Trong các ngày 21 và 25/11, các trận động đất xảy ra tại tỉnh biên giới Sayaboury (Lào) và huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đã khiến thủ đô chịu dư chấn, nhiều tòa cao tầng rung lắc. Điều này khiến người dân sống ở các khu chung cư bắt đầu cảm thấy lo lắng về độ an toàn các tòa nhà cao tầng.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), động đất là một thảm họa khó lường, không thể dự báo. Tuy nhiên, ông cho rằng người dân không nên quá lo lắng bởi Hà Nội là khu vực khó xảy ra động đất.
Hà Nội có thể xảy ra động đất cấp 7
Theo PGS.TS Trần Chủng, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác đã chủ động và dành nhiều quan tâm đến tác động của tự nhiên. Trong đó có vấn đề kết cấu và xây dựng trong khu vực đô thị. Hà Nội cũng đã hoàn thiện bản đồ phân vùng động đất chi tiết đến từng quận, phường.
Bản đồ gia tốc cực đại nền (PGA) lãnh |
Theo các dữ liệu thu thập được của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KHVN), một số vùng ở Hà Nội có nguy cơ xảy ra động đất cấp 7 (theo thang đo MSK-64), tương đương động đất 5-5,9 độ richter.
"Trên cơ sở bản đồ phân vùng ấy, khi thiết kế, đặc biệt công trình cao tầng đều phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn xây dựng về kháng chấn", tiến sĩ Chủng nói.
Theo ông, các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Nhà nước ban hành trong lĩnh vực xây dựng là khá hoàn thiện. Bên cạnh đó, năng lực, kỹ thuật thiết kế kháng chấn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam cũng khá tốt.
"Tôi cho rằng tất cả các công trình xây dựng hiện đại ở Hà Nội đều được kiểm soát tốt, có thể đảm bảo các điều kiện an toàn theo từng phân vùng nguy cơ xảy ra động đất", TS Trần Chủng nhận định.
Nguy cơ từ các tòa chung cư cũ
Còn theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam, thiết kế kháng chấn của Việt Nam từ trước đến nay vẫn lấy theo các tiêu chuẩn, khung quy định của Nga và châu Âu. Đó là thang đo độ phá hủy của động đất MSK-64 và theo gia tốc nền.
Theo các chuyên gia, phần lớn các nhà cao tầng ở Việt Nam đều chịu được động đất ở cấp 6, 7. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo GS Nguyễn Văn Liên, động đất từ trong lịch sử không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với Việt Nam.
"Việt Nam không phải vùng có hiểm họa lớn về động đất, nên chưa cần đi sâu vào nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về kháng chấn. Ngoài ra, việc thiết kế, xây dựng những tòa nhà có khả năng chống chịu động đất lớn là vô cùng đắt đỏ. Do vậy, sẽ là thừa thãi khi đưa vào sử dụng ở Việt Nam", ông cho hay.
Cũng theo ông Liên, Việt Nam ít động đất, nhưng rất nhiều bão lớn. Các kỹ sư khi thiết kế nhà cao tầng phải tính toán để có thể chống chọi được những cơn bão có gió giật cấp 12-13, nguy hiểm hơn nhiều so với động đất cấp 4-5.
Hà Nội vẫn còn nhiều khu tập thể, nhà ở lắp ghép xuống cấp trầm trọng chưa được giải tỏa. Ảnh: Hồng Nhung. |
Dù khả năng xảy ra rất ít, nhưng PGS.TS Trần Chủng cho rằng nếu có động đất, Hà Nội nên lo lắng ở những khu vực tồn tại các chung cư cũ, xuống cấp. Bởi những nơi này được xây dựng cách mấy chục năm trước, không còn đảm bảo an toàn.
"Tôi và các chuyên gia khác đã kiến nghị lên TP về nguy cơ ở những nơi này. Nhưng thực tế khó giải quyết vì rất nhiều lý do", ông Chủng nói.
Tương quan giữa 2 thang đo động đất MSK-64 và Richter. Đồ họa: Sơn Hà. |