Những con thuyền thường dừng chân tại các hòn đảo nhỏ trên Thái Bình Dương, nơi mà khi nhắc tới mọi người thường chỉ liên tưởng đến những kỳ nghỉ hè.
Thế nhưng, đó lại là những con thuyền đang trên hải trình vận chuyển ma túy mà bạn chưa từng nghe tới, nơi số cocaine và methamphetamine (ma túy đá) trị giá hàng tỷ USD được đóng gói và giấu trong các con thuyền cỡ nhỏ đi từ Mỹ và Nam Mỹ đến Australia.
Hàng tỷ USD cocaine
Năm năm trở lại đây chứng kiến sự gia tăng đột biến những con thuyền, đôi khi chở tới hơn một tấn cocaine, đi xuyên Thái Bình Dương để phục vụ nhu cầu ma túy ngày càng gia tăng ở Australia.
Mắc kẹt giữa sự bùng nổ này là những nước như Fiji, Vanuatu, Papua New Guinea, Tonga và New Caledonia, đều là những đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, nơi những bãi biển được sử dụng để cất giấu lượng ma túy trị giá hàng tỷ USD.
Một chiếc thuyền buồm ngoài khơi quần đảo Fiji. Trong 5 năm trở lại đây, tội phạm ma túy ngày càng sử dụng nhiều hơn các con tàu cỡ nhỏ để vận chuyển ma túy xuyên Thái Bình Dương, từ Nam Mỹ đến Australia. Ảnh: Guardian. |
Hàng trăm kilogram cocaine đã dạt lên bờ biển ở những hòn đảo này, những con thuyền chở đầy ma túy tập kết trên các rạn san hô xa xôi, và ngư dân địa phương thì phát hiện những khối ma túy khổng lồ được giấu dưới nước có gắn với thiết bị định vị GPS.
"Vẽ một đường thẳng từ Bogota đến Canberra và nó sẽ đi ngang các hòn đảo (ở Thái Bình Dương)", tiến sĩ Andreas Schloenhardt, giáo sư ngành luật hình sự tại Đại học Queensland, nhận định.
Thái Bình Dương đã là nơi diễn ra hoạt động vận chuyển ma túy trong nhiều thập kỷ qua, nhưng các chuyên gia an ninh và người thực thi pháp luật cho biết tuyến đường này sôi động hơn rất nhiều trong 5 năm trở lại đây. Kể từ năm 2014, cảnh sát liên bang Australia đã thu giữ tổng cộng 7,5 tấn cocaine được vận chuyển bằng tàu bè loại nhỏ và thuyền buồm qua khu vực, với đích đến là Australia.
Vào năm 2004, cảnh sát phát hiện 120 kg cocaine trên một bãi biển ở Vanuatu, vụ bắt giữ ma túy lớn nhất trong lịch sử Australia vào thời điểm đó. Nhưng chỉ 9 năm sau, họ đã phát hiện lượng ma túy lớn gấp 6 lần con số đó.
Kể từ năm 2016, đã có 6 vụ bắt giữ ma túy lớn ở khu vực Polynesia (thuộc Pháp). Năm 2017, một du thuyền đã bị chặn lại gần New Caledonia với hơn 1,4 tấn cocaine giấu trong thân tàu, và một chiếc thuyền khác bị bỏ lại ngoài khơi bờ biển phía đông Australia cũng với 1,4 tấn cocaine. Mỗi lô hàng này ước tính trị giá hơn 200 triệu USD.
"Các vụ bắt giữ ngày càng lớn hơn, do lượng ma túy lớn hơn đang được vận chuyển", giáo sư Schloenhardt nhận định.
"Bạo lực khủng khiếp"
Cả khu vực bị cuốn vào một cơn bão. Sản lượng cocaine được sản xuất ra ở Mỹ Latin đang ở mức cao nhất lịch sử. Cùng thời điểm đó, nhu cầu tiêu thụ cocaine ở Australia và New Zealand bùng nổ. New Zealand chính là nơi có tỷ lệ người dân sử dụng cocaine cao nhất thế giới.
Người dùng tại Australia và New Zealand cũng phải trả nhiều tiền hơn cho một gram cocaine so với các nơi khác trên thế giới, khiến nơi đây trở thành thị trường béo bở cho những kẻ buôn lậu.
Ma túy được đưa đến Australia thông qua một loạt các loại phương tiện, bao gồm tàu chở hàng, tàu du lịch và vận tải hàng không. Một tiếp viên hàng không người Fiji đã bị bắt hồi tháng 12/2018 vì buôn lậu cocaine, và đến tháng 3 năm nay, cảnh sát Australia đã bắt giữ 2 người đàn ông, một trong số này là nhân viên của sân bay Sydney, do có liên quan đến việc buôn lậu ma túy đá.
