“Đầu Hư” - biệt danh của một tài xế xe container, tuy mới 24 tuổi nhưng đã có năm năm kinh nghiệm ôm vôlăng (quy định phải 24 tuổi mới được cầm lái) "đập đá" ngay trên buồng lái (ảnh chụp lúc 2h50 sáng 6/6). |
Có thể coi đây là một điển hình về lối sống bất chấp của khá nhiều tài xế trong giới chạy xe container.
Tối 4/6, một nhóm thanh thiếu niên khoảng 15-30 tuổi, họ là tài xế và lơ xe container, đang ngồi nhậu say sưa tại quán lẩu bò trên đường Nguyễn Thị Định, đoạn gần vòng xoay cầu Phú Mỹ (quận 2, TP HCM).
Trong lúc nâng ly, họ bàn luận về những chuyện thua bài hàng triệu đồng, họ kể về những điểm ăn chơi trác táng, matxa, rỉ tai nhau tên các cô gái biết phục vụ “tới bến” tại các điểm dừng chân...
Trong số này, một thanh niên có dáng người ốm, mặt hốc hác, xám xanh với đôi mắt sâu hoắm, nói, cười, cãi lộn rất hăng say. Nhóm tài xế gọi thanh niên này là “Đầu Hư”, vì cậu ta “đập đá” tới mức gần như tâm thần.
24 tuổi, 5 năm nghiện ngập
Hơn 0h ngày 6/6, chúng tôi lên xe của “Đầu Hư” trên đường Đồng Văn Cống (quận 2), đi theo hướng từ cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội. Chiếc xe đầu kéo loại đầu bằng, do Mỹ sản xuất từ năm 1994, nội thất cũ nát, máy lạnh hư, các loại đồng hồ đo chỉ số trên bảng điều khiển đều ngưng hoạt động.
Trên xe, các sợi dây điện chắp tạm bợ, nối vào hai chiếc quạt nhỏ, liên tục bung ra khi gặp ổ gà. Với giới tài xế xe container thì xe là nhà, mệt đâu dừng xe ngủ ở đó, tắm giặt tại bãi xe hoặc các quán ăn ven đường.
“Nhà” của “Đầu Hư” rất lạ, không có mùng mền, không gối hay nệm, chiếc giường phía sau trống trơn, chỉ một chiếc chiếu trúc cùng hai chiếc áo dài tay bẩn thỉu vứt vương vãi.
Thứ quý nhất có là chiếc rổ nhựa, trong đó chứa tiền, các loại giấy tờ xe, lệnh nhận - giao hàng và đặc biệt là một chiếc bình tự chế chuyên dùng để “đập đá”.
Trên giường phía sau còn có ba cái hộp quẹt, trong đó một chiếc được “độ” lại rất cẩn thận, nắp che gió được gỡ bỏ, thay vào đó là một ống nhỏ dẫn gas và một chiếc lò xo nhỏ trên đầu.
“Tôi có ngủ đâu mà cần gối mền” - “Đầu Hư” trả lời khi chúng tôi thắc mắc vì sao không có các thứ vật dụng để ngủ trên xe.
“Tôi lên thành phố từ năm 2006, khi đó 15 tuổi, đi làm lơ cho người ta. Năm 2010 thì tôi lên tài, ôm vôlăng từ đó đến giờ, qua cả chục công ty rồi”, tài xế trẻ tự giới thiệu.
Theo lời tài xế này, anh ôm vôlăng khi không hề có bằng cấp gì, chưa từng học qua trường lớp nào về đào tạo lái xe và cũng chả biết luật lệ giao thông quy định ra sao.
“Cứ đi trên đường, nghe riết rồi biết biển báo nào là biển cấm, biển nào là biển chỉ dẫn để đi thôi” - “Đầu Hư” giải thích. Suốt những năm “cầm tài”, để qua mặt cơ quan chức năng, “Đầu Hư” dùng bằng giả và chưa từng bị phát hiện.
“Đầu Hư” cho biết bắt đầu “đập đá” từ khi làm tài xế, đây là cách để chống đỡ áp lực công việc là phải chạy xoay vòng liên tục, thiếu ngủ triền miên và cũng có phần do ham chơi, thích cảm giác lạ.
Hơn 5 năm làm tài xế cũng là hơn năm năm “chơi hàng”, riết thành nghiện, giờ không “chơi” thì không thể chạy xe. Tính nết của “Đầu Hư” cũng trở nên cộc cằn, sẵn sàng “xử” bất cứ ai dù chỉ bị “nhìn đểu”.
Vừa lái xe vừa “đập đá”
Chiếc xe đầu kéo chở “cặp cổ” hai container 20 feet ì ạch leo lên cầu vượt Cát Lái vào xa lộ Hà Nội. Hàng nặng, máy yếu, leo dốc khó khăn khiến tài xế căng thẳng.
Xe vừa qua cầu, đi hết đoạn đường dẫn vào xa lộ Hà Nội hướng về trung tâm thành phố, “Đầu Hư” bất ngờ đạp thắng, tấp xe vào sát làn đường dành cho xe máy và tắt máy.
Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì anh ta nhảy ngay khỏi ghế lái, cầm theo chiếc bình chuyên dùng để “đập đá” leo sang chiếc giường phía sau. Tay cầm bình, tay bật hộp quẹt và đưa ống hút lên miệng, “Đầu Hư” hút nhè nhẹ một hơi dài khoảng nửa phút.
Hút 2-3 hơi, “Đầu Hư” lại lên ghế tài xế khởi động xe chạy mà chân cứ đong đưa theo tiếng nhạc nghe qua headphone của chiếc điện thoại Trung Quốc, đầu lắc lư qua lại. Xe qua ngã tư Văn Thánh, tiếng nhạc mở hết công suất dường như không đủ làm “Đầu Hư” thỏa mãn.
