Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tai nạn do xe container: Tăng gần 250%

Các vụ TNGT nghiêm trọng do xe container gây ra làm ám ảnh dư luận, có phần từ công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Sáng 11/6, Bộ GTVT tổ chức một buổi tọa đàm đột xuất về hoạt động của các xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc chở container, xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc chở hàng (người lái xe này phải có bằng lái FC) tại TP HCM. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải ở cụm điểm nóng về các vụ TNGT liên quan đến loại “hung thần” gồm có: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thiếu tài xế nên “vơ bèo, vợt tép”?

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, TP HCM đang thiếu hụt trầm trọng các tài xế có bằng FC (được phép lái các loại xe đầu kéo). Nguyên nhân, từ giữa năm 2014 đến nay lực lượng chức năng siết chặt hoạt động xe quá tải nên nhiều chủ xe không dám chở quá tải nữa, đã chuyển từ xe 11-18 tấn (chỉ cần bằng lái hạng C) sang loại xe đầu kéo có sức chở 30-40 tấn (cần bằng lái FC). Ngoài ra, nhiều người có bằng FC đến tuổi nghỉ hưu, về quê hoặc chuyển sang lái loại xe khác và nhiều DN mua thêm xe đầu kéo nhưng chưa có nguồn cung cấp tài xế có bằng FC…

Một DN nhìn nhận trước thực trạng thừa xe thiếu tài xế FC như trên nên nhiều hãng xe “xuất chiêu” câu kéo tài xế từ các DN khác sang với lương cao, thậm chí “mắt nhắm mắt mở” xài luôn người có bằng lái FC giả hoặc “đôn” lơ xe thành tài xế.

Trong kiến nghị mới đây gửi đến Bộ GTVT, ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, cũng nhìn nhận hiện ở TP HCM có nhiều DN vận tải đã không xác minh bằng lái khi tuyển dụng rồi chấp nhận giao xe đầu kéo cho người có bằng lái FC giả lái. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe đầu kéo.

Theo tài xế nghiện lái xe container

Một thanh niên còn trẻ, không bằng lái, thường xuyên đê mê trong những cơn say, “phê” thuốc liên tục ngay trên cabin...

Dễ dãi là… tự sát

Trước những lời “trần tình” trên, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT đặt câu hỏi: Các DN có thường xuyên chăm sóc, khám sức khỏe cho tài xế không? Công tác dự báo và thâm nhập thị trường vận tải chuyển động như thế nào mà để rơi vào tình trạng mua xe về rồi không có người lái? Rồi việc tuyển dụng, tổ chức, sử dụng, chăm sóc tài xế được thực hiện ra sao khiến họ nhảy việc liên tục..?

Tiếp lời, Thượng tá Trần Hữu Toán (đại diện Cục Cảnh sát giao thông) cũng cho rằng trách nhiệm của DN trong việc để tài xế đầu kéo gây ra tai nạn là rất lớn. 

“Thuê tài xế sử dụng bằng giả, nghiện chất kích thích… rồi cũng không ký hợp đồng lao động, mua BHXH, BHYT cho họ mà chỉ chú ý đến trả lương cao, 20-30 triệu đồng/tháng thì chính các DN đã tạo thị trường người lái cạnh tranh quyết liệt, không lành mạnh. Đến khi thiếu người lái, người lái gây tai nạn thì lại đổ cho xã hội, cho cơ quan quản lý nhà nước là không sòng phẳng” - thượng tá Toán nói.

ụ tai nạn do xe đầu kéo ngày 31/5 trên quốc lộ 1A, gần ngã tư Linh Trung, quận Thủ Đức (TP.HCM) làm năm người chết.
Vụ tai nạn do xe đầu kéo ngày 31/5 trên quốc lộ 1A, gần ngã tư Linh Trung, quận Thủ Đức (TP HCM) làm năm người chết.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng TNGT do xe đầu kéo gây ra liên tục gần đây là hậu quả của quá trình phát triển vận tải quá nóng. Qua đó cho thấy nhiều lỗ hổng ở các DN từ đầu tư, quản lý đến tổ chức khai thác kinh doanh vận tải. 

“Hiện có tình trạng nhiều DN khoán trắng xe, khoán trắng việc cho người lái để họ tự tung tự tác trên đường. Việc sử dụng lái xe mà không kiểm soát như thế là DN tự sát” - ông Thanh nói.

Truy trách nhiệm người cấp bằng

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, không thể để tiếp diễn tình trạng DN thiếu tài xế có bằng FC rồi dễ dãi trong tuyển dụng và sử dụng. “DN cứ dễ dãi với tài xế đầu kéo thì TNGT còn tiếp tục xảy ra” - ông Chung nói.

Do đó, ông Chung đề nghị tới đây các DN cần rà soát, lọc lại đội ngũ tài xế. Riêng cơ quan quản lý nhà nước có thể lên quy hoạch phát triển số xe đầu kéo và lên kế hoạch đào tạo người lái loại xe này. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm công khai toàn bộ danh sách những tài xế được cấp giấy phép lái xe hạng FC lên mạng để các DN tiện tra cứu hoặc tuyển dụng lao động, tránh gặp phải người sử dụng bằng giả.

“Cục Đăng kiểm Việt Nam cần tăng cường kiểm soát công tác kiểm định đầu xe, rơmoóc và công khai, còn các sở GTVT thì rà soát, cấp thêm giấy phép cho các trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng FC đủ điều kiện. Các trung tâm sát hạch cần giảm bớt thủ tục để người lái đến dự thi lấy bằng FC nhưng vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng sát hạch cấp bằng lái hạng FC, trong đó có ghi rõ nội dung sát hạch thế nào, ai là người sát hạch để sau này khi lái xe gây tai nạn thì biết địa chỉ truy trách nhiệm” - ông Thọ nhấn mạnh.

Bác tin phụ xe 15 tuổi lái 'hung thần' khiến 5 người chết

Sau 4 ngày gây tai nạn khiến 5 người chết, tài xế container được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Hiện cơ quan này chưa kết luận nguyên nhân vụ việc và chưa khởi tố vụ án.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2014 toàn quốc xảy ra chín vụ TNGT liên quan đến xe container. Nhưng chỉ riêng năm tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra 22 vụ TNGT liên quan đến xe container, tập trung ở các địa bàn Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. 

Trong đó TP HCM xảy ra 11 vụ (chiếm 50% cả nước) làm chết tám người, bị thương năm người. Các vụ TNGT liên quan đến xe container đều từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng với số người chết và bị thương rất cao. 

Điển hình là vụ xảy ra hôm 31/5 trên quốc lộ 1A, gần ngã tư Linh Trung (quận Thủ Đức) làm năm người chết.

http://phapluattp.vn/thoi-su/tai-nan-do-xe-container-tang-gan-250-561345.html

Theo Lê Đức - Hoàn Tuyên/Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm