Như vậy, người dân có nhu cầu đổi GPLX không cần phải đến các Sở GTVT hay Tổng cục Đường bộ mà có thể làm thủ tục đổi bằng lái xe tại nhà.
Đổi GPLX qua dịch vụ bưu điện
Số liệu từ Tổng cục Đường bộ cho thấy, cả nước hiện có 32 triệu GPLX, với 3,1 triệu GPLX ôtô có thời hạn từ 5-10 năm và 29 triệu GPLX môtô. Từ 1/7/2012 đến nay, cả nước đã cấp đổi được hơn 3 triệu GPLX ô tô và hơn 4,6 triệu GPLX mô tô làm bằng vật liệu PET.
Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ đang tiến tới thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 trong việc đổi GPLX. Cụ thể, người dân có nhu cầu đổi GPLX sẽ không cần phải trực tiếp đến các Sở GTVT hay Tổng cục Đường bộ mà có thể làm thủ tục đổi bằng lái xe tại nhà.
“Chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về việc phải mất thời gian để đi đổi GPLX. Các Sở GTVT địa phương thường tập trung ở khu vực thành thị, trung tâm của tỉnh, thành phố. Trong khi đó, các huyện vùng sâu, vùng xa phải đi hàng chục, thậm chí cả trăm cây số để làm thủ tục đổi GPLX”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết.
Người dân đăng ký dịch vụ chuyển phát GPLX tại một bưu điện. |
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đang làm việc với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam cùng phối hợp trong việc làm thủ tục đổi GPLX cho người dân. Cụ thể, khi người dân có nhu cầu đổi GPLX sang vật liệu PET có thể đến các điểm bưu điện của thôn, xã… để làm thủ tục. Tại đây, cán bộ bưu điện sẽ tiếp nhận hồ sơ, chụp ảnh rồi gửi tài liệu về Tổng cục.
Khi hoàn thiện, GPLX mới sẽ được gửi đến tận tay người cấp đổi. Tuy nhiên, người đổi GPLX sẽ phải trả một khoản phí vận chuyển nhất định cho phía bưu điện. Mức phí do Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tính toán dựa trên từng trường hợp cụ thể.
Tháng 8, GPLX quốc tế sẽ có hiệu lực
Đề cập đến tính pháp lý của bộ hồ sơ GPLX của người có nhu cầu cấp đổi, ông Nguyễn Văn Quyền thông tin: “Nhân viên bưu điện chỉ tiếp nhận hồ sơ ban đầu, chụp ảnh và gửi về Tổng cục hoặc các Sở GTVT. Tại đây, cơ quan chuyên môn sẽ có thiết bị cũng như chuyên môn xác định, nếu là bằng giả, sẽ bị phát hiện và loại bỏ”.
Hiện nay, tại các điểm cấp đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái cho biết, nhân viên bưu điện luôn có mặt, nếu người dân sau khi làm thủ tục, không muốn chờ đợi lấy bằng, có thể liên hệ sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện. Giấy tờ sau khi hoàn thiện sẽ được gửi tận tay người có nhu cầu.
“Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với phía bưu điện để cung cấp dịch vụ gửi GPLX về tận nhà cho người có nhu cầu. Vì số lượng GPLX cần đổi trên địa bàn Hà Nội lớn nên việc tạo thuận lợi cho người dân luôn được chú trọng”, ông Nguyễn Đình Nghĩa nói.
Liên quan đến việc cấp GPLX quốc tế, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay, Tổng cục đang xây dựng hệ thống phần mềm in, quản lý để chuẩn bị tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 63 Sở GTVT trên cả nước trước tháng 8/2015.
Mặc dù đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch và cấp đổi GPLX, song lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn đầu tư cơ bản tại Tổng cục, các Sở GTVT và kinh phí để duy trì, vận hành hệ thống.
Hơn nữa, việc phát huy một số công năng của GPLX vật liệu PET cũng chưa đạt được kỳ vọng do sự phối hợp của một số cơ quan, bộ, ngành còn thiếu chặt chẽ.