Tại Mỹ, trung bình 16,6% trên tổng số giao dịch bán lẻ tại các cửa hàng truyền thống và trực tuyến bị hoàn trả. Ảnh: CNN. |
Theo CNBC, tháng 12/2020, Jamie và Sarah McCauley tình cờ phát hiện ra cơ hội kiếm tiền từ một công việc kỳ lạ. Đó là bán những sản phẩm bị mọi người trả lại của các chuỗi siêu thị và nền tảng thương mại như Target, Walmart và Amazon.
Công việc này khá đơn giản. Họ chỉ cần đến một nhà kho ở địa phương, trả trung bình 550 USD cho một thùng hàng bị trả lại rồi đăng bán các sản phẩm. Kể từ đó, Jamie (33 tuổi) và Sarah (32 tuổi), chi khoảng 7.150 USD để mua những lô hàng tương tự từ Amazon, Walmart và Target.
Sau đó, họ bán lại những sản phẩm trong thùng hàng trên các nền tảng trực tuyến và thu về khoản tiền lời lên tới 19.500 USD.
Một thùng hàng gồm các sản phẩm bị hoàn trả từ Amazon được bán lại với giá chỉ 525 USD. Ảnh: CNN. |
Kiếm lời gấp 3
Một thùng hàng từ Amazon được bán lại cho cặp đôi với giá chỉ 525 USD, nhưng có tới 25 sản phẩm với tổng giá bán 1.880 USD.
Cặp đôi nhà McCauley quay lại quá trình mở thùng hàng rồi đăng trên YouTube. Họ hướng dẫn những người xem khác cách kiếm tiền dễ dàng này.
"Ban đầu, chúng tôi chỉ thử xem có thể kiếm tiền từ công việc này hay không. Sau đó, cả hai nhận ra đây là một cách kiếm tiền tuyệt vời", Sarah chia sẻ.
Tuy nhiên, việc mua lại các thùng hàng bị trả lại là một canh bạc. Nhiều sản phẩm không có ai hỏi mua, một số khác bị hư hỏng quá nặng để rao bán.
Sau khi lựa chọn các thùng hàng, Jamie và Sarah sẽ mang về, quay lại quá trình khui hộp và đăng bán từng sản phẩm riêng lẻ. Ảnh: CNBC. |
Sau khi lựa chọn các thùng hàng, Jamie và Sarah sẽ chất chúng lên xe, mang về nhà và quay lại cảnh khui hộp. Kênh YouTube của họ có tới 109.000 người theo dõi. Đến nay, họ kiếm được 102.000 USD từ kênh này.
Trong quá trình mở thùng hàng, cặp đôi sẽ ước tính giá bán lẻ của từng sản phẩm dựa trên giá niêm yết và tình trạng hàng.
Hầu hết mặt hàng đã được mở hộp và sử dụng, giá bán lại thường tương đương khoảng 60% giá gốc.
Theo Jamie, cặp đôi thường mất 1-2 tuần để hoàn vốn và có thể bán được 90% số hàng sau 4-8 tuần. Đáng nói, họ chưa bao giờ chịu lỗ trên mỗi thùng hàng.
"Đôi khi, chúng tôi nhận được những thùng hàng trong tình trạng rất tệ. Nhưng chúng tôi vẫn luôn hòa vốn", Jamie tiết lộ.
Các sản phẩm cũ đắt khách
Cặp đôi này thường chọn các thùng hàng dựa trên những mặt hàng có thể nhìn được từ bên ngoài. Nhưng cả hai không thể đảm bảo tình trạng của những sản phẩm bên trong.
Thực tế, cặp đôi nhà McCauley không phải những người duy nhất kiếm tiền từ công việc này. Hàng chục tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội đã chia sẻ mẹo và thủ thuật để tối đa hóa khoản tiền mà những thùng hàng có thể đem lại.
Lợi nhuận của công việc này đã tăng vọt theo mức độ phổ biến của mua sắm trực tuyến. Theo báo cáo của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, năm ngoái, trung bình 16,6% trên tổng số giao dịch mua bán lẻ tại các cửa hàng truyền thống và trực tuyến bị hoàn trả.
Một số thùng hàng bị gửi tới kho thanh lý. Nguyên nhân chủ yếu là các nhà bán lẻ không đủ chỗ chứa thêm hàng tồn kho.
Theo công ty hậu cần Optoro, một lý do khác là các nhà bán lẻ muốn tiết kiệm chi phí. So với việc bán lại những thùng hàng với giá rẻ, quá trình thuê người kiểm tra và đóng gói những sản phẩm bị hoàn trả sẽ tốn kém hơn.
Theo Jamie và Sarah, khi triển vọng của nền kinh tế xấu đi, mọi người sẵn sàng mua đồ cũ với giá rẻ hơn. "Việc bán lại đồ phát triển mạnh trong thời kỳ suy thoái vì tất cả đều cố gắng để tiết kiệm tiền bằng mọi cách", Sarah chia sẻ.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...