Thấy một cô gái khá xinh lái xe du lịch phía sau qua gương chiếu hậu, “Đầu Hư” giật headphone ra, kéo còi hơi liên tục rồi một tay cầm vôlăng, một tay mở cửa đứng lên, nhoài người ra nhìn về phía sau, vừa hú hét vừa chửi tục.
Hơn 2h sáng, chiếc xe về tới điểm giao hàng trong KCN Tân Bình (quận Tân Phú). Sau khi mướt mồ hôi đập, bẻ niêm chì của container, “Đầu Hư” thấm mệt, quay lên cabin hút tiếp 3-4 hơi nữa. Chỉ trong khoảng 1 giờ 30 phút chờ rút hàng trong container, “Đầu Hư” ba lần “đập đá” ngay trên cabin.
Nhóm bốc xếp bốc xong bao hàng cuối cùng, gõ cánh cửa gọi tài xế đóng cửa container. Hơn một phút sau, “Đầu Hư” mới thoát khỏi cơn mơ màng, mắt dịu xuống, hất đầu hỏi: “Chuyện gì?”.
Người bốc xếp nhỏ nhẹ: “Cho xin một xị bồi dưỡng anh em!”. “Đ.M., nửa xị thôi” - “Đầu Hư” nói rồi đưa tiền. Trên đường về cảng Cát Lái, “Đầu Hư” lại tiếp tục “đập đá” mấy lần trong khi chờ đèn đỏ.
0h ngày 9/6, chúng tôi gặp lại “Đầu Hư” tại giao lộ Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), khi anh ta đang kéo một container 40 feet giao hàng tại Q.11. Mấy ngày không ngủ khiến tài xế này run run, lái xe trong yên lặng, đi quá điểm rẽ vẫn không biết.
Tới kho giao hàng, sau khi mở niêm chì container, tài xế vội vàng lên cabin, chế lại dụng cụ “đập đá” một cách tỉ mỉ, sau đó lấy “bịch hai” (200.000 đồng) và đổ vào bình hút liên tiếp mấy hơi. Bốn ngày chưa ngủ, “Đầu Hư” vẫn ôm vôlăng lái xe.
Tới sáng 10/6, liên lạc qua điện thoại, “Đầu Hư” cho biết vẫn đang lái xe giúp một người bạn, vì xe của mình không có hàng. “Không chơi hàng thì không thể lái xe, mà chơi hàng rồi, không lái xe thì thấy bứt rứt, khó chịu lắm!” - “Đầu Hư” nói.
Đang phê "hàng", tài xế "Đầu Hư" mở cửa xe nhoài người ra trêu ghẹo người đi trên đường Điện Biên Phủ. |
Bằng giả tung hoành
Trong những ngày rong ruổi cùng các tài xế container, chúng tôi nhận thấy không chỉ riêng “Đầu Hư” mà còn có rất nhiều thanh niên mới 18-25 tuổi nhưng đã có nhiều năm cầm lái dù không có bằng, không qua trường lớp đào tạo nào.
B.B. là một người như thế, mới 23 tuổi, B.B. đã sáu năm làm tài xế và trước đó là lơ xe. Mua bằng để chạy xe nhiều năm, từng buồn ngủ và tông xe vào dải phân cách giữa đường nhiều lần nhưng khi có thời gian rảnh rỗi là tranh thủ đi matxa, đánh bài và nhậu. B.B. có thể chạy xe cả tuần, chỉ ngủ chốc lát khi chờ bốc xếp hàng.
“Tôi phải nuôi hai anh trai bị đi tù cũng vì nghề lái xe. Muốn bỏ nghề lắm nhưng giờ nghỉ thì không có tiền lo cho mấy ổng và không biết làm gì sống. Nghề này bạc lắm, nhưng khó dứt ra!” - B.B. buồn bã chia sẻ.
Tuấn (quê Bình Thuận) cũng dùng bằng giả để lái xe container chia sẻ: “Cơ bản quen tay thôi, ai làm tài xế container đều phải xuất thân từ thằng phụ xe hết”. Theo Tuấn: “Bằng giả y như thật, nhìn hai bằng y chang có khác gì đâu, chỉ có tra cứu trong hệ thống mới lộ ra thôi”.
Tuấn nói hiện tại cường độ làm việc của anh gần như phủ kín tất cả các ngày trong tuần, cứ có hàng là chạy bất kể giờ giấc. “Tính ra thời gian ôm vôlăng, ăn ngủ ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Mỗi ngày chỉ ngủ được vài ba tiếng, giấc ngủ lúc tỉnh lúc mê” - Tuấn bộc bạch.
Phát hiện nhiều tài xế nghiện ma túy
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết trong năm 2014, qua công tác khám sức khỏe đối với tài xế vận tải bằng ôtô có 477 trường hợp dương tính với ma túy.
Trong đó, Hà Nội có 57 tài xế có biểu hiện dương tính với chất gây nghiện, Hải Dương phát hiện 61 trường hợp tài xế dương tính với ma túy.
Theo công bố của Sở GTVT TP HCM, trong đợt thăm khám sức khỏe năm 2014 có tới 117 người có kết quả dương tính với ma túy. Đối với những tài xế này, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị vận tải không được tiếp tục sử dụng lái xe.
Hiện Sở GTVT đang phối hợp với Sở Y tế, Công an TP lập đoàn kiểm tra đột xuất các đơn vị vận tải để kiểm tra tài xế sử dụng chất ma túy.
Đồng thời sở kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Y tế cần ban hành quy định kiểm tra chất ma túy trong tiêu chuẩn khám sức khỏe đối với lái xe kinh doanh vận tải.