Dù vậy, nhờ các biện pháp an ninh chặt chẽ tại sân bay, cộng với việc thắt chặt kiểm soát hải quan tại các sân bay ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương, và cũng vì trên thực tế có rất ít chuyến bay thẳng giữa Mỹ Latin đến Australia và New Zealand, việc vận chuyển ma túy bằng đường biển xuyên Thái Bình Dương trở thành lựa chọn khả dĩ nhất cho các tay buôn lậu.
"Không may là Thái Bình Dương lại nằm ở trái tim của hoạt động này", ông Tevita Tupou, Giám đốc Vận hành của Tổ chức Hải quan Đại dương, cho biết.
Ông Tevita Tupou, Giám đốc Vận hành của Tổ chức Hải quan Đại dương, cho biết nhà chức trách gặp rất nhiều thách thức để kiểm soát hoạt động vận chuyển ma túy ở khu vực. Ảnh: Guardian. |
Một số quốc gia Thái Bình Dương đang chứng kiến nạn buôn lậu cocaine và ma túy đá hoành hành nghiêm trọng, cùng với đó là bạo lực băng đảng, tội phạm và nạn tham nhũng của cảnh sát.
Việc vận chuyển ma túy xuyên quốc gia qua Thái Bình Dương không phải là nguyên nhân duy nhất của vấn đề ma túy nội địa ở Fiji, theo ông Sitiveni Qiliho, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia của đảo quốc này. Ngành du lịch đang bùng nổ và sự giàu lên của người dân cũng đóng góp vào những gì diễn ra.
"Khi những kẻ buôn lậu mang ma túy tới, thường thì chúng sẽ để lại vài kilogram để trả công trước khi vận chuyển đi nơi khác. Số ma túy này được đưa vào thị trường, khiến lượng sử dụng gia tăng", ông Qiliho nhận định.
Ian Collingwood, một người nghiện sống ở Fiji, nói với Guardian rằng cùng với sự xuất hiện của ma túy là tình trạng "bạo lực khủng khiếp".
"Giống như ở bất kỳ quốc gia nào, ở đầu chuỗi thức ăn là những kẻ bán ma túy rất nguy hiểm, cực kỳ xấu xa", Collingwood chia sẻ.
"Họ sẽ bắt cóc bạn và bỏ bạn lại ở một bụi rậm nào đó, họ sẽ đập vỡ xương bánh chè của bạn hoặc tệ hơn, họ sẽ đổ axit vào mặt bạn và bạn sẽ chết. Đó là điều đang diễn ra gần đây. Trong vòng 12-24 tháng qua, tôi cho là đã có 6, 7 hoặc 8 cái chết như vậy".
Những đảo quốc không được chuẩn bị
Trong khi đó, giới chức các quốc gia ở Nam Thái Bình Dương lại không được chuẩn bị đủ để đối phó với tình hình mới này.
Không có dữ liệu nào được thu thập ở Fiji về việc sử dụng ma túy, không có thống kê về tình trạng nghiện của người dân. Cũng không có trung tâm cai nghiện nào hoạt động ở đảo quốc này, không có phòng khám cung cấp methadone. Không có chuyên gia sức khỏe về ma túy, thậm chí không có một nhóm hoạt động nào dành cho những người nghiện.
Ông Collingwood nói rằng người dân ở đây cũng không có hiểu biết về nghiện như một trạng thái bệnh lý.
Ian Collingwood, một người nghiện sinh sống ở Fiji, cho rằng vấn đề ma túy của quốc đảo này đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trong khi xã hội chưa được trang bị các nguồn lực để đối phó. Ảnh: Guardian. |
Trên bức tường văn phòng Tổ chức Hải quan Đại dương ở trung tâm thành phố Suva (thủ đô Fiji) là một tấm bản đồ đầy màu sắc của khu vực Thái Bình Dương, từ Australia và Palau ở phía tây cho đến Polynesia thuộc Pháp ở phía đông. Ông Tevita Tupou chỉ vào nó để mô tả mức độ thách thức của việc thực thi pháp luật ở khu vực.
Ông cho biết mình và cộng sự đang tham gia vào một trận chiến giữa David và Goliath, chống lại một kẻ thù sáng tạo, nhiều tiền và liên tục đổi mới.
"Chúng tôi phải kiểm soát mọi thứ trên vùng biển có diện tích bằng 1/3 diện tích đại dương thế giới", ông Tupou nói và giơ từng ngón tay của mình lên, liệt kê các thách thức.
"Biên giới mềm, biên giới trên biển, khu vực địa lý trải dài, nguồn lực hạn chế. Đó là môi trường hoạt động của chúng tôi. Bạn sẽ bắt đầu từ đâu?", ông nói.
"Đây có lẽ là cuộc chiến của thế hệ chúng tôi. Nếu chúng tôi để thua vào lúc này, chúng tôi sẽ biến mất".