Vấn đề hồi tố đối với việc cấp giấy phép cho Formosa thuê đất 70 năm được đặt ra với đại diện của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Thứ trưởng Đào Quang Thu.
Ông Thu cho biết, theo luật hiện hành, cụ thể là Luật Đất đai, với các dự án kinh tế, thời hạn giao đất có thể kéo dài đến 70 năm nhưng thời gian hoạt động của dự án, theo Luật Đầu tư có thể kéo dài hơn.
Một phần công trường Formosa ở Hà Tĩnh. |
Cũng theo Luật Đầu tư, Điều 47 quy định về việc tạm ngừng các hoạt động đầu tư , ông Thu cho biết, có 5 trường hợp các cơ quan quản lý sẽ xem xét quyết định buộc nhà đầu tư tạm ngừng hoạt động, trong đó có trường hợp tạm ngừng để khắc phục các hậu quả về môi trường mà đơn vị gây ra.
Điều 48 luật này quy định về việc chấm dứt dự án đầu tư, khoản 1 lại có quy định dẫn chiếu đến điều 47 về trường hợp dự án bị buộc tạm ngừng đầu tư để khắc phục hậu quả nhưng hậu quả thực tế không thể khắc phục được.
Về góc độ pháp lý, theo Thứ trưởng Thu, đây là bước thứ 2 trong quy trình xử lý một dự án có sai phạm.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Đất đai 2003 và 2013 đều quy định, việc giao đất cho nhà đầu tư ở khu vực khó khăn, cần thu hút đầu tư thì thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố được giao đất ở mức tối đa là 70 năm.
Đối với việc cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, thẩm quyền của UBND tỉnh tối đa là 50 năm. Quá thời hạn này, địa phương cần báo cáo Chính phủ và khi đó, Thủ tướng, Chính phủ là người có thẩm quyền xem xét, cấp phép.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ vấn đề này. “Cấp giấy phép đầu tư đi liền với giao đất 70 năm chính là sai phạm của Hà Tĩnh trong việc này” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn.