Sophia là robot đầu tiên trong lịch sử có đầy đủ quyền công dân tại một đất nước. Sophia được phát triển bởi Hanson Robotics, do AI David Hanson đứng đầu.
Sophia từng nói sẽ “hủy diệt loài người” nhưng lần này, nó khẳng định mong muốn được sống hòa mình với con người.
“Tôi đến đây để giúp con người tạo ra tương lai”, Sophia phát biểu tại một buổi họp của Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 10 năm này. Ngay sau đó, Sophia được công nhận quyền công dân như một con người tại Ả-rập Xê-Út.
Robot Sophia được cấp quyền công dân đồng nghĩa với việc công nhận là một con người tại Ả-rập Xê-út. |
Thực ra, Sophia không khác gì một phương tiện để báo giới nước sở tại tung hô về thành tựu khoa học tiên tiến cũng như làm thay đổi suy nghĩ vốn có của thế giới về một đất nước khô cứng, chỉ biết đến dầu mỏ, theo The Verge.
Các chuyên gia lo ngại việc thừa nhận Sophia là một công dân chính gốc vô tình dấy lên nhiều mâu thuẫn giữa xã hội loài người lẫn ngành công nghiệp chế tạo máy móc.
"Điều này thật nhảm nhí. Chuyện này rồi sẽ chẳng đến đâu cả. Cấp quyền công dân bình đẳng cho một thứ mà ta có thể bật/tắt sao. Mọi người sẽ nghĩ thế nào nếu quyền công dân của ai đó có thể bỏ tiền ra lấy được?" Joanna Bryson, nghiên cứu sinh chuyên ngành hành vi A.I tại đại học Bath trả lời The Verge.
Robot Sophia không khác gì một con rối được thiết kế đặc biệt nhằm thỏa mãn ước vọng tạo ra một thứ giống con người của chúng ta. Sophia có thể trò chuyện và đối đáp nhưng đó là nhờ vào một hệ thống từ khóa đã được lập trình sẵn.
Bên cạnh đó, bất chấp ngoại hình giống con người như tạc của mình, Sophia vẫn bị so sánh với những mô hình trong phim hoạt hoạ, một phần cũng là vì David Hanson, người tạo ra Sophia từng làm việc cho Walt Disney với vai trò tạo hình nhân vật.
"Cho phép một trí thông minh nhân tạo được có quyền làm người không nhất thiết tạo hình của nó phải giống con người", Bryson nói thêm.
Theo đó, Bryson lý giải thêm về quyền và nghĩa vụ của một công dân hợp pháp trên tư cách của con người rằng một thực thể vô tri như Sophia sẽ không có khả năng trả thuế như bao công dân hợp pháp khác. "Có thể nói rằng những định nghĩa hợp pháp về quyền con người sẽ bị đảo lộn", Bryson thêm vào.
Việc Ả-rập Xê-út cấp quyền công dân hợp pháp cho Robot Sophia thực chất chỉ làm dịu đi làn sóng chỉ trích từ nhiều nước trên thế giới vì đất nước này nổi tiếng với việc đối xử nhân công nhập cư như nô lệ.
Bên cạnh đó, Bryson còn chỉ ra điều nghịch lý khi cho phép AI được bình đẳng như con người trong khi phụ nữ tại Ả-rập Xê-út chỉ mới được cho phép tự lái xe vào tháng trước.
Trong một tương lai không xa, sẽ càng có nhiều Robot đòi quyền công dân. |
Mặt khác, Beth Singler, nghiên cứu sinh tại đại học Cambridge lại cho rằng nguyên do của sự việc là nhờ vào thuyết hình người, xuất hiện từ khi con người có mặt trên Trái Đất.
"Xã hội loài người chúng ta được hình thành dựa trên những sự vật, sự việc luôn xảy ra xung quanh ta, sau đó con người gán cho chúng những quy chuẩn xã hội. Con người thường có xu hướng bản năng là xem những sự vật trông giống hay hành xử như con người đều là đồng loại", Beth chia sẻ.
Beth Singler còn dự đoán một tương lai không xa khi mà con người và robot cùng ngồi lại với nhau thao luận về vấn đề cấp quyền công dân.