Ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, chủ trương đào tạo, sát hạch lái xe số tự động cơ bản đã được các Cục, Vụ trực thuộc Bộ GTVT đã nhất trí thông qua.
Sau khi Thông tư ban hành có hiệu lực, người học lái xe chỉ muốn thi lấy bằng lái xe số tự động thì không phải học lái xe số sàn. Khi hoàn tất khóa học, sát hạch đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp GPLX.
“GPLX được cấp như bình thường, cùng chủng loại như GPLX hiện hành. Tuy nhiên, mặt sau của GPLX sẽ ghi chú 'chỉ được lái xe số tự động' rõ ràng”, ông Quyền cho hay.
Hiện nay, một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng chế độ 2 loại GPLX, một loại GPLX chung cho cả số sàn và số tự động và một loại GPLX chỉ dành cho số tự động. Song, cũng không ít quốc gia không chấp nhận loại GPLX số tự động, trong đó nhiều quốc gia thuộc Công ước Vienna mà Việt Nam tham gia.
Theo ông Quyền, chương trình học để thi lấy bằng lái xe số tự động sẽ được rút ngắn hơn, thời gian học sẽ giảm khoảng 60 tiết học so với chương trình hiện nay. Người học có quyền lựa chọn, học và thi lấy GPLX thông thường như hiện nay hoặc chỉ học và thi lấy GPLX số tự động.
Việt Nam sẽ có song song 2 loại GPLX, trong đó 1 loại chỉ dành cho xe số tự động. |
Về chi phí đào tạo đối với loại GPLX số tự động, ông Quyền cho biết, mức chi phí sẽ do các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tính toán và quyết định rồi công bố công khai. Như vậy, cũng là để tạo sự cạnh tranh giữa các trung tâm này.
Liên quan đến việc cấp đổi GPLX qua mạng, ông Quyền thông tin ngành GTVT đã làm việc với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, triển khai việc đổi GPLX vật liệu PET mà người đổi không cần đến Tổng cục Đường bộ hoặc Sở GTVT để làm.
Theo đó, các điểm bưu điện tại các xã, phường… sẽ tiếp nhận hồ sơ của người muốn đổi, chụp ảnh của người đổi GPLX và gửi về Tổng cục hoặc các Sở GTVT. Khi nào GPLX hoàn tất, bưu điện sẽ chuyển về tận nơi làm việc, sinh sống của người cấp đổi. Tuy vậy, người có nhu cầu đổi GPLX cũng sẽ phải trả một khoản phí vận chuyển nhất định cho phía bưu điện.