Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Xinhua. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 18/5 đã ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu về việc đẩy nhanh quá trình phê duyệt đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục ngăn chặn nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga - một phần trong gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moscow vì xung đột ở Ukraine, theo New York Times.
Nỗ lực gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo quyền lực, ưu tiên lợi ích quốc gia.
Thành viên quyền lực của NATO
Ông Erdogan và ông Orban có thể là "ngoại lệ" trong tổ chức của họ, nhưng cả hai có quyền sử dụng nguyên tắc đồng thuận trong toàn bộ liên minh của NATO và EU, để ngăn chặn hành động của tất cả những nước khác.
Hôm 18/5, các đại sứ NATO đã không thể thống nhất tiến hành cuộc bỏ phiếu đầu tiên về yêu gia nhập liên minh của Thụy Điển và Phần Lan. Nguyên nhân là Thổ Nhĩ Kỳ muốn NATO giải quyết các lo ngại về an ninh của mình.
Ankara muốn Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt ủng hộ các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "các tổ chức khủng bố", chủ yếu là đảng Công nhân người Kurd (PKK), cũng như dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu một số vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan đã chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây với các nhóm người Kurd mà Ankara coi là mối đe dọa khủng bố. Ảnh: AFP. |
Trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/5, ông Erdogan đã chỉ trích sự ủng hộ lâu dài của phương Tây với các nhóm người Kurd.
“Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu (dẫn độ) 30 tên khủng bố. Họ nói sẽ không giao cho chúng tôi”, ông Erdogan nói trước Quốc hội. “Họ không giao nộp những kẻ khủng bố nhưng lại muốn gia nhập NATO. Chúng tôi không thể tán thành một tổ chức an ninh nhưng thiếu đảm bảo an ninh”.
PKK là một nhóm du kích người Kurd nổi dậy chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ. Ông Erdogan vẫn tức giận vì sự hỗ trợ của Washington và Stockholm cho lực lượng liên kết với PKK ở Syria. Năm 2021, chính phủ ông Erdogan đã chỉ trích Mỹ và Thụy Điển về vấn đề này, đồng thời yêu cầu dẫn độ 6 thành viên PKK bị buộc tội từ Phần Lan và 11 thành viên từ Thụy Điển.
Hôm 14/5, ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên và cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan, cũng cho biết: “(Thổ Nhĩ Kỳ) không hoàn toàn ngăn chặn đề xuất này. Nhưng về cơ bản, chúng tôi đang đề cập vấn đề này như một mối lo ngại về an ninh quốc gia”.
“Quả bom nguyên tử” với nền kinh tế Hungary
An ninh quốc gia cũng là lý do của Tổng thống Orban. Hungary phụ thuộc vào Nga về năng lượng, với 85% khí đốt tự nhiên và 65% nguồn cung dầu từ Nga. Nước này cũng sử dụng công nghệ của Moscow cho các nhà máy điện hạt nhân.
Mặc dù Budapest đã thông qua tất cả gói trừng phạt trước đó, bao gồm cả lệnh cấm vận đối với than đá của Nga, ông Orban tuyên bố lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ tương đương với một “quả bom nguyên tử” đối với nền kinh tế nước này.
Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO trong ngày 18/5. Ảnh: AP. |
Giống như ông Erdogan ở NATO, ông Orban dường như đang là người “nắm quyền” quyết định nỗ lực cấm vận dầu Nga của EU - biện pháp chính trong gói trừng phạt thứ sáu.
Đề xuất cấm vận dầu mỏ được đưa ra trên bàn đàm phán từ giữa tháng 4. Tuy nhiên, Hungary đã liên tục trì hoãn.
Đề xuất đầu tiên cho phép Hungary và Slovakia có thêm thời gian tìm các nhà cung cấp thay thế. Cụ thể, trong khi 25 thành viên EU còn lại tiến tới cấm vận hoàn toàn dầu mỏ Nga vào cuối năm, Hungary và Slovakia có thời hạn là cuối năm 2023. Tuy nhiên, Budapest yêu cầu bảo đảm và nhiều thời gian hơn, khiến EU kéo dài thời hạn đến cuối năm 2024.
Song, ông Orban khẳng định Hungary sẽ cần hàng tỷ USD từ khối để bảo vệ nền kinh tế. Ngoại trưởng Peter Szijjarto cũng nói rằng để sử dụng các loại dầu khác và hiện đại hóa hệ thống năng lượng, Hungary sẽ tiêu tốn 15-19 tỷ USD và mất 5 năm.
Sự phản đối từ Hungary phá vỡ sự thống nhất chưa từng có trong liên minh đối với việc trừng phạt Nga. Hành động này đã được Moscow hoan nghênh.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nói rằng họ kỳ vọng ông Orban cuối cùng sẽ chấp nhận lệnh cấm vận dầu mỏ, vì được đảm bảo thời gian gia hạn dài và nguồn tài trợ bổ sung. Song, ông có thể kéo dài các cuộc đàm phán hơn nữa, nhiều khả năng đến cuối tháng 5, khi các nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp tại Brussels.
Trong khi đó, các quan chức NATO cũng bày tỏ sự tin tưởng tương tự đối với ông Erdogan. Họ cho rằng cuối cùng ông sẽ đồng ý ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, để đổi lấy một số nhượng bộ sẽ giúp ông "ghi điểm" ở quê nhà, trong bối cảnh nền kinh tế Hungary đang gặp khủng hoảng và cuộc bầu cử mới sắp diễn ra.