Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cao thủ' ở phố sách giữa lòng thủ đô

Nếu là "dân mọt sách” ở Hà Nội, ai cũng biết phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí. Đây là phố sách nổi tiếng nhất của thủ đô.

Phố sách có từ khá lâu với rất nhiều chủng loại sách và giá cả bao giờ cũng “mềm” hơn những nơi khác.

Nếu không đặc trưng bởi các cửa hàng sách, phố Đinh Lễ cũng không có gì đặc biệt. Một phố ngắn, nằm sát Hồ Gươm và gần những cơ quan đầu não của thành phố, Đinh Lễ được nhiều người biết đến vì đây là nơi bán sách nổi tiếng nhất của Hà Nội với nhiều cửa hàng sách. Thậm chí, có những cửa hàng nằm ở những vị trí không ai có thể ngờ đến.

Phố sách Đinh Lễ có lịch sử từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ là những quầy sách bán lẻ tẻ trên vỉa hè. Quy mô lớn dần và cũng chuyên nghiệp hơn, có những cửa hiệu lớn với nhiều loại sách. Người ham đọc sách thường chọn nơi này để mua sách.

Một trong những nhân vật hay được nhắc đến trong việc gây dựng phố sách Đinh Lễ là vợ chồng bà Phạm Thị Mão, ông Lê Luy. Gian hàng sách của ông bà nằm trên gác phố khu tập thể Đinh Lễ.

Pho sach Dinh Le anh 1

Sách Hà Nội dấu xưa, phố cũ của tác giả Uông Triều.

Nơi đây, có những cầu thang đặc trưng từ thời bao cấp, cheo leo, ngoắt nghéo và nếu không phải là dân nghiền sách, khó ai có thể ngờ rằng có những cửa hàng sách nằm ở những vị trí chênh vênh, sâu hút đến thế.

Cửa hàng sách của ông bà gây cho người ta ấn tượng rất mạnh, dù đã đặt chân đến nhiều lần đi chăng nữa. Sách xếp cao đến tận trần nhà, cơ man là sách.

Những năm trước, khi bà Mão còn sống, hỏi đến quyển sách nào, ông bà đều có thể trả lời được ngay. Ngày bà Mão mất, rất nhiều người mê sách thương tiếc. Vì chính bà là một trong những người đầu tiên khởi dựng nên cái tên “phố sách Đinh Lễ”, là bà đỡ cho nhiều cuốn sách hay.

Trong đó, có thể kể đến cuốn Almanach - Những nền văn minh thế giới đã mang lại sự giàu có và cơ ngơi sách cho ông bà.

Phố sách Đinh Lễ bây giờ có rất nhiều các cửa hiệu lớn. Sách nhiều vô kể, đủ các thể loại: Văn học, lịch sử, chính trị, khoa học, thiếu nhi, giáo khoa…

Nói cách đơn giản rằng nếu không tìm thấy cuốn sách nào đó ở Đinh Lễ, cũng khó tìm thấy nó ở một nơi nào khác. Nếu sách được xuất bản mà chưa lên kệ sách trên phố Đinh Lễ, có thể coi như cuốn sách ấy chưa thành công.

Phố sách nhiều người bán nhưng cao thủ bán sách thì không nhiều, có thể kể thêm một người nữa. Đó là chị Vũ Thúy Hoa.

Chị Hoa là người tự hài hước treo biển cửa hàng sách của mình là “Sách Mụ Hoa”. Người phụ nữ này có một điều khác biệt là rất chịu khó đọc sách.

Hầu như nhắc đến tên quyển sách nào, chị biết ngay quyển đó xếp ở đâu. Thậm chí, với những tác giả nổi tiếng, chị còn biết sách viết về chủ đề gì.

Cửa hàng của chị bé tí tẹo, sách xếp cao như tường thành và mới nhìn qua thì hoa mắt, chóng mặt vì đủ màu sắc, tên gọi và các thể loại sách.

Tôi nhớ có lần ra mắt cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hồ Anh Thái, chị Hoa là đại biểu duy nhất của phố sách Đinh Lễ được mời đến, bởi đơn giản chị mê đọc sách của các nhà văn Việt.

Mỗi khi vắng khách, chị lại lôi sách ra đọc và vì thế chị biết mặt, biết tên khá nhiều nhà văn có tiếng. Có những cuốn sách thuộc “hàng độc”, các nhà xuất bản, tác giả cũng tin tưởng gửi gắm riêng cho chị phát hành “độc quyền”.

