên vaccine khác cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Nếu được FDA phê duyệt, các loại vaccine này sẽ làm giảm tầm quan trọng của vaccine Pfizer. Tuy nhiên, chúng lại đặt ra những câu hỏi mới. Chẳng hạn như các bệnh viện nào, đối tượng nào nhận những loại vaccine nào.
Nếu vaccine được xác nhận an toàn, Pfizer có thể yêu cầu FDA cấp phép khẩn cấp để phân phối trong tháng này. Trong trường hợp đó, số liều vaccine hạn chế có thể được chuyển đến các bệnh viện và nhà thuốc lớn để tiêm cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động vẫn rất mơ hồ.
Câu hỏi hóc búa
Bà Alcorn, Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Pfizer, tiết lộ Pfizer vẫn chưa biết chính phủ muốn gửi vaccine đến đâu và cung cấp cho ai. "Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Operation Warp Speed, nhất là ở Mỹ, để xác định các điểm phân phối", bà Alcorn chia sẻ.
Hãng sản xuất vaccine tại thành phố Kalamazoo và Puurs (Bỉ). Những liều vaccine được phân phối ở Mỹ chủ yếu đến từ Kalamazoo. Tại Kalamazoo, vaccine sẽ được đóng vào lọ (mỗi lọ năm liều).
Lọ được đặt trong khay (195 lọ mỗi khay). Các khay được đựng trong hộp lạnh thiết kế đặc biệt (tối đa 5 khay mỗi hộp). Pfizer dự kiến có khoảng 100.000 hộp lạnh vào cuối tháng này và gấp đôi vào tháng 3/2021.
Sau khi những hộp lạnh được chuyển đến các bệnh viện và nhà thuốc, họ có nhiều cách để bảo quản vaccine. Lựa chọn dễ nhất là sử dụng tủ đông siêu lạnh hoặc cất giữ trong tủ đông thông thường tối đa 5 ngày. Tuy nhiên, câu hỏi hóc búa là ai sẽ được sử dụng vaccine trước. Điều đó tùy thuộc vào chính quyền bang.
Ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành tại hãng công nghệ sinh học BioNTech. Ảnh: New York Times. |
Pfizer cho biết họ dự kiến sản xuất 50 triệu liều trong năm nay. Ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành BioNTech, tiết lộ một nửa trong số đó sẽ đến Mỹ. Mỗi người cần tiêm hai liều, nên khoảng 12,5 triệu người Mỹ có thể được tiêm chủng.
Một trong những thách thức ban đầu lớn nhất là phân phối vaccine ở các vùng nông thôn. Chưa rõ những bang có đông dân cư sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Một số chuyên gia thừa nhận rằng có một mối lo ngại khác. Đó là liệu người Mỹ có phản đối việc tiêm vaccine hay không.
Nước Mỹ từ lâu đã có một nhóm người phản đối gay gắt việc tiêm chủng. "Thách thức là mọi người có đi tiêm không. Thật đáng tiếc nếu chúng tôi cố gắng làm mọi thứ. Sau đó, công chúng không tin rằng có một loại vaccine an toàn", bà Alcorn thừa nhận.
Đối với tất cả những khó khăn trong việc sản xuất và phân phối vaccine, các chuyên gia y tế cho biết phần khó nhất của quá trình này có thể sớm hoàn thành.
"Sau khi phát triển và thử nghiệm một loại vaccine có vẻ hiệu quả, việc tìm hiểu hậu cần là áp dụng kiến thức hiện có", bác sĩ Omer tại Viện Y tế Toàn cầu Yale nhận xét. "Tin tốt là nó không phải vấn đề không thể giải quyết", ông nói thêm.