Nhưng phố Đinh Lễ không chỉ có sách, nếu ai quan tâm lịch sử Hà Nội thì biết rằng khu vực phố này từng là nơi tọa lạc của một trong những ngôi chùa rất lớn.

Chùa Báo Ân được xây dựng ngay phía Đông Nam Hồ Gươm với 180 gian, 36 nóc. Chùa được tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai quyên tiền xây dựng và trở thành một trong những nét nhấn quan trọng bậc nhất bên cạnh Hồ Gươm.

Nhưng lịch sử thăng trầm, khi người Pháp chiếm được Hà Nội và cải tạo khu vực quanh Bờ Hồ, họ đã cho phá chùa Báo Ân để xây dựng Bưu điện và các cơ quan hành chính đầu não.

Ngôi chùa lớn gần như bị phá hủy hoàn toàn, nay chỉ còn tháp Hòa Phong trơ gan cùng tuế nguyệt như chứng nhân duy nhất của thắng tích khi xưa.

Vì thế, vào những dịp lễ tết, một số cửa hàng sách ở phố sách Đinh Lễ vẫn thấy những đồ tế lễ mang dấu ấn Phật giáo để ghi nhớ lịch sử một ngôi chùa lớn năm xưa.

Và nếu ai để ý, việc đặt tên phố quanh Hồ Gươm mang rất nhiều dấu ấn của vương triều Lê. Lê Thái Tổ, Lê Lai, Lê Thạch… và phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí cũng được đặt theo tên những vị công thần quan trọng bậc nhất của thời Lê.

Pho sach Dinh Le anh 2

Phố Đinh Lễ là phố sách độc nhất vô nhị của Hà Nội mở cửa xuyên đêm giao thừa. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.

Đinh Lễ (?-1427) gọi Lê Lợi là cậu ruột, là tướng có võ nghệ cao cường. Thời trẻ, Đinh Lễ từng làm cận vệ cho Lê Lợi, sau làm tướng ghi được những chiến công lớn.

Đặc biệt, trận đánh ở Tốt Động, Chúc Động phá quân Minh, ông cùng Nguyễn Xí và quân Lam Sơn phục kích, tiêu diệt được 50.000 quân địch, bắt sống tướng giặc là Trần Hiệp.

Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của nghĩa quân Lam Sơn mà sau này Nguyễn Trãi đã viết những dòng ca ngợi đầy cảm xúc.

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,

Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.

Sĩ khí đã hăng

Quân thanh càng mạnh.

Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,

An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.

Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.

Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm

Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.

Phúc tâm quân giặc Trần Hiệp đã phải bêu đầu…

Đinh Lễ còn có em ruột là Đinh Liệt, cũng là võ tướng ghi nhiều chiến công hiển hách. Một sự thú vị và chắc là có chủ ý của người đặt tên đường: Phố Đinh Lễ và Nguyễn Xí cắt ngang nhau vì trong lịch sử hai ông có những gắn bó rất gần gũi.

Ngoài việc cả hai cùng tham gia trận đánh lẫy lừng ở Tốt Động, Chúc Động, Đinh Lễ và Nguyễn Xí, khi truy kích địch, đã bị giặc bắt sống ở My Động. Nguyễn Xí may mắn trốn thoát còn Đinh Lễ bị giặc sát hại.

Nguyễn Xí (1396-1465) sau đó còn lập một chiến công lớn nữa, khi cùng Phạm Vấn tiếp ứng đánh trận Xương Giang và bắt sống hai tướng giặc Minh là Thôi Tụ và Hoàng Phúc.

Đinh Lễ và Nguyễn Xí được đặt tên cho hai con phố bán sách. Phố tuy nhỏ, lúc nào cũng nhộn nhịp và rất đông người đến mua sách.

Hai vị tướng lừng danh một thời, giờ lại rất gần nhau như một sự gắn kết thú vị. Phố tên quan võ mà giờ lại bán sách “văn”, âu cũng là một sự độc đáo của những con phố Hà Nội.

Vườn hoa Con Cóc và 'Hà Nội dấu xưa, phố cũ'

Thăng Long - Hà Nội trở thành kinh đô chính thức của nước Việt đã hơn một nghìn năm.

Uông Triều

Trích sách Hà Nội dấu xưa, phố cũ

SÁCH HAY